Giải thích hiện tượng này, tại hội thảo thường niên ngành ngân hàng 2016 do EY Việt Nam tổ chức, ông Jan Bellens cho biết, làn sóng đầu tư lớn vào FinTech trong nhiều năm trở lại đây và EY Adoption Index cho thấy, cứ 7 người thích sử dụng công nghệ số thì có 1 người sử dụng sản phẩm FinTech. Đây là lý do nhiều tổ chức tài chính mạnh tay đầu tư vào các công ty FinTech, chẳng hạn ING đầu tư một phần trong 160 triệu USD từ Series B vào WeLab - hệ thống cho vay hàng đầu châu Á; Lufax huy động thành công 1,2 tỷ USD, nâng giá trị của công ty lên 18,5 tỷ USD; Momo tăng vốn thêm 28 triệu USD từ quỹ đầu tư của Standard Chartered Bank…
“Ở một khía cạnh nào đó, hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt với thách thức lớn trong nỗ lực ứng phó với tốc độ phát triển của FinTech. Ngân hàng nên xác định FinTech là đối tượng cạnh tranh hay bạn bè hợp tác? Câu trả lời là cả hai, bởi các nhà băng có thể dựa trên đội ngũ của FinTech để tối ưu hóa dịch vụ mình đang cung cấp, đồng thời không nên bỏ qua sự mạo hiểm đầu tư vào FinTech”, ông Jan Bellens nói.
Về vấn đề này, ông Phạm Thanh Đức, CEO của M.Service JSC, Công ty sở hữu ứng dụng Momo, nêu quan điểm, FinTech không loại trừ mà sẽ bổ trợ cho hoạt động ngân hàng. Chẳng hạn, các khách hàng có tài khoản ngân hàng vẫn có thể sử dụng ví momo để thanh toán bởi ứng dụng này kết hợp với nhiều nhà cung cấp lớn nhỏ, dịch vụ đa dạng như thanh toán tiền điện, nước, internet, cho đến mua vé xem phim, vé máy bay… Thậm chí, người tiêu dùng có thể mua hàng online cũng như trả các khoản vay tiêu dùng với momo, trong bối cảnh 80% dân số Việt Nam chưa tiếp xúc với dịch vụ ngân hàng, nhất là ở miền quê, vùng nông thôn.
“Địa bàn mà dịch vụ momo phổ biến nhất đó là miền Tây Nam Bộ. Momo giúp cho các đơn vị thu hộ, chi hộ khoản vay tiêu dùng như của Home Credit lên tới hàng trăm tỷ đồng/tháng, do người dân khu vực đó không có điều kiện tiếp xúc dịch vụ ngân hàng. Người dân đến các điểm giao dịch của momo để đưa tiền mặt cho những người có ví momo, qua đó thanh toán tiền cho các dịch vụ, giúp việc tiêu dùng thuận lợi hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí xăng xe…”, ông Đức chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hòa Bình, người sáng lập, Chủ tịch NextTech Group of Technopreneurs nhấn mạnh, “banking” – dịch vụ ngân hàng từ trước đến nay là một khái niệm xa xỉ với đại đa số dân chúng, bởi nó đi liền với hình ảnh văn phòng sang trọng, dịch vụ cao cấp. Vì vậy, chỉ một bộ phận khách hàng có thu nhập tốt mới hướng tới các dịch vụ này. Trong khi đó, vẫn còn một bộ phận lớn khách hàng, có thể chiếm tới 70-80% dân số tại các quốc gia mới phát triển nằm ngoài vùng phủ sóng của ngân hàng. Đây là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp hợp tác lấp chỗ trống hoặc thay thế ngân hàng phục vụ đối tượng này.
“FinTech không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội cho ngành ngân hàng. Các doanh nghiệp FinTech không chỉ có những kẻ “phá bĩnh” (disruptor) nhăm nhe đẩy ngân hàng ra ngoài cuộc chơi, mà còn có những người “chuyển hóa” (transformer) đóng vai trò là cánh tay nối dài giúp tối ưu hóa hoạt động và phủ sóng dịch vụ ngân hàng đến mọi đối tượng khách hàng. Như vậy ngành ngân hàng cần phải nhìn nhận rõ bạn - thù để có những hành động hợp lý nhằm ngăn chặn thách thức và đón đầu cơ hội, trở nên cạnh tranh hơn trong một thế giới điện tử hóa”, ông Bình cho biết.
Ông Jan Bellens cho rằng, mô hình ngân hàng truyền thống có điểm mạnh là đáng tin cậy, khung pháp lý vững, đảm bảo cho an toàn của khách hàng nhưng có trở ngại là ít linh hoạt, không tạo sự trải nghiệm cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ, sản phẩm. Ngược lại, FinTech mang lại trải nghiệm tốt, linh hoạt cho khách hàng, với công nghệ tân tiến, nhưng chưa thể giành được lòng tin cần thiết vì là các thương hiệu chưa mạnh. Bên cạnh đó, xu hướng tăng trưởng của FinTech thường chậm lại nhanh sau thời gian đầu vì thiếu nguồn tài chính.
“Tại Việt Nam, mặc dù FinTech bắt đầu chậm nhưng hoạt động đã diễn ra trên diện rộng và tiệm cận gần với giai đoạn đột phá. Mô hình ngân hàng -FinTech là một tương lai tươi sáng tại thị trường Việt Nam”, ông Jan Bellens nhấn mạnh.