Theo đó, nhà sản xuất ô tô Đức sẽ xây dựng nhà máy pin thứ 5 trên toàn cầu, tạo ra hơn 600 việc làm trong khu vực. Nhà máy ở Alabama sẽ lắp ráp các loại xe điện thể thao để cạnh tranh với dòng xe Tesla Model X, đồng thời khiến Daimler trở thành công ty châu Âu đầu tiên lắp ráp ô tô điện tại Hoa Kỳ.
Phát biểu với Bloomberg, Giám đốc sản xuất Markus Schaefer cho biết: “Chúng tôi đang kỷ niệm 20 năm thành lập tại cơ sở sản xuất của chúng tôi ở Tuscaloosa, Alabama; và chúng tôi coi đây là cơ hội để mở rộng hoạt động và phát triển nhiên liệu. Chúng tôi rất tự tin về sự tăng trưởng dài hạn ở Hoa Kỳ trong tương lai.”
Có thể thấy, với số vốn đầu tư lớn nói trên, ngoài mục tiêu làm dịu căng thẳng đối với các tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng có quá nhiều xe Đức đang được bán cho người Mỹ, mục tiêu thực sự của Daimler là cạnh tranh mạnh mẽ với Tesla.
Giống như các nhà sản xuất ô tô khác, Daimler đang chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng doanh số xe chạy điện. Dự kiến, doanh số bán ra của Daimler tại Mỹ sẽ tăng gấp 4 lần so với năm ngoái lên 643.000 chiếc vào năm 2021, tức chiếm khoảng 4% thị trường ô tô của Mỹ, theo ước tính của Bloomberg. Phân khúc này được kỳ vọng sẽ chiếm hơn 1/3 doanh thu năm 2030 của công ty.
Cách đây không lâu, Daimler cũng vừa ra mắt phiên bản thử nghiệm của mẫu xe tải chạy điện FUSO eCanter trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt, qua đó vượt mặt ông lớn Tesla ở một mảng nhỏ của miếng bánh xe điện đang rất béo bở.
Theo công bố của Daimler, khách hàng lớn đầu tiên của eCanter sẽ là UPS, một trong những công ty chuyển phát và hậu cần lớn nhất thế giới. UPS sẽ nhận được lô eCanter đầu tiên và sẽ sử dụng chúng cho chi nhánh ở New York. ChargePoint, công ty cung cấp các trạm sạc điện công cộng, sẽ hoạt động chung với Daimler trong việc cung cấp điện cho eCanter ở New York.
Daimler còn cho biết sẽ đầu tư 60 triệu USD vào StoreDot, công ty chuyên phát triển công nghệ sạc pin siêu nhanh. Đây là một startup công nghệ tại Israel, với phát minh là loại pin có thể sạc đầy chỉ trong 5 phút.
Giám đốc mảng xe tải của Daimler tại châu Á, ông Marc Llistosella cho biết: “Mọi người thường không thích thay đổi thói quen của họ, đặc biệt là khi thay đổi đó gây ra những bất tiện. Khi bạn yêu cầu một khách hàng lái xe ô tô điện phải chờ 30, 40 phút để sạc đầy pin; họ thường không thích điều đó, không một ai thích điều đó cả”.
Nếu công nghệ pin này sớm được ra mắt và áp dụng cho những chiếc xe điện của Mercedes, không khó để nhận thấy đây sẽ là một ưu thế vượt trội, góp phần tạo ra một cuộc cách mạng mới trong ngành công nghiệp xe điện và có thể đe dọa tới vị thế dẫn đầu của Tesla hiện nay.
Không chỉ Mercedes, Toyota cũng đang cũng đang tạo sức ép không nhỏ lên Tesla. Các báo cáo mới nhất cho thấy, hãng xe Nhật sẽ tận dụng Triển lãm ô tô quốc tế tại Bắc Mỹ năm 2018 để công bố kế hoạch bổ sung hàng chục chiếc xe điện vào đội ngũ sản phẩm của thương hiệu Toyota. Các sản phẩm xe điện mới này của Toyota dự kiến sẽ bán ra trên thị trường vào năm 2021, và được cho là sản xuất tại nhà máy mới của công ty dựa trên mối quan hệ hợp tác với Mazda.