5 công ty này gồm cả những công ty quy mô lớn như: Vietinbank Capital giảm 90% lợi nhuận sau thuế, chủ yếu do lãi đầu tư tài chính giảm mạnh; Manulife Việt Nam lỗ gấp 3,5 lần cùng kỳ năm ngoái do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh và doanh thu hoạt động tài chính giảm.
Những công ty nhỏ như QLQ Phương Đông hay QLQ Sao Vàng (tiền thân là QLQ Nhân Việt) có số lỗ lũy kế “ăn mòn” đến phân nửa vốn đầu tư của chủ sở hữu. Riêng QLQ An Bình, khoản lỗ quý III/2013 giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh 5 công ty thua lỗ hoặc suy giảm lợi nhuận trong quý III/2013 nêu trên là gần 40 công ty QLQ khác đang vật lộn với khó khăn của ngành QLQ (các công ty QLQ không đại chúng không phải công bố báo cáo tài chính quý trên website).
Từ thời điểm kết thúc quý II/2013, báo cáo tài chính bán niên của các công ty đã cho thấy một tỷ lệ lỗ tương tự quý III vừa qua: trong 25 công ty công bố báo cáo bán niên chỉ có 5 công ty tăng lợi nhuận, 6 công ty giảm lợi nhuận và số còn lại tiếp tục lỗ, thậm chí là lỗ nặng hơn cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, có hơn 10 công ty QLQ mà thị trường đại chúng từ lâu không còn rõ hoạt động. Ngoài ra, gần 10 công ty có website từ lâu không còn truy cập được hoặc không có website (theo dữ liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) như QLQ Minh Việt, QLQ An Pha, QLQ Quốc tế (tiền thân là QLQ An Phú). Website của QLQ Sài Gòn - Hà Nội thì chỉ cập nhật báo cáo gần nhất là quý III/2012, đến ngày hôm qua (26/11), website của Công ty cũng không truy cập được.
Tình trạng thua lỗ kéo dài của một số công ty QLQ dường như vẫn chưa nhìn thấy được điểm kết thúc. Một số nhà QLQ tại các công ty thuộc nhóm đầu chia sẻ, họ luôn trong tâm trạng sẵn sàng cho những khó khăn tiếp diễn đối với ngành.
Trao đổi với ĐTCK, đại diện Vinawealth, công ty đầu tiên thành lập quỹ mở tại Việt Nam từ đầu năm nay và đang chuẩn bị cho một loạt sản phẩm quỹ mới nói rằng, Công ty tiếp tục nhìn thấy nhiều thách thức của ngành QLQ: việc đào tạo để nhà đầu tư nội địa hiểu những sản phẩm mới của ngành là thách thức then chốt; cạnh tranh tăng cao giữa các công ty QLQ có thể dẫn tới việc hạ giá phí; việc giữ được những người có trình độ và kinh nghiệm ở lại thị trường là điều khó khăn trong bối cảnh suy giảm của ngành hiện nay.
“Tất cả các công ty QLQ tương tự, đặc biệt là những công ty mới thành lập như chúng tôi đều đối mặt với điều kiện thị trường khắc nghiệt và tâm lý đầu tư suy giảm”, đại diện Vinawealth nhận xét.
“Công ty không đứng yên, mà đang tiếp tục giải quyết vấn đề”, đại diện Vinawealth nói và chia sẻ, Công ty đang tìm kiếm các “sản phẩm ngách” để nâng cao kết quả kinh doanh, trong đó có việc thành lập ít nhất hai quỹ mở nữa và mở sang nhóm quỹ ETF, REIT và thị trường quỹ hưu trí bổ sung.
“Những kế hoạch này phụ thuộc nhiều vào tâm lý thị trường, khẩu vị nhà đầu tư, thời gian và chắc chắn là cả vào những thay đổi trong môi trường chính sách”, Vinawealth nói thêm.
Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng có đủ tiềm lực để một mặt tiếp tục chịu lỗ, một mặt thúc đẩy hoạt động kinh doanh để chờ thời như Vinawealth. 6 tháng đầu năm 2013, số lỗ của Vinawealth tăng lên 9,2 tỷ đồng so với 4,4 tỷ đồng cùng kỳ năm 2012.
Lãnh đạo của một công ty QLQ khác cho hay, mặc dù công ty đang cố gắng đưa ra các sản phẩm quỹ mới, nhưng việc làm thế nào để có lãi với những sản phẩm mới đó vẫn là nỗi lo đè nặng lên các lãnh đạo của công ty.
“Kiếm lợi nhuận đối với ngành QLQ vào thời điểm này là khó. Chúng tôi đang trong cảnh nỗ lực chờ thời”, vị lãnh đạo trên nói.