Thách thức quản trị công ty gia đình trở thành đại chúng

(ĐTCK) Nhiều công ty đại chúng, công ty niêm yết có xuất phát điểm là công ty gia đình. Không dễ để người ngoài tham gia quản lý, điều hành “đứa con tinh thần”, nhưng các doanh nghiệp chấp nhận sự tham gia nhiều hơn của bên ngoài, chào đón tư tưởng mới và thay đổi, nhằm lớn mạnh, phát triển bền vững, vươn ra biển lớn.
Công khai, minh bạch, công bằng, chính trực và tín nhiệm là những tiền đề quản trị công ty trong hội nhập Công khai, minh bạch, công bằng, chính trực và tín nhiệm là những tiền đề quản trị công ty trong hội nhập

Kinh tế tư nhân nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng hiện được nhìn nhận là đầu tàu kéo nền kinh tế, động lực quan trọng tạo ra giá trị cho nền kinh tế. Trong đó, các doanh nghiệp đại chúng và niêm yết là hình ảnh tiêu biểu cho thương hiệu doanh nghiệp quốc gia và cơ chế tạo ra giá trị bền vững.

Doanh nghiệp đại chúng tham gia tích cực cả thị trường yếu tố sản xuất và thị trường hàng hóa, điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp phải tuân thủ luật chơi thị trường cả ở phía cung nguồn lực vốn và lao động, cũng như cầu hàng hóa và dịch vụ. Khi chấp nhận trở thành công ty đại chúng niêm yết, phạm vi tuân thủ không chỉ trong nước, mà cả những yêu cầu chuẩn mực khu vực và quốc tế.

Đứa con thực sự trưởng thành và có giá trị cho xã hội khi rời khỏi vòng tay của cha mẹ, giữ được những giá trị cốt lõi và phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp tư nhân gia đình trở thành đại chúng phải đạt được những thành tựu nhất định về tài chính và thị trường để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, đáp ứng những yêu cầu luật pháp của một doanh nghiệp đại chúng. Nhiều nhà sáng lập doanh nghiệp thừa nhận, “đứa con” mình đã trưởng thành, độc lập và là người của công chúng, không gian vẫy vùng lớn hơn và chịu nhiều áp lực hơn. Doanh nghiệp cũng không thể né tránh áp lực của sự thay đổi, áp lực cạnh tranh và thâu tóm không chỉ từ các doanh nghiệp trong nước, mà cả từ nước ngoài.

Đứa con thực sự trưởng thành và có giá trị cho xã hội khi rời khỏi vòng tay của cha mẹ, giữ được những giá trị cốt lõi và phát triển bền vững. Người sáng lập cũng rất tự hào khi thấy doanh nghiệp đại chúng vận hành hiệu quả và và tạo ra giá trị bền vững trong cơ chế thị trường mà không có sự tham gia của mình.

Quản trị công ty được xem là khuôn khổ của luật chơi thị trường dành cho công ty đại chúng niêm yết. Quản trị công ty đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan tham gia vào doanh nghiệp để đảm bảo doanh nghiệp phát triển bền vững. Để thị trường có thể phát huy cơ chế tự điều tiết giúp cho doanh nghiệp hoàn thiện và phát triển bền vững, chính doanh nghiệp phải thừa nhận những nguyên tắc và giá trị của thị trường. 

Chuyển giao quyền lực

Hầu hết công ty gia đình trở thành đại chúng được thành lập trong khoảng 30 năm trở lại đây, từ khi Việt Nam bắt đầu công cuộc Đổi mới nền kinh tế năm 1986. Đến thời điểm hiện tại, thế hệ sáng lập doanh nghiệp vẫn giữ vai trò điều hành hoặc thành viên HĐQT. Tiền đề này phát sinh một số vấn đề về sở hữu và kiểm soát, vấn đề chuyển giao thế hệ, quản trị chuyên nghiệp, khả năng tham gia của các quỹ đầu tư, đa dạng hóa cơ cấu nguồn vốn.

Phạm vi và quy mô doanh nghiệp ngày càng lớn, thế hệ sáng lập doanh nghiệp chuẩn bị qua tuổi về hưu, dù muốn hay không thì công tác chuyển giao cần phải thực hiện. Thế hệ kế thừa có thể được đào tạo bài bản, tuy nhiên không phải thành viên nào trong gia đình cũng sẽ tiếp tục quản lý doanh nghiệp, vì có nhiều rào cản từ sở thích, đam mê cho đến năng lực.

Trong thực tiễn, vẫn có sự dè dặt chấp nhận sự tham gia của lực lượng quản trị viên độc lập và chuyên nghiệp trong cả cấp HĐQT và điều hành. Từ nhận thức chia sẻ quyền lực đến thực hành còn nhiều vướng mắc từ niềm tin của người lãnh đạo cho đến chính sách động viên, chia sẻ. Thế hệ lãnh đạo sáng lập thường là những người có năng lực và bản lĩnh, nhưng sự thành công trong quá khứ đôi khi là rào cản cho tư tưởng mới và chấp nhận sự thay đổi. Mặt khác, thị trường cũng chưa có đủ lực lượng quản trị viên chuyên nghiệp có năng lực để đáp ứng nhu cầu này. Vấn đề chuyển giao quyền lực là thách thức cho cả doanh nghiệp trong tư duy phân quyền cho đến sự sẵn sàng của lực lượng lao động quản trị cấp cao. 

Quản trị chuyên nghiệp

Mô hình quản trị hai cấp - HĐQT và Ban điều hành, trong các doanh nghiệp niêm yết nảy sinh nhu cầu lực lượng quản trị chuyên nghiệp đóng vai trò điều hành và thành viên HĐQT. Nhu cầu này hình thành thị trường lao động cấp cao với những yêu cầu đặc biệt từ năng lực quản trị cho đến đạo đức và tín nhiệm.

Sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức bên ngoài và áp lực bị thâu tóm là động lực để hoàn thiện thể chế quản trị công ty của doanh nghiệp.

Với 700 doanh nghiệp niêm yết và yêu cầu 1/3 số quản trị viên độc lập của luật là một thách thức cho cả hai phía cung và cầu thị trường lao động. Mặt khác, kinh nghiệm và thành công trong công tác điều hành của chủ doanh nghiệp đôi khi là rào cản trong quản trị công ty khi các thành viên HĐQT can thiệp quá sâu vào công tác điều hành. Tuy nhiên, nhìn chung, các doanh nghiệp chấp nhận sự tham gia nhiều hơn của bên ngoài, chào đón tư tưởng mới và thay đổi. Người chủ doanh nghiệp thay đổi cách nhìn về doanh nghiệp từ điều hành trực tiếp sang quản trị công ty. 

Đa dạng hóa sở hữu

Các doanh nghiệp gia đình đại chúng niêm yết thường có sở hữu tập trung. Cơ cấu này tạo điều kiện để kiểm soát doanh nghiệp, nhưng không rộng cửa cho việc tham gia mạnh mẽ của bên ngoài. Qua thời gian, các thế hệ nối tiếp thường giảm sự gắn bó với doanh nghiệp và mở rộng cửa cho các nhà đầu tư bên ngoài. Đây là xu hướng chung của các công ty đại chúng ở khắp nơi.

Sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức bên ngoài và áp lực bị thâu tóm là động lực để hoàn thiện thể chế quản trị công ty của doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp chấp nhận phân tán sở hữu, chia sẻ quyền lực, yêu cầu công khai, minh bạch, tín nhiệm, cũng như quản lý sự thay đổi sẽ thuận lợi hơn.

Doanh nghiệp cần nhận thức đa dạng hóa sở hữu là cơ hội hơn là thách thức khi doanh nghiệp được thị trường đưa lên bàn cân đánh giá. Người chủ doanh nghiệp cũng cần nhận ra rằng, chuyển giao thành công doanh nghiệp cho thị trường đó là một thành tựu hơn là mất mát. 

Tuy duy và thực hành quản trị công ty

Các hoạt động kinh tế được xem là quá trình tạo ra giá trị cho xã hội một cách bền vững và trách nhiệm. Bền vững trong việc tạo giá trị cho hiện tại, nhưng không xâm phạm tương lai, hành xử trách nhiệm với các bên liên quan trực tiếp và gián tiếp của doanh nghiệp. Internet và mạng xã hội tạo một không gian truyền thông mở khiến trách nhiệm này càng cụ thể và nhất quán. Doanh nghiệp cũng chịu cạnh tranh nguồn lực vốn và nhân lực khi mà những doanh nghiệp đối thủ chăm sóc nhà đầu tư và nhân viên tốt hơn. Chính sách nhân sự cần được so sánh với chuẩn mực khu vực và quốc tế để có thể duy trì nguồn nhân lực cấp cao cho phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp đại chúng niêm yết là đội ngũ tiên phong đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội nhập khu vực và toàn cầu. Quản trị công ty không chỉ là vấn đề của thị trường tài chính, mà là khuôn khổ đảm bảo thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm trong cạnh tranh và thu hút nguồn lực. Công khai, minh bạch, công bằng, chính trực và tín nhiệm là những tiền đề quản trị công ty cho doanh nghiệp đại chúng trong hội nhập. Nhận thức sự thay đổi, chấp nhận sự thay đổi và quản lý thay đổi là yêu cầu với doanh nghiệp niêm yết để phát triển bền vững.

Chuyên trang được thực hiện với sự hợp tác, của Công ty chứng khoán HSC, www.hsc.com.vn

Trần Duy Thanh, Khoa Quản lý công nghiệp, Đại học Bách khoa TP. HCM

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục