Ông Hùng sẽ thay thế vị trí của ông Mai Chiến Thắng, người được bổ nhiệm Tổng giám đốc kiêm thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) SRC từ tháng 7/2012 đến nay.
Ông Nguyễn Việt Hùng sinh năm 1967, tham gia SRC từ năm 1997, sau đó đảm nhận nhiều vị trí chủ chốt ở các xí nghiệp.
Đến năm 2012, ông Hùng được bổ nhiệm Phó tổng giám đốc SRC và duy trì vị trí này cho đến khi được bổ nhiệm lên vị trí cao nhất trong Ban giám đốc từ ngày 1/3/2019. Ngoài ra, từ tháng 5/2017, ông Hùng được bầu làm thành viên HĐQT Công ty.
Tuy là lãnh đạo cấp cao trong nhiều năm, song ông Hùng chỉ sở hữu 12 cổ phiếu SRC. Trong danh sách người liên quan, vợ ông Hùng - bà Nghiêm Thị Thanh Hương là người duy nhất nắm giữ cổ phiếu SRC, với số lượng 3.788 đơn vị.
Bên cạnh đó, ông Hùng là một trong những đại diện sở hữu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tại SRC, với số lượng hơn 4,2 triệu cổ phần. Ông Lâm Thái Dương, Chủ tịch HĐQT SRC và ông Nguyễn Thanh Tùng - thành viên HĐQT SRC cũng là đại diện sở hữu cổ phần của Vinachem tại doanh nghiệp, lần lượt là 7,29 triệu đơn vị và 2,8 triệu đơn vị.
Ông Hùng còn đại diện của phần vốn góp của SRC tại Công ty TNHH Sao Vàng Hoành Sơn. Năm 2017, SRC đã thông qua việc thực hiện góp vốn liên doanh, liên kết thành lập Công ty TNHH Sao Vàng Hoành Sơn nhằm triển khai thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư dự án Tổ hợp thương mại và nhà ở Sao Vàng - Hoành Sơn.
Trong công ty này, SRC góp 26% vốn, Tập đoàn Hoành Sơn góp 44,59% và Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Hưng Thịnh Phát góp 29,41%.
Số tiền góp vốn được Tập đoàn Hoành Sơn cho SRC vay với lãi suất 0%/năm, trong thời hạn 36 tháng. Hết thời hạn vay vốn, SRC sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho Tập đoàn Hoành Sơn.
Ông Hùng đảm nhận vị trí Tổng giám đốc trong bối cảnh SRC còn nhiều vấn đề cần giải quyết, nhất là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đang đi xuống. Năm 2018, SRC ghi nhận lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2012, thậm chí quý IV/2018 lỗ hơn 5,8 tỷ đồng.
Trong năm 2018, doanh thu thuần của doanh nghiệp giảm hơn 7% so với năm 2017; chi phí nguyên vật liệu tăng, dẫn đến biên lợi nhuận gộp giảm.
Lãi vay cao khiến chi phí tài chính tăng lên 14,2 tỷ đồng, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 22% và 7%.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế còn 12,2 tỷ đồng, giảm 64,36%. Kết quả này không đạt mục tiêu mà Đại hội đồng cổ đông đề ra là 29,6 tỷ đồng.
SRC đang đứng trước bối cảnh sức cầu của thị trường yếu, xu hướng tiêu dùng chuyển sang sử dụng lốp Radial và sản phẩm của Công ty chịu sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp cùng ngành cũng như hàng nhập khẩu.
Ngoài ra, SRC vẫn đang trong quá trình di dời nhà máy về Khu công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, dưới sự hỗ trợ kinh phí của Tập đoàn Hoành Sơn.
Cùng với đó, SRC gặp khó khăn trong việc thoái vốn Công ty cổ phần Philips Carbon Black Việt Nam. Đây là công ty do SRC góp vốn để đầu tư vào dự án sản xuất than đen tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông năm 2016, SRC sẽ thoái toàn bộ vốn khỏi Philips Carbon Black Việt Nam. Với giá gốc đầu tư hơn 8,4 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2018, SRC phải trích lập dự phòng gần 3 tỷ đồng cho khoản mục đầu tư tài chính này.
SRC chưa công bố thời gian họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, nên kế hoạch kinh doanh năm nay chưa được tiết lộ.
Riêng quý I/2019, HĐQT giao kế hoạch sản xuất - kinh doanh với chỉ tiêu 222,3 tỷ đồng doanh thu và 3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; so với mức thực hiện quý I/2018, doanh thu tăng 2,17%, nhưng lợi nhuận giảm 51,5%.
Mặc dù vậy, trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu SRC từ đầu năm đến nay có mức tăng gần 40%, gấp hơn 4 lần mức tăng của VN-Index, hiện dao động quanh 18.000 đồng/cổ phiếu (năm 2018, mức giá cao nhất là 14.000 đồng/cổ phiếu, thấp nhất là 10.000 đồng/cổ phiếu).