Thách thức nhập khẩu than cho nhà máy điện

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa hoàn tất Đề án thành lập Ban chỉ đạo nhập khẩu than cho Tổng sơ đồ phát triển điện lực Việt Nam nhằm đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu than cho các nhà máy điện đang xây dựng.

Theo bảng cân đối cung cầu than cho các nhà máy điện đã được TKV xác nhận, đến năm 2012, sẽ thiếu 8,2 triệu tấn than và tới năm 2015 thiếu 12,8 triệu tấn. Như vậy, để đảm bảo cho các nhà máy điện sẽ đi vào vận hành, việc nhập khẩu than từ năm 2012 là thực sự cần thiết. 

Cùng với nhu cầu của nền kinh tế và các dự án điện không do các tập đoàn nhà nước là TKV, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư, thì lượng than nhập khẩu sẽ tăng lên mức 28 triệu tấn vào năm 2015.

Thực tế này khiến Việt Nam từ một nước xuất khẩu ròng than trong nhiều năm qua, sẽ trở thành nước nhập khẩu ròng than trong tương lai không xa. Nguồn than nhập khẩu cho các dự án điện tại Việt Nam được trông chờ từ Indonesia và Australia.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường thế giới trở nên khan hiếm, việc nhập khẩu than từ các nước này đã được các đối tác đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan nắm giữ với khối lượng không nhỏ, thì việc chen chân vào đây là không dễ dàng với Việt Nam, nhất là khi muốn mua với số lượng lớn. Đó là chưa kể việc xác định thời hạn hợp đồng dài hạn, cũng như cơ chế tính giá than theo giá thị trường quốc tế, những điểm mà các doanh nghiệp nhà nước chưa phải làm quen thời gian qua.

Mặc dù vậy, cơ hội không phải là không có. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, nhiều nhà đầu tư nước ngoài hiện rất quan tâm tới việc đầu tư vào mỏ than tại Indonesia như Tập đoàn Tata (Ấn Độ) mua lại 30% cổ phần của 2 mỏ than lớn là KPC và PT Arutmin với tổng sản lượng lên tới 52 triệu tấn/năm; Công ty Banpu (Thái Lan) cũng đầu tư mỏ Indotambang. Ngoài ra, các đối tác nước ngoài cũng đang nỗ lực thâm nhập vào việc đầu tư, kinh doanh xuất nhập khẩu than của Indonesia theo hình thức đầu tư, kinh doanh dài hạn.

Đề án cũng cho rằng, khu vực Nam Sumatra của Indonesia khá lý tưởng về mặt địa lý để tiến hành khảo sát, đầu tư với các doanh nghiệp Việt Nam, bởi từ vùng này đến Việt Nam chỉ tương đương với khoảng cách từ Cẩm Phả (Quảng Ninh) vào TP. HCM.

Còn với Australia, hiện nước này đã cho phép nhiều hình thức đầu tư mỏ than như liên doanh, mua cổ phần, hoặc góp vốn đầu tư qua các công ty được thành lập tại Australia. Như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn hình thức góp vốn đầu tư - hợp doanh, nghĩa là cùng chịu trách nhiệm về chi phí đầu tư theo tỷ lệ và hưởng doanh thu ngay khi bán hàng và có nghĩa vụ đóng thuế. Với các nhà cung cấp lớn như Xstrata, Rio Tinto hay BHP tại Australia, thì có thể ký hợp đồng dài hạn mà không phải quan tâm tới đầu tư.

Một số thị trường khác như Nga, Nam Phi cũng có những cơ hội nhất định, nhưng bởi khoảng cách xa, chi phí vận chuyển lớn, sẽ khiến lợi thế cạnh tranh về giá thấp hơn từ Nga và Nam Phi không còn so với Indonesia và Australia.

Các chuyên gia xây dựng đề án cũng cho rằng, trước sự cạnh tranh mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài khác trong việc tìm kiếm, sở hữu các mỏ than ở các nước có than để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện, về lâu dài, Việt Nam cần phải mua mỏ, hoặc quyền khai thác mỏ hay có cổ phần sở hữu ở các mỏ than nước ngoài. Tuy nhiên, đây lại là hình thức đầu tư mới với ngành than – khoáng sản, mà cơ sở pháp lý và các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Đầu tư ra nước ngoài còn thiếu, nên đòi hỏi phải có phương hướng khắc phục sớm, thì mới kịp có than cho các nhà máy điện.

Việc có được nguồn vốn đầu tư sẵn sàng để mua mỏ cũng không phải đơn giản với các doanh nghiệp Việt Nam. Các chuyên gia cho hay, khi trao đổi với khách hàng về việc đầu tư mỏ công suất 30 triệu tấn/năm trong 30 năm, thì giá đầu tư cho mỏ và đường sắt là 8 tỷ USD. Nếu muốn có được 10% sản lượng, tức là 3 triệu tấn/năm, thì phần đóng góp ít nhất là 800 triệu USD. Như vậy, để có được ổn định 10 triệu tấn than/năm, thì phải đầu tư ít nhất 2 tỷ USD. Tuy nhiên, đầu tư cho mỏ cũng được xem là dạng đầu tư đặc biệt và có độ rủi ro cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn như TKV, EVN hay PVN vẫn là các doanh nghiệp nhà nước, khó lòng dám mạo hiểm hay có được cơ chế để mạnh dạn đầu tư lớn.

Cũng có hàng loạt vấn đề khác về đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ chế sử dụng than nhập khẩu và than trong nước, giá mua than - giá bán điện, hay phối hợp giữa các nhà nhập khẩu than vốn được xem là nan giải hiện nay được đề cập trong đề án này. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp đã ý thức được những khó khăn trong quá trình nhập khẩu than. Vấn đề còn lại, là cần đẩy nhanh cách thức giải bài toán phức hợp này để gỡ nút thắt trong việc nhập khẩu than cho điện khi nhu cầu điện đang gia tăng không ngừng.  

Thanh Hương
Thanh Hương

Tin cùng chuyên mục