Ông Lê Đình Quảng, Phó Ban quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho biết, có ba lý do để Tổng Liên đoàn đề xuất việc này là tổng số ngày nghỉ lễ, Tết của Việt Nam hiện nay là 10 ngày, mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực.
Trong khi đó, số giờ làm việc trung bình của lao động Việt Nam đang nằm ở nhóm cao nhất thế giới (48 giờ/tuần). Thời gian nghỉ phép một năm của Việt Nam hiện nay là 12 ngày, nhưng công ước quốc tế mà chúng ta tham dự yêu cầu thời gian nghỉ phép trong một năm là 21 ngày.
Tổng Liên đoàn Lao động ngày 9/9 đã thống nhất chọn bổ sung vào Bộ luật Lao động (sửa đổi) một ngày nghỉ vào dịp Tết dương lịch. "Ngày được đề xuất là ngày cuối cùng của năm (31/12), nâng tổng số ngày nghỉ Tết dương lịch thành hai ngày", ông Quảng nói.
Về lý do chọn bổ sung thêm ngày nghỉ vào dịp Tết dương lịch, ông Lê Đình Quảng cho biết đây là phương án phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
"Hiện nay ở nước ta có nhiều lao động là người nước ngoài, nhiều công nhân làm việc cho các công ty nước ngoài nên việc bổ sung ngày nghỉ như vậy là phù hợp với nhu cầu phát triển", ông Quảng giải thích.
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục an toàn lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ được trình thường trực Quốc Hội và Thủ tướng trước khi triển khai thực hiện.
Trước đó, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) bổ sung ngày nghỉ lễ 27/7 để tri ân người có công. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc lấy ngày 27/7 là không phù hợp. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt Chính phủ rút đề xuất này.