Giá xăng dầu và hy vọng “ghìm cương” lạm phát
Đúng thời điểm Chính phủ tổ chức Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, Liên bộ Tài chính - Công thương đã công bố điều chỉnh giá xăng dầu. Cụ thể, trong kỳ điều hành ngày 12/9, sau điều chỉnh của Liên bộ, giá xăng RON 95 là 23.210 đồng/lít (giảm 1.015 đồng/lít).
Như vậy, so với mức giá “đỉnh” gần 33.000 đồng/lít vào cuối tháng 6/2022, giá xăng RON 95 đã giảm hơn 9.600 đồng/lít và ở mức thấp nhất kể từ đầu năm tới nay. Ngoài giá xăng dầu thế giới “hạ nhiệt”, việc Chính phủ nỗ lực điều hành qua việc giảm các loại thuế, phí… đã hỗ trợ rất lớn trong kiểm soát giá xăng dầu.
Cũng cần nhắc lại rằng, chỉ hơn một tháng trước, khi Chính phủ thảo luận về vấn đề kinh tế vĩ mô (ngày 30/7), thì giá xăng dầu đang được coi là vấn đề “đại sự”. Bởi lẽ, giá xăng dầu tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, mà còn là những vấn đề liên quan đến sản xuất - kinh doanh. Giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến giá đầu vào sản xuất của doanh nghiệp.
Thực tế, kể từ khi giá xăng dầu giảm dần, áp lực lạm phát của Việt Nam cũng vơi bớt. Số liệu thống kê cho thấy, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 chỉ tăng nhẹ 0,005% so với tháng trước, đưa bình quân 8 tháng chỉ tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước, tương đương các năm 2018-2021.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi phát biểu đề dẫn tại Hội nghị của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, đã nhấn mạnh việc “Việt Nam vẫn giữ vững được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, nhất là trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn mất ổn định, đối mặt với rủi ro suy thoái”, trong khi vẫn duy trì được “bước phục hồi tích cực” ngay từ đầu năm.
Tuy vậy, nỗi lo vẫn còn đó, dù các dự báo của các tổ chức quốc tế, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều cho rằng, lạm phát năm nay sẽ ở mức khoảng 4%, đạt mục tiêu Quốc hội quyết nghị. “Diễn biến lạm phát, lãi suất, tỷ giá và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới là thách thức lớn nhất với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Các vấn đề được Bộ trưởng đưa ra, đó là giá cả hàng hóa thế giới, giá xăng dầu tuy có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng rất khó dự báo, do xung đột Nga - Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, khó đoán định; sự đứt gãy nguồn cung và chi phí đầu vào sản xuất, chi phí vận tải, logistics gia tăng; lạm phát cao và nguy cơ suy thoái ở một số nền kinh tế lớn, là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam ảnh hưởng tới nhu cầu nhập khẩu… vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm trong ngắn hạn…
Thách thức lớn trong ổn định kinh tế vĩ mô
Hơn một tháng trước, khi thảo luận về vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô với Chính phủ, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói rằng, ổn định vĩ mô cần được hiểu rộng ra, không chỉ là lạm phát, mà còn nhiều yếu tố khác, như thực lực ngân sách, sức khỏe của các doanh nghiệp, mức độ rủi ro của hệ thống ngân hàng, nợ xấu…
Nếu nhìn ở góc độ đó, thì rõ ràng, nền kinh tế Việt Nam còn nhiều việc phải làm, dù Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói, phấn đấu năm nay, đạt các mục tiêu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra, với tăng trưởng GDP đạt trên 7,5%, lạm phát 4%.
Tháng trước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ nhắc đến việc phấn đấu đạt mức tăng trưởng 7%. Cách đây ít ngày, khi báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng một lần nữa dự báo tốc độ tăng trưởng 7% và nhấn mạnh, nếu nỗ lực thì sẽ đạt mức cao hơn. Nay thì con số 7,5% đã được đưa ra.
“Áp lực và khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023 ngày càng gia tăng. Tăng trưởng GDP trong quý IV/2022 và năm 2023 khả năng cũng sẽ khó khăn hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Chia sẻ với Chính phủ Việt Nam về mục tiêu duy trì đà tăng trưởng, song vẫn ổn định được kinh tế vĩ mô, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động phức tạp, gia tăng nguy cơ suy thoái trong ngắn hạn, trong khi lạm phát đang đạt đỉnh, các chuyên gia kinh tế lại nhấn mạnh việc áp dụng hài hòa, linh hoạt chính sách tiền tệ và tài khóa.
Việc Ngân hàng Nhà nước mới nới room tín dụng nhận được sự đồng tình rất lớn của dư luận, bởi cộng đồng doanh nghiệp đang thiếu vốn và chờ được bơm vốn. Nhưng rủi ro có thể gia tăng, nếu dòng vốn này không tới đúng nơi cần đến.
“Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam được kiểm soát rất tốt. Ngân hàng Nhà nước đã có những nỗ lực để ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khuyến nghị rằng, chính sách tiền tệ cần phải thận trọng. Việc nâng trần tín dụng có thể sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá”, ông Francois Phainchaud, Trưởng đại diện Văn phòng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam nói.
Trong khi đó, ông Andrea Copppla, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, trong ngắn hạn, phải sử dụng tốt và hiệu quả các gói hỗ trợ phục hồi. Cùng với đó, cần cân đối giữa các chính sách để phục hồi kinh tế và kiểm soát lạm phát. “Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với các rủi ro về tài chính, do vậy phải đảm bảo sự vững chắc, sự tự cường của nền tài chính quốc gia, tập trung xử lý nợ xấu, nợ quá hạn của nền kinh tế”, ông Andrea Copppla nói.
Theo ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân, rủi ro lớn nhất hiện nay và sang năm là nguy cơ về suy thoái kinh tế thế giới kéo theo tăng trưởng chậm. Vì thế, giai đoạn này, cần nới lỏng kiểm soát lạm phát và tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước. “Hỗ trợ để các doanh nghiệp phục hồi, lấy lại đà phát triển, để nếu kinh tế thế giới có đi vào lạm phát, khủng hoảng, thì chúng ta cũng giữ được thị trường trong nước”, ông Cường nói.
Liên quan đến vấn đề này, khi phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một mặt nhấn mạnh những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, song khẳng định: “Chúng ta không bó tay, không ngồi chờ, không khuất phục trước khó khăn” và nhấn mạnh: “Chúng ta phải đi tìm sự ổn định trong sự bất định; đi tìm sự chủ động trong thế bị động…”.
Việc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án, Nghị quyết về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế chính là sự chủ động, không khuất phục như vậy!
Ông Francois Phainchaud, Trưởng đại diện Văn phòng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục xử lý các vấn đề về nợ xấu, các rủi ro tiềm tàng. Cùng với đó, cần tăng cường năng lực hệ thống ngân hàng để phát triển thị trường vốn. Chính sách tài khóa phải hỗ trợ chính sách tiền tệ để thúc đẩy phục hồi kinh tế. Các vấn đề liên quan đến thúc đẩy thực thi Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội cũng được ông nhắc tới.