Thách thức lớn với “vua tôm” Minh Phú (MPC)

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không chỉ đối mặt với những rắc rối từ vụ kiện trốn thuế chống bán phá giá, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã MPC) đang đứng trước bài toán lớn là cải thiện biên lợi nhuận trên đà suy giảm.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Tổn thất từ quyết định của CBP

MPC vừa nhận tin không vui. Ngày 13/10/2020, Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) đã ra thông báo kết luận có đủ bằng chứng cho thấy Mseafood Corporation (Mseafood) vi phạm Luật Thương mại của nước này. Mseafood là công ty con do MPC nắm 90% vốn, có trụ sở tại bang California, Mỹ.

Trước đó, ngày 14/1/2020, CBP đã gửi thông báo bắt đầu điều tra trốn thuế chống bán phá giá và áp dụng biện pháp tạm thời cho Mseafood.

Quyết định điều tra đưa ra sau khi CBP nhận được cáo buộc của Ủy ban Thực thi thương mại tôm của Mỹ về việc MPC đã nhập tôm thành phẩm đông lạnh từ Ấn Độ về chế biến “tối thiểu” sau đó xuất sang Mỹ thông qua Mseafood trong giai đoạn từ 18/9/2018 đến 31/1/2020.

CBP kết luận, MPC đã pha trộn tôm xuất xứ Ấn Độ và tôm xuất xứ Việt Nam rồi xuất khẩu sang Mỹ.

Dựa theo các quy định hiện hành, CBP cho biết sẽ đình chỉ hoặc tiếp tục đình chỉ các lô hàng liên quan đến quá trình điều tra, trừ khi được chỉ thị thanh toán. Với những lô phù hợp với các biện pháp tạm thời trước đó, CBP sẽ điều chỉnh thuế suất, tiếp tục đình chỉ cho đến khi có hướng dẫn giải quyết.

Thông báo từ CBP không nêu tên và giá trị hàng hóa cụ thể, nên chưa rõ số thuế chống bán phá giá mà MPC sẽ phải nộp là bao nhiêu.

Nhưng theo báo cáo soát xét bán niên 2020 của MPC, Mseafood đã tạm nộp khoản thuế chống bán phá giá liên quan đến vụ khiếu nại trên là 3.668.308 USD (tương đương 85,5 tỷ đồng) cho CPB.

Tổn thất của MPC khi bị kết luận là trốn thuế chống bán phá giá vào Mỹ có thể không chỉ dừng ở con số thuế đã tạm nộp, mà tới đây, như thông báo của CBP, cơ quan này “sẽ tiếp tục theo dõi và có thể có thêm động thái và hình phạt bổ sung”.

Bắc Mỹ vẫn là thị trường đóng góp doanh thu chủ lực cho MPC, với 2.217 tỷ đồng trên tổng số 5.580 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay. Do vậy, việc bị kết luận trốn thuế chống bán phá giá sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả kinh doanh của Công ty trong tương lai.

“Vua tôm” khó duy trì biên lợi nhuận

Năm 2020, MPC đặt kế hoạch sản lượng xuất khẩu 56.700 tấn, tương đương giá trị xuất khẩu 638 triệu USD (giảm 1% so với năm ngoái); kế hoạch doanh thu là 15.206 tỷ đồng (giảm 11%), lợi nhuận trước thuế là 994 tỷ đồng.

Nửa đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, doanh thu của Công ty chỉ đạt 5.580 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt 231,4 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ nhưng chỉ tương đương 26% kế hoạch cả năm.

MPC được cho là sẽ có nhiều yếu tố hưởng lợi, khi tình hình dịch bệnh tại các thị trường xuất khẩu dần được kiểm soát tốt hơn, nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng trở lại cùng với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 tạo cơ hội cho Công ty mở rộng thị phần tại thị trường EU, trong khi các đối thủ cạnh tranh từ Ấn Độ và Ecuador… vẫn đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Công ty Chứng khoán MB dự phóng khá tích cực về kết quả kinh doanh của MPC trong 6 tháng cuối năm, với doanh thu đạt 10.864 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 833 tỷ đồng nhờ vào giá tôm nguyên liệu đầu vào giảm, nhu cầu tăng trưởng trở lại đến từ thị trường Mỹ và Canada với sự phục hồi từ kênh bán lẻ, đồng thời nhờ vào việc gia tăng thị phần ở thị trường EU.

Nhưng đó là trong ngắn hạn. Về dài hạn, MPC có nhiều vấn đề phải giải quyết.

Với doanh thu nhiều năm liền ở mức trên 10.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4% thị phần xuất khẩu tôm toàn cầu, MPC được mệnh danh là “Vua tôm”. Nhưng đó là xét về doanh số. Còn về ưu thế cạnh tranh, MPC chưa hẳn đã ở vị thế “vua”.

Ngành tôm Việt Nam nói chung, MPC nói riêng luôn chịu sự cạnh tranh gay gắt về từ các thị trường xuất khẩu như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia và Ecuador, do giá thành sản xuất cao hơn từ 10 - 30%.

Ngành tôm Việt Nam đang tồn tại vấn đề lớn là chi phí nguồn nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu do việc thiếu nguyên liệu sản xuất.

Cụ thể, Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu khoảng 80% tôm giống bố mẹ đầu vào, song song với việc phụ thuộc vào nhập khẩu và các doanh nghiệp nước ngoài về nguồn thức ăn thủy sản.

Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam nói chung mới chỉ tự chủ được 10 - 25% vùng nuôi tôm nguyên liệu, dẫn đến việc những biến động trong nguồn nguyên liệu sẽ ảnh hưởng lớn tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Đó cũng chính là lý do khiến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản trồi sụt, mà MPC không là ngoại lệ.

Biên lợi nhuận của MPC liên tục giảm trong ba năm gần đây, từ mức 13% trong năm 2018 xuống còn 9,9% năm 2019 và 6 tháng đầu năm nay đạt 10%. Đây chính là giai đoạn Công ty ngừng nhập khẩu tôm từ Ấn Độ do vướng phải cáo buộc tránh thuế từ Mỹ.

Từ hai năm trở lại đây, MPC tập trung xây dựng chuỗi nuôi tôm khép kín ứng dụng công nghệ cao ở hai vùng nuôi chính là Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang.

Tuy nhiên, để giải được bài toán cải thiện biên lợi nhuận thì ngoài việc chủ động nguyên liệu đầu vào, theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, MPC cần phải đi vào chế biến tinh.

Trong ngành tôm, các công ty có biên lợi nhuận cao đều nhờ đẩy mạnh những dòng sản phẩm cao cấp.

Trên thị trường, có những doanh nghiệp chuyên thu mua đầu tôm, chiết xuất các sản phẩm từ đầu tôm cho giá trị rất cao. Trong khi đó, MPC chủ yếu mới dừng ở bóc tách tôm lấy thịt để bán.

Thậm chí, ông Minh còn cho rằng, biên lợi nhuận của MPC có thể sẽ giảm khi doanh nghiệp đẩy mạnh vào thị trường EU. Bởi lẽ, các doanh nghiệp sẽ phải tốn nhiều chi phí đầu tư để giúp sản phẩm đạt tiêu chuẩn EU, vượt qua hàng rào kỹ thuật khắt khe của thị trường này. Chi phí đội lên nhưng giá bán không tăng nhiều sẽ làm giảm biên lợi nhuận gộp.

Liên hệ với lãnh đạo Tập đoàn Thủy sản Minh Phú để hỏi thông tin liên quan đến vụ kiện và việc có phải Công ty chỉ mới khai thác sản phẩm truyền thống, tập trung sản phẩm xuất thô mà ít sản phẩm chế biến thành phẩm hay không, nhưng phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán chưa nhận được câu trả lời.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục