Theo ông Tùng, cơ sở để TCM đặt kế hoạch trên tình hình đơn hàng của Công ty có nhiều thuận lợi, nhất là khi đối tác Eland Asia Holdings (Singapore), một cổ đông lớn của TCM dần chuyển đơn hàng của họ từ Trung Quốc sang cho Công ty. Hiện tại, TCM đã nhận đơn hàng cho sản xuất đến hết quý I/2014.
Để đón đầu nhu cầu xuất khẩu gia tăng, TCM đang tích cực đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất ở các khâu hoàn thiện sản phẩm như đan, nhuộm và may, bằng cách xây dựng thêm nhà máy và tìm mua thêm nhà máy thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập.
Cụ thể, giai đoạn 2014 - 2017, TCM sẽ thành lập nhà máy ở Vĩnh Long, chia thành 3 giai đoạn đầu tư. Trong năm 2014, TCM đầu tư nhà máy may có quy mô 1.500 công nhân. Dự kiến, nhà máy này sẽ đi vào hoạt động trong tháng 7/2014, nếu được UBND tỉnh Vĩnh Long cấp phép vào tháng 1/2014. Năm 2015, TCM tiếp tục đầu tư nhà máy may với quy mô tương tự. Năm 2016 và 2017, TCM sẽ đầu tư nhà máy đan kim và nhuộm.
Tổng vốn đầu tư nhà máy may ở Vĩnh Long khoảng 30 triệu USD. Nguồn vốn huy động cho nhà máy dự kiến đến từ việc vay ngân hàng hoặc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và đối tác. Nội dung này sẽ được HĐQT TCM trình ĐHCĐ thường niên năm 2014. Song song với xây dựng nhà máy mới, TCM sẽ tìm mua lại một cơ sở may trong nước với quy mô khoảng 2.000 công nhân, nâng công suất nhà máy lên 17 - 20 triệu sản phẩm/năm.
Vẫn theo ông Tùng, năm 2013, TCM ước đạt 2.534 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 116 tỷ đồng, dự kiến chia cổ tức 10 - 15%. Trong cơ cấu doanh thu, mặt hàng sợi chiếm 40 - 45%, tỷ suất lợi nhuận gộp ước đạt 14 - 16%, sản lượng 21.000 tấn, trong đó 35% sử dụng nội bộ và 65% xuất khẩu.
Mặt hàng vải chiếm 20% tổng doanh thu, tỷ suất lợi nhuận gộp 16%, xuất khẩu khoảng 60%. Tháng 6/2013, TCM đã đưa vào hoạt động nhà máy đan kim, nâng công suất nhà máy lên 10 triệu mét vải/năm, nguyên liệu đầu vào có 35% là sản lượng sợi tự sản xuất.
Đối với hàng may mặc, số lượng công nhân của TCM khoảng 4.300 người, chi phí công nhân chiếm khoảng 13% tổng chi phí. Sản lượng hàng năm đạt 18 triệu thành phẩm. Tỷ suất lợi nhuận gộp của hàng may đạt bình quân 22%, riêng hàng sản xuất cho Eland đạt tỷ suất 25%. Các nhà máy may hiện hoạt động hết công suất nên TCM đang đặt hàng gia công thêm bên ngoài.
Sở dĩ TCM đạt được kết quả kinh doanh trên là do Công ty đã thay đổi chiến lược mua bông, với tỷ lệ mua trên thị trường giao ngay và trên thị trường kỳ hạn là 80/20, thay vì 30/70 như trước, giúp giá vốn của sản phẩm được cải thiện. Bên cạnh đó, TCM ứng dụng hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) cho toàn bộ nhà máy, giúp giảm chi phí, giảm hao hụt nguyên liệu.