TGG: Kỳ vọng không đến từ ngành kinh doanh lõi

(ĐTCK) Niêm yết từ ngày 25/5/2018, sau 3 phiên tăng trần kể từ khi lên sàn, cổ phiếu TGG của CTCP Xây dựng và đầu tư Trường Giang (TGG) đã không giữ được phong độ khi có 4 phiên giảm điểm liên tục ngay sau đó. Bên cạnh tác động chung của thị trường, cũng có những lo ngại từ nhà đầu tư khi doanh nghiệp đặt kỳ vọng vào những nghề không thuộc thế mạnh kinh doanh cốt lõi.
TGG: Kỳ vọng không đến từ ngành kinh doanh lõi

Khó kỳ vọng vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi

Theo bản cáo bạch niêm yết, TGG có ngành nghề truyền thống là đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản. Bên cạnh đó, TGG cũng tham gia vào lĩnh vực đầu tư nông nghiệp, cùng với hoạt động thương mại như sắt thép và một số mặt hàng nguyên liệu.

Mặc dù hoạt động chính trong lĩnh vực xây lắp, nhưng doanh thu của TGG chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh thương mại. Cụ thể, trong cơ cấu doanh thu của TGG 2 năm trở lại đây, doanh thu hoạt động xây lắp giảm dần từ 26% năm 2016 xuống còn 20% tổng doanh thu năm 2017.

Đến quý I/2018, TGG không ghi nhận doanh thu từ hoạt động xây lắp. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh thương mại đóng góp hơn 79% vào tổng doanh thu năm 2017 (74% tổng doanh thu năm 2016). Và đây cũng là hoạt động đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng lợi nhuận của TGG trong năm 2017.

Thành lập năm 2012 với vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng, đến nay, số công trình đã hoàn thành của TGG chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dự án lớn nhất TGG trúng thầu cho tới nay là đường Chi Lăng kéo dài (giai đoạn 1) do Ban quản lý các dự án công trình giao thông tỉnh Hòa Bình (trực thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hòa Bình) làm chủ đầu tư, với tổng chiều dài 1,2 km, thuộc địa bàn xã Sủ Ngòi, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Dự án có tổng mức đầu tư trên 108,2 tỷ đồng, hoàn thành vào ngày 1/9/2015. Theo đó, giai đoạn 1 của dự án mà TGG tham gia có giá trị hợp đồng khoảng 40 tỷ đồng. Hầu hết các dự án, công trình còn lại của TGG thực hiện chỉ có giá trị hợp đồng trên dưới 10 tỷ đồng.

Thị trường xây lắp được đánh giá tiềm năng với tốc độ tăng trưởng hàng năm vào khoảng 10%, nhưng với những gì TGG thể hiện, nhà đầu tư khó có thể kỳ vọng vào triển vọng từ mảng xây dựng – mảng kinh doanh cốt lõi của Công ty.

Thay vào đó, tiềm năng của TGG đang được “đánh cược” vào hai dự án, một là chăn nuôi lợn, hai là bất động sản nghỉ dưỡng.

Cụ thể, TGG cho biết, trong năm 2017, Công ty đã triển khai đầu tư dự án “Trang trại chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp” tại xóm Phương Viên, xã Tân Thành, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Tổng mức đầu tư dự án là 217 tỷ đồng.

Quy mô trang trại là 5.000 lợn nái sinh sản, 1.500 con lợn thịt xuất bán hàng năm. Theo thông tin từ TGG, tính đến thời điểm hiện tại, Công ty vẫn đang hoàn thành các thủ tục liên quan và đã xin chủ trương gia hạn thời gian thực hiện dự án phù hợp điều chỉnh quy hoạch, chờ UBND tỉnh Hòa Bình xem xét và giải quyết.

Với mảng bất động sản nghỉ dưỡng, được biết, TGG đang trong quá trình triển khai dự án “Khu du lịch Nghỉ dưỡng Ao Giời – Suối Tiên” với tổng vốn đầu tư là 293 tỷ đồng. Dự án thực hiện từ năm 2017 đến năm 2025 với mục tiêu phát triển khu du lịch sinh thái, tâm linh, kết hợp nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, TGG cũng nhấn mạnh, dù là dự án thuộc khu vực quy hoạch phát triển du lịch trọng điểm của tỉnh Phú Thọ, nhưng về tổng thể thì khu vực này chưa có sức thu hút lớn đối với du khách trong và ngoài nước. Để đảm bảo thu hút khách du lịch đem lại nguồn thu cho dự án, TGG sẽ kết hợp với Công ty Truyền thông Việt quảng bá dự án.

Lợi nhuận khiêm tốn so với kế hoạch

Năm 2018, TGG đặt kế hoạch doanh thu đạt 120 tỷ đồng, tăng 18,8%, lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng, tăng 43% so với thực hiện năm 2017.

Theo đó, cơ sở cho kế hoạch này lại chủ yếu đến từ hợp động kinh doanh thương mại sắt thép, bao bì và một số hạng mục công trình.

Kết thúc quý I, TGG mới đạt 27 tỷ đồng doanh thu, đạt 22,5% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 1,2 tỷ đồng, chỉ đạt 6% kế hoạch năm.

Đáng chú ý, TGG có kế hoạch tăng vốn từ 260 tỷ đồng lên 273 tỷ đồng ngay trong năm nay. Trước khi niêm yết, năm 2016, TGG thực hiện tăng vốn mạnh từ 100 tỷ đồng lên 260 tỷ đồng thông qua phát hành 16 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu với hai cổ đông tham gia đợt phát hành này.

Tại thời điểm niêm yết, TGG có 320 cổ đông, trong đó có 3 cổ đông tổ chức và 317 cổ đông cá nhân. Cơ cấu cổ đông lớn của TGG gồm 2 tổ chức, bao gồm CTCP Đầu tư NHP sở hữu 4,3 triệu cổ phiếu, tương đương 16,54% vốn điều lệ, CTCP Sản xuất xuất nhập khẩu NHP sở hữu 5 triệu cổ phiếu, tương đương 19,23% vốn. Hai cổ đông lớn cá nhân cũng là các lãnh đạo của NHP sở hữu tổng cộng gần 17% cổ phần.

Với mức giá kết thúc phiên 1/6 là 14.000 đồng/cổ phần, trên vốn điều lệ dự kiến tăng, TGG đang giao dịch với mức P/E dự phóng 2018 khoảng 19 lần. Tuy nhiên, để đạt được mức này, TGG sẽ buộc phải tăng tốc trong những tháng còn lại của năm 2018, bởi Công ty chỉ mới hoàn thành 6% kế hoạch lợi nhuận sau 3 tháng đầu năm.

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục