Thách thức lớn nhất vẫn là nợ xấu

(ĐTCK) Trong dự báo về nền kinh tế Việt Nam, ANZ tỏ ra khá thận trọng so với các tổ chức trong nước cũng như con số ước đoán của Chính phủ khi báo cáo Quốc hội tại kỳ họp đang diễn ra.
Thách thức lớn nhất vẫn là nợ xấu

Tại Hội thảo Cập nhật tình hình kinh tế toàn cầu và kinh tế vĩ mô Việt Nam do Ngân hàng ANZ tổ chức hôm qua tại Hà Nội, ông Glenn Maguire, Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ANZ cho rằng, châu Á hiện nay an toàn hơn trước nguy cơ thoái vốn đầu tư và cơ cấu các nền kinh tế ít lệ thuộc hơn vào nguồn vốn nước ngoài. Do vậy, dự đoán về một khủng hoảng tài chính nữa tại khu vực này là cường điệu.

Tuy nhiên, ANZ dự báo nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn với GDP năm nay sẽ chỉ đạt 5,1%. Hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước vẫn yếu, doanh số bán lẻ chưa lấy được đà tăng. Cán cân thương mại thâm hụt nhẹ. Tín dụng trong nước tiếp tục yếu kém. Con số này dự báo GDP thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng GDP 5,4% mà Chính phủ vừa dự đoán. Đồng thời, nó cũng thấp hơn so với mức tăng trưởng GDP 3 quý đạt 5,14% vừa chính thức được công bố.

Thách thức lớn nhất vẫn là nợ xấu ảnh 1

Thế phòng thủ tiêu cực của hệ thống ngân hàng đang gây khó khăn thêm cho việc phá băng tín dụng

Vẫn theo ANZ, trong thời gian từ ngày 1 - 25/9/2013, tổng số vốn đầu tư gián tiếp rút ra khỏi Việt Nam là 17,4 triệu USD, nâng tổng số lũy kế dòng vốn đầu tư rút ra khỏi Việt Nam lên 181,9 triệu USD trong 18 tuần qua. Trong đó, vốn đầu tư cổ phiếu rút ra là 12,3 triệu USD, riêng tháng 9 là 5,1 triệu USD.

“Chúng tôi dự báo, vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục rút ra trong những tháng tháng tới”, ông Glenn Maguire nói.

Trả lời ĐTCK về các thách thức hiện nay của kinh tế Việt Nam , ông Glenn Maguire cho rằng: Thứ nhất, hiện nay, thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam tốt hơn trước, nhưng chưa được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Do vậy, thách thức đầu tiên là làm thế nào cho vay đúng đối tượng, tạo động lực cho nền kinh tế. Thứ hai, con số nợ xấu của Việt Nam được công bố khá thấp; trong khi đó, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, số liệu này cao hơn rất nhiều. Thứ ba là vấn đề tăng năng lực cạnh tranh và đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu.

Đồng quan điểm trên, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng, nợ xấu còn lớn thì ngân hàng còn nhìn DN đầy nghi ngờ. Mặc dù ngân hàng thấy DN đó tồn tại và phát triển bởi vẫn đang xuất khẩu hàng hóa, nhưng không dám cho vay vì lo ngại rủi ro khi thủ tục pháp lý không đầy đủ. Thế phòng thủ tiêu cực của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện tại gây khó khăn thêm cho việc phá băng tín dụng, trong khi đây vốn đã là một việc không đơn giản. Ví dụ, Mỹ đã phải nỗ lực trong thời gian từ năm 2008 đến 2011 mới phá được băng tín dụng.

“Tóm lại, thách thức bậc nhất của nền kinh tế Việt Nam là nợ xấu và an toàn tài chính; tiếp đó là cải cách DNNN và cuối cùng là đổi mới nông nghiệp và nông thôn”, ông Nghĩa nhấn mạnh và phân tích thêm, mô hình kinh tế hộ gia đình đã một thời có kết quả rất tốt, nhưng bây giờ đang có tác động ngược. Chuyện nông nghiệp, nông thôn đi xuống trong một giai đoạn là bình thường, vấn đề là đà suy giảm kéo dài và rất đều đặn. Trong khi đó, đối với Việt Nam , tài nguyên quan trọng bậc nhất vẫn là nông nghiệp.

“Nếu nông nghiệp, nông thôn đi xuống sẽ rất ảnh hưởng đến uy tín bên ngoài và đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội trong nước. Vấn đề này không được giải quyết nhanh sẽ trở thành câu chuyện nóng của xã hội Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều mừng là Chính phủ đang cho xây dựng đề án tái cấu trúc toàn bộ hệ thống nông nghiệp, nông thôn”, TS. Nghĩa nói.

Ông Glenn Maguire khuyến nghị, người tiêu dùng Mỹ bắt đầu tiêu dùng trở lại sẽ có lợi cho Việt Nam , vì Mỹ là đối tác thương mại rất lớn. Nhưng với nhu cầu từ thị trường nước ngoài không đồng đều, như trong khi Mỹ, Nhật Bản tăng thì ở một số quốc gia khác vẫn giảm, Chính phủ cần điều chỉnh lại cơ cấu các sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời, có thể tiếp tục giảm thêm lãi suất để khuyến khích các DN đi vay. Bên cạnh đó, Việt Nam nên phá giá đồng nội tệ một chút để không bị mất sự cạnh tranh về thương mại so với các quốc gia khác trong khu vực như Philippines và Thái Lan.

Nhuệ Mẫn
Nhuệ Mẫn

Tin cùng chuyên mục