Tiềm năng cao…
Ông Nguyễn Thiện Tâm, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến FE Credit nhận định, dư địa phát triển cho thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn còn lớn với 4 nguyên do.
Đầu tiên là cấu trúc kinh tế và sự dịch chuyển trong hành vi tiêu dùng. Theo ông Tâm, Việt Nam có cấu trúc kinh tế với tỷ trọng nông nghiệp đang giảm dần (chiếm 17% GDP), nhường chỗ cho dịch vụ chiếm trên 45% GDP.
Đặc biệt, với quy mô dân số lớn (khoảng 94 triệu người) và thu nhập bình quân đầu người đang tăng, trong đó người trẻ tại các thành thị lại có xu hướng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn mức thu nhập để đáp ứng các nhu cầu của cuộc sống.
Thứ hai, tốc độ phát triển không ngừng của thị trường tài chính tiêu dùng. Thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia và Stockplus cho thấy, năm 2017, ước tính dư nợ tín dụng tiêu dùng cả nước có quy mô khoảng 26,5 tỷ USD, tăng 65% so với năm 2016 và vượt xa tốc độ tăng trưởng tín dụng chung (khoảng 19%), qua đó nâng tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng tăng từ 12,3% của năm 2016 lên 17% vào cuối năm 2017.
48% dân số có thu nhập thấp khó tiếp cận được với dịch vụ cho vay của ngân hàng truyền thống sẽ trở thành những khách hàng tiềm năng của lĩnh vực tài chính tiêu dùng
Thứ ba, thị trường tài chính tiêu dùng thu hút nguồn vốn đầu vào lớn. Một nghiên cứu từ EY cho thấy, trên quy mô toàn cầu, hiện các khoản đầu tư vào dịch vụ cho vay đạt 24,3 tỷ USD cho giai đoạn 2016-2017.
Trong cuộc khảo sát tài chính công nghệ năm 2017, EY cũng nhận định rằng, dịch vụ cho vay đang là 1 trong 3 ngành hàng đầu về lợi nhuận đầu tư và cũng là 1 trong 3 ngành nhỏ thuộc tài chính công nghệ thu hút đầu tư hàng đầu từ các nhà đầu tư ASEAN.
“Việc các công ty tài chính huy động được nguồn vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài có uy tín được kỳ vọng giúp thị trường tài chính tiêu dùng có nguồn lực mạnh hơn, từ đó các chiến lược kinh doanh được xây dựng hấp dẫn hơn, với mức lãi suất cho vay tốt hơn”, ông Tâm nói.
Thứ tư, mức thâm nhập thị trường còn thấp mở ra nhiều cơ hội. Ông Tâm tính toán, tỷ trọng tài chính tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn khá thấp khi so sánh với thị trường các khu vực khác.
Nếu như ở các nước phát triển, tỷ trọng cho vay tiêu dùng thường chiếm khoảng từ 40% đến 50% trên tổng dư nợ, thì trong năm 2017, tài chính tiêu dùng đóng góp 17% tổng dư nợ cả nước, cho nên cơ hội tăng trưởng của ngành tại thị trường Việt Nam vẫn còn rất lớn.
“48% dân số có thu nhập thấp khó tiếp cận được với dịch vụ cho vay của ngân hàng truyền thống sẽ trở thành những khách hàng tiềm năng của lĩnh vực tài chính tiêu dùng.
Đồng thời, thị trường nông thôn, vùng ven vẫn còn đang bị bỏ ngỏ do các công ty tài chính vẫn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với khách hàng tại đây”, ông Tâm nhận định.
…Nhưng thách thức cũng không nhỏ
Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định, tín dụng tiêu dùng chưa phát triển bởi nhận thức chưa đúng và đủ về tín dụng tiêu dùng. Văn hóa đi vay để tiêu dùng còn ở mức thấp.
“Người Việt Nam ngại đi vay sòng phẳng, tâm lý không muốn vay để tiêu dùng, nhưng thực tế khi vay tiêu dùng sẽ không làm phiền ai và đây là bí mật tài chính của mình”, ông Lực nói.
Bên cạnh đó, sản phẩm dịch vụ tín dụng tiêu dùng cũng chưa đa dạng và phù hợp. Chẳng hạn, chưa có sản phẩm ở quê cho vay đám cưới, đám ma…, hay hình thức cho vay sinh viên là cho vay trước ngày trả lương còn ít, trong khi đó, thủ tục còn phức tạp, thủ công.
Thị trường tài chính phát triển nhanh, tinh vi và phức tạp; trong khi hành lang pháp lý chưa theo kịp, chưa đồng bộ, nhất quán và đặc biệt, khó khăn lớn nhất là tiếp cận thông tin thu nhập.
Chấm điểm tín dụng khách hàng (credit scoring) hết sức khó khăn do thông tin thiếu minh bạch, thiếu chính xác, trong khi tính tuân thủ của bên vay còn chưa cao và khi thông tin không minh bạch thì không thể cho vay tín chấp.
Ông Lực cho biết thêm, ngay trong khu vực tín dụng tiêu dùng ở Trung Quốc chiếm 21% trong tổng tín dụng, của ASEAN 5 là 35%..., còn ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 18% trong tổng dư nợ (bao gồm cả cho vay mua nhà, sửa chữa nhà ở) và lãi suất cũng cao hơn nhiều so với lãi suất thương mại.
Chẳng hạn, ở Mỹ, lãi suất cho vay thông thường chỉ 0,25%/năm, nhưng lãi suất cho vay tiêu dùng cũng từ 8-36%/năm; ở Trung Quốc, lãi suất tín dụng thông thường khoảng 6%/năm, nhưng cho vay tiêu dùng là 10-40%/năm... Lãi suất ở Việt Nam cao hơn các nước, theo TS. Cấn Văn Lực, là bởi rủi ro hơn và lạm phát cũng cao hơn.
“Nhiều ý kiến cho rằng, nên áp trần lãi suất, nhưng nếu triển khai rất rủi ro, tốn kém về mặt quản lý. Chẳng hạn, nếu áp trần 20%/năm như vay thương mại thì các công ty sẽ không thể cho vay được bởi không đủ trang trải về chi phí và yêu cầu lợi nhuận.
Ngoài ra, việc áp trần lãi suất sẽ kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế vì hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, nhất là những người có thu nhập thấp và ở vùng sâu, vùng xa, sinh viên các trường đại học, chưa kể lại gián tiếp thúc đẩy tín dụng đen phát triển với lãi suất cao hơn gấp đôi, gấp ba lãi tiêu dùng”, TS. Lực chia sẻ.
Và các khuyến nghị
Theo ông Lực, cần sớm ban hành Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện; thực hiện tốt Đề án 1726 (tháng 9/2016) về tiếp cận dịch vụ ngân hàng, Nghị quyết 42 của Quốc hội và Quyết định 1058 về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, Quyết định 986 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược ngành ngân hàng đến 2025;
Hoàn thiện khung pháp lý cho các FinTech và các sản phẩm tài chính mới (P2P lending, Crowd funding….); nâng cao nhận thức, văn hóa vay tiêu dùng (góp phần giảm tín dụng đen), đồng thời tăng cường giáo dục tài chính (financial education).
Cùng với đó là định hướng phát triển kênh phân phối hợp lý (chi nhánh, phòng giao dịch, ATM, ngân hàng số, công ty tài chính, FinTech…, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo); phát triển thị trường tài chính cân bằng hơn (nhất là phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu, phái sinh, tài chính vi mô...) nhằm giảm tải cho hệ thống ngân hàng; đồng thời không thể thiếu sự phối hợp các bộ, ngành nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc thủ tục hành chính.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam cho rằng, việc đầu tư vào công nghệ là rất quan trọng, đặc biệt là các giải pháp giúp cải thiện quy trình nghiệp vụ nhằm giảm thiểu hoặc loại bỏ sai sót do yếu tố con người, thất thoát dữ liệu và tăng cường hiệu quả của toàn bộ hệ thống xử lý…
“Nếu xây dựng được nền tảng công nghệ vững chắc, các công ty tài chính hoàn toàn có thể làm tăng sự hài lòng của khách hàng nhờ việc ra quyết định nhanh chóng, loại trừ sự gián đoạn trong xử lý hậu kỳ do giới hạn về thời gian làm việc, thay đổi nhân sự, nghỉ phép, chất lượng nhân viên không đồng đều… đối với các sản phẩm cho vay được số hóa”, bà Dương nhấn mạnh.