Thị trường ngân hàng sẽ bắt đầu năm 2009 khi mà lãi suất chỉ còn xoay quanh mức 10%/năm, một mức thậm chí thấp hơn đầu năm 2008. Dù đã thấp như vậy, nhưng xu hướng biến động lãi suất chủ yếu trong năm 2009 được dự báo là tiếp tục giảm dần. Và khi biến động lãi suất chỉ trong một biên độ nhỏ, vài %, lại theo hướng đi xuống, các ngân hàng sẽ rất khó có thể thu được nhiều lợi nhuận từ hoạt động cho vay. Một lãnh đạo ngân hàng thương mại nhà nước tâm sự rằng, trong một năm lãi suất biến động nhiều như năm 2008, dù có gây ra một vài thời điểm khó khăn, nhưng lại là cơ hội kiếm lời rất tốt từ chênh lệch lãi suất.
Trong khi đó, giới doanh nghiệp trong nước nhiều khả năng sẽ còn gặp khó khăn hơn năm 2008 và điều này tác động giảm nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Những bài học từ tác động trễ của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 rất đáng chú ý. Thậm chí, 1 - 2 năm sau cuộc khủng hoảng, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp vẫn rất thấp, dù các ngân hàng đã hạ lãi suất.
Đó là chưa nói tới khả năng nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Con số đó được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng dự đoán là lên tới 30%. Một con số đáng giật mình, bởi chưa ai có thể dự đoán được lượng vốn mà các doanh nghiệp có thể phá sản vay của ngân hàng. Đây là một nỗi lo, bởi những khoản nợ phải cơ cấu lại khi doanh nghiệp không thể trả nợ đúng hạn sẽ khiến nhà băng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, qua đó làm giảm lợi nhuận của họ.
Năm 2008 cũng là một năm khó khăn hơn cho các ngân hàng thương mại so với những năm trước, tuy trong cái rủi có cái may. Nhiều ngân hàng năm qua kiếm "bộn tiền" từ kinh doanh trái phiếu và trái phiếu trở thành cái phao sinh lợi của nhiều ngân hàng. Lãi suất trái phiếu liên tục biến động với cường độ mạnh và xu hướng bán ra mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài đã tạo cơ hội cho nhiều ngân hàng thương mại trong nước mua vào hưởng chênh lệch lãi suất. Nhưng trong năm 2009, gần như sẽ không còn cơ hội tương tự. Lượng trái phiếu nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ chỉ còn khoảng 700 - 800 triệu USD so với vài tỷ USD hồi đầu năm 2008. Trong khi đó, lãi suất trong năm 2009 khó có thể biến động thì lãi suất trái phiếu cũng sẽ ổn định.
Trong khi đó, viễn cảnh kinh tế thế giới cũng khá bi quan. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã đưa ra dự báo ban đầu về mức tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2009 sẽ chỉ là 2,2%, thấp hơn khá nhiều so với mức 3,7% của năm 2008, chứ chưa nói tới mức trên 5% của năm 2007. Một viễn cảnh không lấy gì làm tươi sáng là những nền kinh tế đầu tàu như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đều có khả năng tăng trưởng "âm". Nỗi lo lắng chính là ở chỗ, 3 nền kinh tế này là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp trong nước sẽ gặp phải khó khăn trong việc tìm thị trường cho hàng xuất khẩu.
…và chút hy vọng
Khi được hỏi về điều đáng chờ đợi nhất trong năm 2009, nhiều đại diện ngân hàng đã không ngần ngại trả lời rằng, đó chính là gói kích cầu của Chính phủ. Dự kiến, gói kích cầu với giá trị lên tới 1 tỷ USD, tương đương 17.000 tỷ đồng của Chính phủ sẽ được đưa ra thị trường thông qua hệ thống ngân hàng. Điều đáng kỳ vọng ở đây là khoản tiền này sẽ được Chính phủ cấp cho các ngân hàng, mà không kèm theo khoản lãi suất nào. Như vậy, theo tính toán của một chuyên gia ngân hàng, tổng các khoản tín dụng lên tới 420.000 tỷ đồng sẽ được hỗ trợ mỗi khoản với mức lãi suất thấp hơn 4%/năm. Nghĩa là nếu thông thường, ngân hàng cho vay ở mức 10%/năm thì nay có thể cho vay ở mức 6%/năm. Một mức lãi suất khá hấp dẫn với doanh nghiệp. Điều quan trọng hơn là 420.000 tỷ đồng tín dụng, tương đương 30% nhu cầu vay vốn của nền kinh tế. Như vậy, nhiều doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ rất mạnh về lãi suất. Các ngân hàng cũng dễ thở hơn trong giải ngân và kỳ vọng kiếm lời từ tín dụng là hoàn toàn có cơ sở.
Chỉ có điều, doanh nghiệp đang chờ đợi những kế hoạch cụ thể hơn, đó là doanh nghiệp ngành nào sẽ được hưởng ưu đãi vay vốn ở mức lãi suất này. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần làm rõ cơ chế quản lý nguồn vốn này cũng như trách nhiệm của ngân hàng phụ trách giải ngân trong trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ vay.
Ngoài ra, theo nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này đang nghiên cứu triển khai một cơ chế quản lý lãi suất mới, trong đó tồn tại song song cơ chế lãi suất thoả thuận và cơ chế lãi suất trần. Có thể một vài nghiệp vụ cụ thể sẽ được áp dụng cơ chế lãi suất thoả thuận. Đây sẽ thực sự là một tin vui với các ngân hàng và tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế, khi một cơ chế quản lý lãi suất linh hoạt hơn là tiền đề để khai thông dòng vốn ngân hàng.