Tết ở nơi trăm thác nghìn ghềnh

(ĐTCK) Sớm hơn so với Tết Nguyên đán, tháng Chạp là tháng nghỉ ngơi ăn Tết của đồng bào Mông, là thời gian cuối Đông, chờ đến mùa gieo hạt tháng Giêng năm sau.
Tết ở nơi trăm thác nghìn ghềnh

Người Mông ở Lào cũng ăn Tết vào dịp này và họ thường gọi là Tết Lào Sùng (Tết Lào của người Mông). Các cụm bản dân cư 2 bên biên giới vốn hoang vắng quanh năm, chỉ những ngày Tết mới đông vui. Họ được phép qua lại thăm thân, chơi Tết, mà một trong những con đường du Xuân độc đáo nhất là chạy thuyền máy dọc con sông biên giới trăm thác nghìn ghềnh Nậm Nơn, miền Tây tỉnh Nghệ An.

Dãy Trường Sơn hiểm trở nhất có lẽ ở đoạn biên giới Việt - Lào thuộc huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Vì thế mà sông Nậm Nơn bắt nguồn từ Lào, tuôn xuống từ địa hình hiểm trở trăm thác nghìn ghềnh cũng có dòng nước trắng bạc quanh năm suốt tháng, khiến tất cả những người lái thuyền kỳ cựu nhất cũng phải chùn tay. Quãng này có Đồn biên phòng Keng Đu quản lý 21,5 km đường biên trên sông suối. Sông Nậm Nơn có hàng ngàn con thác nổi tiếng là thác dữ, ngày đêm dội qua các ghềnh đá lởm chởm của lòng sông.

Tết ở nơi trăm thác nghìn ghềnh ảnh 1

Bản nhỏ của người Khơ mú trong khu vực biên giới Việt - Lào 

Đường biên giới chia trên sông theo dòng chảy. Hai bên sông, cánh rừng đầu nguồn lúc nào cũng mờ ảo sương giăng chìm trong khí núi màu lam thẫm.

Chúng tôi mặc áo phao, khởi động chiếc thuyền sắt gắn máy và bắt đầu thủy trình vượt thác. Các cô giáo tiểu học và trung học đi cùng đoàn sang giao lưu với thầy cô giáo ở bản Lào, cũng mang theo quà tặng của họ dành cho các đồng nghiệp của quốc gia láng giềng nhân dịp năm mới. Các thành viên trong đoàn chúng tôi có thể nói nhiều thứ tiếng khác nhau. Tiếng Khơ Mú và Thái (hai dân tộc chiếm dân số đông ở xã Keng Đu), tiếng Lào, tiếng Mông theo giọng Lào và cả tiếng Việt phổ thông, cứ tiện tình huống nào, thì sử dụng ngôn ngữ phù hợp, miễn sao người đối diện có thể hiểu được.

Thường thì người ta chỉ biết tới một xã biên giới Kỳ Sơn có tên là Keng Đu, chứ không biết gốc gác của từ này vốn xuất phát từ tên một con thác dữ nằm trên sông Nậm Nơn, đoạn ngay sát biên giới với nước bạn. Tên con thác này được lấy để đặt tên một bản của người Thái, sát ngay bên sông và cũng lấy luôn để đặt tên cho xã biên giới Keng Đu gồm có 10 bản, trong đó 9 bản của người Khơ Mú và 1 bản người Thái chính là bản Keng Đu. Từ "Keng" theo tiếng dân tộc Thái có nghĩa là thác và "Đu" chính là tên loại gỗ quý ở khu vực đầu nguồn sông Nậm Nơn, là gỗ đinh hương.

Nhưng có một điều trớ trêu là xã Keng Đu tuy nằm bên sông Nậm Nơn, nhưng lại nằm ở trên chóp núi cao, không những chẳng được dòng Nậm Nơn tưới mát, mà còn quanh năm khô khát với gió Lào quần đảo. Chỉ bản Thái có tên Keng Đu của xã là trù phú, được hưởng nguồn lợi từ sông do đặc điểm cư trú của người Thái là "ăn theo nước".

Tết ở nơi trăm thác nghìn ghềnh ảnh 2

Mùa Xuân xanh tươi ở Kỳ Sơn, Nghệ A 

Toàn bộ các hộ gia đình trong bản đều làm nhà sàn bằng gỗ đinh hương - thứ gỗ cực hiếm và đắt đỏ với miền xuôi. Sau nhiều năm ào ạt khai thác rồi chuyển xuống núi, gỗ đinh hương càng ngày càng hiếm, dù nơi này thường được coi là cái rốn sinh trưởng và phát tích gỗ đinh hương.

Khi chúng tôi vượt thác dọc sông Nậm Nơn, hầu như không còn nhìn thấy bóng dáng của cây đinh hương nào nữa. Có chăng chỉ còn lại cái tên bất hủ của con thác hiểm trở trước mặt, gợi nhớ về một thời rừng nơi đây là vàng mà thôi.

Đến thác Keng Đu, phòng bất trắc, nên thuyền ghé để chúng tôi đi bộ qua bãi đá nông ở lòng sông. Trên thuyền chỉ còn lại lái thuyền, người chèo lái ở mũi và người cầm sào chống phòng khi chiếc thuyền mất lái văng vào vỉa đá ven bờ. Và chiếc thuyền rú máy đè lên dòng thác trắng. Vừa chớm tới đỉnh thác lại bất ngờ mất đà tuột xuống dưới, bị dòng nước trùm lên, chao đảo. Chúng tôi nín thở theo dõi chiếc thuyền cứ vật lộn với dòng thác tung bọt trắng xóa, rốt cục cũng lên được tới bờ trên. Có bao nhiêu lần tuần tra trên sông, bộ đội biên phòng phải bấy nhiêu lần đi cách đó. Mùa lũ, dòng sông cuồn cuộn ục xuống, xói lở hai bờ, sẵn sàng cuốn phăng những con thuyền mỏng manh.

Keng Đu đã từng có nhiều người bị dòng sông cuốn đi, đập mình vào vỉa đá lởm chởm rồi trôi mất xác. Lực lượng biên phòng ngoài việc quản lý đường biên, còn luôn phải nhắc nhở, để ý những chiếc thuyền đi rừng, đi rẫy của bà con, nhắc nhở phòng khi bà con bất cẩn bị dòng thác cuốn.

Mà trên dòng Nậm Nơn không chỉ có thác Keng Đu, còn dòng thác Keng Sọng, Keng Moong… cũng dữ dằn chẳng kém. Người Khơ Mú ở đây có câu hát: “Ai ơi, ngược dòng Nậm Nơn trăm thác nghìn ghềnh, có đi một chuyến mới biết đời sống tày mấy gang”.

Mà rất lạ, lúc chiếc thuyền máy lướt êm hơn cũng là lúc vượt qua cặp mốc đôi ven bờ sông sang đến phần nước, phần sông của nước bạn Lào. Đoạn sông chảy qua bản Phiêng Hồng (nằm trong cụm bản Bò Nhia của huyện Noọng Hét, Lào) lại êm đềm kỳ lạ. Bến sông lên bờ đẹp như cổ tích, với bóng cây ven bờ, cùng những chiếc rễ lớn trồi lên bị bước chân người làm cho mòn vẹt trơ sắt lõi. Cao hơn với bờ sông là bản Phiêng Hồng san sát các ngôi nhà sàn sạch sẽ. Nhà nào cũng có khung dệt thổ cẩm ở dưới sàn nhà có buộc vải đỏ. Người Lào cho rằng, đã nghỉ Tết là khung dệt của phụ nữ cũng được nghỉ. Nếu mà ai vẫn dệt trong ngày Tết hoặc chỉ sờ tay vào thôi thì cũng sẽ không có may mắn.

Đêm đó, chúng tôi mở tiệc cùng với các bạn Lào. Trên mâm không dùng đũa và bát riêng. Chúng tôi cũng ăn giống họ, bốc thức ăn bằng tay theo tập quán của người Mông, Lào, uống rượu trong một chiếc ly quay vòng và nói với nhau những câu chuyện để hiểu hơn phong tục tập quán của nhau. Những tiếng cười vang, những ánh mắt nhìn nhau đầy hàm ý sau nhiều ngày mới gặp lại. Phụ nữ và nữ thanh niên của bản Phiêng Hồng rất đẹp người, đẹp nết và họ rất cởi mở với khách lạ. Khuya, chúng tôi ngủ lại trên chiếc phản lớn dành cho khách ở nhà Trưởng bản Phiêng Hồng. Đêm sâu giấc ở đất Lào, hình như tôi vẫn nghe tiếng thác Keng Đu vọng về gầm gào như tiếng con trăn gió vừa quăng, mặc dù con thác đã ở xa khuất vài cánh rừng.

Cùng một dòng sông, có đoạn hiểm trở để đo lòng người, đoạn thì dòng sông đãi đằng sự yên bình, thụ hưởng như đoạn chảy qua Xốp Lán, Phiêng Hồng. Mỗi đoạn sông đều cho con người sinh sống trên nó sự kiên gan, bền bỉ và nhẫn nại. Nếu đã được ở đây một lần, sáng sớm được trở dậy bên sông, nhìn ngắm người dân hai bản Phiêng Hồng và Xốp Lán dùng thuyền gỗ sang sông, tiếng mái chèo khua nhẹ trên mặt nước vọng vào hai vách núi đá mới thấy hết sự thanh bình của cuộc sống. Đường đi có hiểm trở và khó khăn thì mới đong đo được giá trị của sự an toàn, ổn định. Nhìn thấy bà con dân bản hai bên du Xuân trong đầm ấm như thể, đó là một hình ảnh trong chuyện cổ tích.

Chung một dòng sông, chỉ khúc trên khúc dưới, những bản biên giới như Keng Đu, Phiêng Hồng hình như cũng ứng với những khúc sông đó để mang chứa những nét mạnh mẽ mà dịu dàng khác nhau. Chỉ có một điều đáng nói rằng, mỗi lần có đoàn khách từ khúc sông trên đến thăm khúc sông dưới hoặc ngược lại, ngày đó đã là ngày vui hơn Tết rồi.

Ăn Tết ở nơi trăm thác nghìn ghềnh cũng khác lạ, du Xuân mà phải xắn quần lội sông, đi bộ rã chân ở các bãi đá hộc ven sông mà nụ cười vẫn vang vọng vào lòng sông, vách núi, ấm áp như gia đình, thân tộc.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trương Thúy Hằng
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục