Tesla dự kiến rút niêm yết, thị trường dậy sóng

(ĐTCK) Trong ngày đầu tuần (13/8), CEO Tesla Elon Musk tiếp tục khiến thị trường dậy sóng khi công bố thêm thông tin về ý định rút niêm yết. Đây trở thành minh chứng mới nhất cho xu hướng mà ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn muốn lựa chọn.
Tesla dự kiến rút niêm yết, thị trường dậy sóng

Quỹ 2 nghìn tỷ USD tìm đến

Kể từ cuối tuần trước, CEO Elon Musk đã đăng hàng loạt bài viết trên trang cá nhân Twitter cho biết, ông đang cân nhắc tư nhân hóa Tesla.

Cụ thể, nếu Tesla hủy niêm yết, các nhà đầu tư hiện tại vẫn có thể duy trì cổ phần của Công ty thông qua một quỹ đặc biệt, hoặc bán lại cổ phiếu với giá 420 USD/cổ phiếu. Nếu trở thành sự thật, đây sẽ là vụ hủy niêm yết có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Ngay sau bài đăng vào thứ Hai (13/8), giá cổ phiếu Tesla đã tăng khoảng 12%, lên mức 381 USD/cổ phiếu trước khi đóng cửa phiên giao dịch.

Sở dĩ các nhà đầu tư phản ứng tích cực bởi Elon Musk cho biết, ông đã huy động được đủ số tiền khoảng hơn 70 tỷ USD để làm được điều này. Chưa kể, vị CEO tiết lộ, quỹ đầu tư nước ngoài của Ả Rập Xê út, đang quản lý khối tài sản ước tính lên tới 2.000 tỷ USD, đã tiến hành thảo luận về vấn đề rót thêm vốn vào Công ty và hỗ trợ quá trình tư nhân hóa.

Trong thông điệp gửi tới cổ đông cũng như nhân viên, Elon Musk cho rằng, việc tư nhân hóa công ty là điều đúng đắn cần phải làm trong thời gian tới. Bởi áp lực của việc là một công ty đại chúng niêm yết khiến Tesla bị rối trí và chỉ suy nghĩ được ngắn hạn. Trong khi đó, sự phát triển bền vững của một doanh nghiệp phụ thuộc vào những quyết định trong dài hạn.

“Tôi tin tưởng rằng, chúng ta chỉ làm tốt nhất khi mọi người tập trung vào công việc, gắn chặt với sứ mệnh dài hạn, thay vì cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người vào mọi thời điểm”, Elon Musk nói.

Thời của thị trường vốn tư nhân

Việc Tesla mong muốn rút niêm yết là ví dụ mới nhất cho xu hướng mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Barrett Cohn, người đồng sáng lập Scenic Advisement, công ty môi giới chuyên thực hiện các thương vụ niêm yết, IPO của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Thung lũng Silicon cho biết, cách đây 4 năm, hầu hết các công ty mới nổi tại Thung lũng Silicon mà ông trò chuyện đều có kế hoạch niêm yết trong khoảng thời gian gần nhất. Hiện tại, con số này giảm còn một nửa.

“Ngày càng có ít công ty tiềm năng mong muốn lên sàn chứng khoán, khi việc niêm yết không mang lại những giá trị như cách đây một thập kỷ”, Barrett Cohn cho biết.

Thực tế, có không ít công ty lớn vẫn đang né tránh việc trở thành doanh nghiệp đại chúng, hoặc bước lên sàn. Chẳng hạn, Spotify từ chối việc IPO bằng cách bán cổ phần trực tiếp cho các quỹ đầu tư. Uber nhận 9 tỷ USD từ SoftBank thay vì IPO để huy động vốn. Airbnb, hiện có giá trị khoảng 31 tỷ USD, vừa sa thải một giám đốc tài chính có mong muốn tiến hành IPO. Kể từ năm 2000 đến nay, số lượng trung bình các công ty quyết định IPO mỗi năm giảm từ khoảng 300 doanh nghiệp/năm xuống còn 100 doanh nghiệp/năm.

Rohit Kulkarni, Giám đốc công ty nghiên cứu chứng khoán SharesPost nhận định, việc tiến vào thị trường đại chúng không còn mang lại những giá trị tích cực cho doanh nghiệp như trước đây. Việc niêm yết mang lại 4 lợi ích chính: Huy động vốn, thanh khoản, tạo dựng niềm tin và làm thương hiệu. Nhưng hiện tại, các công ty có thể có được tất cả những điều trên tại thị trường vốn tư nhân, khi thị trường này đã có bước tiến dài trong 10 năm qua.

Theo đó, ngày càng nhiều quỹ đầu tư, bao gồm cả quỹ lương hưu và các quỹ quản lý tài sản khác, tìm kiếm các công ty giàu tiềm năng tăng trưởng để rót vốn, trong đó có thể kể tới các tổ chức tài chính lớn như Fidelity và Morgan Stanley. Theo số liệu từ SharePost, có 85 quỹ đầu tư đang rót vốn vào hơn 200 công ty tư nhân tại Mỹ.

Về yếu tố tạo dựng thương hiệu, niềm tin và marketing, các công ty tại Thung lũng Silicon từ lâu đã không còn cần phải dựa vào danh tiếng của các sàn niêm yết như NASDAQ. Khách hàng vẫn nhìn thấy tên tuổi các thương hiệu này hàng ngày và thoải mái trong việc lựa chọn các sản phẩm mới, đặt niềm tin vào các quỹ đầu tư và duy trì sự sống cho các công ty tư nhân. 

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục