[Tết đoàn viên] Đại sứ Palestine nói về điều đặc biệt của Tết Việt

0:00 / 0:00
0:00
Chia sẻ của Đại sứ Palestine khi chuẩn bị đón cái Tết thứ 19 tại Việt Nam.
Đại sứ Palestine tại Việt Nam, ông Saadi Salama đi chọn đào Tết (Ảnh do Đại sứ cung cấp) Đại sứ Palestine tại Việt Nam, ông Saadi Salama đi chọn đào Tết (Ảnh do Đại sứ cung cấp)

"Về ẩm thực, các món ăn ngày xưa thường chỉ xuất hiện vào dịp Tết thì bây giờ có thể thưởng thức bất cứ lúc nào, nhưng sự gắn kết, đoàn tụ trong gia đình vào dịp Tết là rất đặc biệt, vì thế tôi rất thương những người Việt Nam sống ở nước ngoài".

Đại sứ Palestine tại Việt Nam, ông Saadi Salama đã chia sẻ như vậy khi chuẩn bị đón cái Tết thứ 19 tại Việt Nam - Tết Tân sửu.

Vừa qua tuổi 60 - cái tuổi mà theo ông là cần có thay đổi gì đó, cũng là nhân dịp đón xuân sang, Đại sứ cho biết ông vừa sửa sang nội thất tại nhà riêng trên con phố yên tĩnh gần bờ hồ Hoàn Kiếm, đã kịp sắm cành đào trưng ở phòng khách, rồi cũng bận bịu tặng quà và đón quà Tết của bạn bè.

Đào, quất đều có, phong lan cũng có, rồi chuẩn bị ấm trà, chút hạt bí, mứt sen, thêm quả chà là và một số loại bánh của Palestin để tiếp đón bạn bè, Đại sứ chia sẻ.

Mùi của Tết đã khác xưa nhiều lắm

40 năm trước, vào năm 1981, đón cái Tết đầu tiên khi mới sang Việt Nam được ba tháng, chàng thanh niên Palestine đã cực kỳ ấn tượng với mùi của Tết Việt.

"Khi nghe tiếng pháo khắp nơi và khói của pháo len vào mũi thì tôi thấy bầu không khí Tết bắt đầu lan ra khắp Hà Nội. Tôi nhớ cả mùi khói toả ra từ những cái bếp củi đun nồi bánh chưng suốt 12 tiếng liền, mọi người cùng ngồi canh nồi bánh suốt cả đêm, đó thực sự là bầu không khí rất tuyệt vời" - ông Saadi Salama nhớ lại.

Đó là mùi của Tết thời bao cấp, vậy những năm gần đây Tết Việt có còn mùi đặc trưng không?

Sau chút thở dài, vị Đại sứ trả lời: để nói về mùi Tết nếu so sánh với trước thì thay đổi nhiều lắm, nhưng tất nhiên phải chấp nhận vì thời đại 4.0 nhiều nhà không muốn dành tận 12 tiếng để luộc bánh chưng như ngày xưa, nhất là hiện nay các dịch vụ rất sẵn sàng phục vụ rất nhanh, cứ A lô là có Tết. Nhưng khi chúng ta tự luộc bánh chưng và tự nấu cỗ tết thì có ý nghĩa khác, đó là chuyển cho thế hệ mai sau những nét truyền thống, là lưu giữ giá trị về ngày Tết cổ truyền của Việt Nam.

Vì thế tôi rất thương những người Việt phải đón Tết ở nước ngoài, họ có thể nhìn thấy Tết Việt qua tivi, nhưng không thể nào càm nhận được Mùi của Tết, ông nói tiếp.

Bên cạnh mùi Tết, theo cảm nhận của Đại sứ thì Tết Việt xưa và nay còn nhiều thứ khác nhau nữa. Chẳng hạn thay vì tự viết tấm thiệp chúc Tết gửi đến bạn bè thì đa số lại chúc nhau qua mạng xã hội. "Tết xưa có điều rất hay là dịp Tết nhiều người cao niên mặc áo dài truyền thống rất đẹp và đi chúc tết bằng xích lô, giờ cảnh này rất hiếm" , ông bày tỏ sự tiếc nuối.

Có những điều không thể khác

Điều ít thay đổi nhất, ở Tết Việt, theo nhận xét của một người nước ngoài nhưng luôn tự coi mình là người Hà Nội - Đại sứ Saadi Salama đó là chính là sự gắn kết, đoàn tụ của các gia đình Việt.

Hà Nội có gần 8 triệu dân nhưng những ngày Tết "vơi" đi hơn một nửa, vì người ở các tỉnh đều đổ về quê ăn Tết với gia đình. Các gia đình Việt Nam luôn giữ nếp sống kính trọng người cao tuổi nên gia đình thường có nhiều thế hệ. Đó là cơ sở vững chắc để xây dựng xã hội Việt Nam, gia đình có vai trò rất lớn trong việc xây dựng một xã hội kỷ cương, nếp sống văn minh, nếu gia đình tan nát thì chưa chắc xã hội đã vững chắc.

Sau nhận xét trên, vị Đại sứ nhấn mạnh: để bảo vệ gia đình thì phải bảo vệ truyền thống, phải bảo vệ những phong tục tâp quán tốt đẹp, bảo vệ những giá trị văn hoá mà các thế hệ trước đã để lại cho chúng ta, trong đó có giá trị của Tết Đoàn viên, Tết gắn kết.

Chính vì thế, Đại sứ Plestine tại Việt Nam nói rõ là ông không đồng tình với quan điểm cho rằng Việt Nam nên gộp luôn Tết Nguyên đán với Tết Dương lịch để hạn chế sự ảnh hưởng về kinh tế, khi mà có thể sản xuất và giao thương bị gián đoạn.

"Với sự phát triển của khoa học công nghệ thì nghỉ Tết cũng không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế lắm, nên không cần thiết phải gộp, nên giữ Tết cổ truyền để có những trải nghiệm riêng, đó cũng giữ cho sự đa dạng của văn hoá thế giới, cũng giúp cho thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn. Kinh tế là rất quan trọng nhưng giá trị văn hoá của người Việt Nam cũng rất quan trọng, văn kiện Đại hội đảng XIII của Việt Nam có nói phát triển văn hoá phải đi cùng với sự phát triển kinh tế" - ông Saadi Salama bày tỏ.

Vị Đại sứ - con rể của Việt Nam (ông Saadi Salama có vợ là người Việt) cũng nói thêm một điều nữa mà ông nhấn mạnh rằng ông rất thích, đó là bên cạnh sự gắn kết thì ông cảm nhận được sự vị tha của người Việt dành cho nhau mỗi dịp Tết đến xuân về. Ai có xích mích thì cho qua, ai có điều kiện hơn về kinh tế thì chia sẻ với người khó khăn hơn để ai cũng được vui hơn trong dịp năm mới - đó là điều tôi rất thích, đại sứ chia sẻ.

Và đây, theo ông, cũng là một nét tương đồng giữa Tết Việt Nam và Tết của Palestin.

"Tết ở quê hương tôi là dịp để mọi người làm từ thiện nhiều hơn. Người ta cũng dành thời gian đi thăm và chúc tụng nhau, cũng mừng tuổi nhưng không mừng tuổi đàn ông từ 18 trở lên, chỉ mừng tuổi trẻ em và phụ nữ. Đặc biệt, Tết là dịp để tất cả thành viên trong gia đình đều có mặt ở nhà, đi thăm hỏi họ hàng và bà con làng xóm" - Đại sứ chia sẻ.

An Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục