TCM đã vượt qua thử thách Covid-19 và tập trung triển khai dự án căn hộ TC1

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Ông Trần Như Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (TCM) cho biết, công ty chuẩn bị đầu tư một nhà máy may mới tại Vĩnh Long và đẩy nhanh tiến độ dự án bất động sản TC1 trong năm tới.

TCM đã vượt qua thử thách Covid-19 và tập trung triển khai dự án căn hộ TC1

Ông có thể chia sẻ điều gì giúp TCM vượt qua giai đoạn khó khăn vừa qua và vẫn duy trì được tăng trưởng?

Trong quý 2 và 3 vừa qua, công ty xuất khẩu nhiều đơn hàng khẩu trang, vải kháng khuẩn và đồ bảo hộ y tế nên doanh thu và lợi nhuận tương đối tốt. Bên cạnh đó, công ty tiến hành việc kiểm soát và tiết kiệm chi phí, tỷ lệ chi phí giá vốn hàng bán trên doanh thu giảm so với cùng kỳ.

Những nguyên nhân này làm cho lợi nhuận thu về tăng cao hơn cùng kỳ. Cụ thể, TCM đã công bố lợi nhuận quý 3 đạt 85 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng doanh nghiệp đạt mức lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng, tăng31% so với cùng kỳ.

Dự kiến hoạt động kinh doanh thời gian tới có tiếp tục khởi sắc nhờ hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) hay không thưa ông?

Sản phẩm truyền thống của TCM là áo thun. Do dịch bệnh nên TCM mới sản xuất khẩu trang kháng khuẩn và đồ bảo hộ y tế. Hiện Công ty đã có đơn hàng đến hết quý 4 và các đơn hàng truyền thống đã dần hồi phục. Các nhà máy đều đang hoạt động 100% công suất.

Đợt dịch Covid vừa qua, Công ty vẫn duy trì, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho cán bộ công nhân viên, không ai bị cho nghỉ việc. Năm 2021, Công ty dự kiến sẽ khởi công xây dựng thêm 1 nhà may tại Khu công nghiệp Hòa Phú, Vĩnh Long với năng lực dự kiến 12 triệu sản phẩm/năm và doanh thu từ thị trường EU dư kiến sẽ tăng 2 con số. Với việc sở hữu quy trình sản xuất khép kín từ sợi - dệt - nhuộm và may, TCM hoàn toàn hưởng lợi thế về thuế suất quy định của EVFTA và CPTPP.

Ông Trần Như Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt may đầu tư thương mại Thành Công.

Ông Trần Như Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt may đầu tư thương mại Thành Công.

Nhà đầu tư quan tâm đến các dự án bất động sản của TCM. Ông có thể cho biết tiến độ triển khai các dự án này?

Các dự án bất động sản chính của TCM bao gồm dự án TC1, TC2 và TC3. Dự án Thành Công Tower (TC1) đang thực hiện các thủ tục pháp lý và tái khởi động trở lại, là dự án nhà ở với diện tích xây dựng 9.898 m2 tại số 37 đường Tây Thành, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM. Dự kiến thiết kế TC1 gồm 3 tòa nhà tổng cộng 650 căn hộ chung cư.

Tổng vốn đầu tư cho dự án là 65 triệu USD, tương đương 1.433 tỷ đồng, chưa bao gồm giá trị đất. TCM ước tính giá bán căn hộ khoảng 40 triệu đồng/m2. Trong tương lai, giá căn hộ tại khu vực này sẽ tăng theo tiến độ thi công của tuyến Metro số 2, Bến Thành - Tham Lương. Hiện tại, giá tham khảo những lô đất mặt tiền đường Tây Thạnh, quận Tân Phú đang có giá khoảng 100 - 110 triệu đồng/m2.

TC1 đang là dự án bất động sản trọng điểm mà chúng tôi tập trung đẩy nhanh tiến độ. Chờ cơ quan chức năng phê duyệt văn bản pháp lý, ngay sau khi hoàn thành, dự án sẽ được khởi công và kỳ vọng dự án TC1 sẽ mang lại hiệu quả đầu tư cao.

Dự án tiếp theo là TC2 triển khai trên khu đất của nhà máy hiện tại khoảng 6,6 ha.

Theo chủ trương của Nhà nước, các công ty có nhà máy tọa lạc trong khu nội thành sẽ phải di dời đến các vùng ngoại ô. Nhà máy của TCM cũng không phải là ngoại lệ, và sau khi di dời, diện tích đất này sẽ được chuyển đổi thành khu thương mại dịch vụ và căn hộ. TCM cũng đã chuẩn bị sẵn 13 ha đất tại Khu công nghiệp Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long cho mục đích di dời này.

Dự án TC3 có diện tích khoảng 13.758 m2, tọa lạc tại đường Nguyễn Tất Thành, quận 4 kế bên dự án Riva Park với vị trí rất thuận lợi. Hiện tại khu đất thuộc nhà máy sản xuất sợi và doanh nghiệp trả tiền thuê đất hàng năm. Hiện quanh khu vực này, giá bán căn hộ giao động từ 55 - 60 triệu đồng/m2.

Tùy vào tình hình thực tế thị trường bất động sản cũng như khả năng tài chính của TCM mà chúng tôi sẽ lựa chọn đối tác chiến lược và thời điểm thích hợp để triển khai các dự án nói trên.

Riêng dự án TC1, chúng tôi sẽ tập trung vì lô đất này đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và đang chờ phê duyệt pháp lý để khởi công sau khi hầu hết dự án bất động sản tại TP.HCM gần như đóng băng trong 2 năm qua.

Chiến lược kinh doanh sắp tới của TCM như thế nào để nâng cao và đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm ngày càng cao?

Bên cạnh tận dụng lợi thế của chuỗi sản xuất khép kín từ Sợi - Đan/Dệt - May, TCM đã và đang đẩy mạnh cho hoạt động nghiên cứu phát triển (R&BD) và sản xuất các mặt hàng và dòng sản phẩm có tính năng vượt trội, bắt kịp xu hướng thời trang thế giới, vừa để đáp ứng nhu cầu khách hàng của Công ty, hạn chế mua vải từ bên ngoài, đồng thời cung cấp vải cho thị trường dệt may trong nước.

Đặc biệt, từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhu cầu mua vải từ thị trường trong nước ngày càng cao.

Cụ thể, từ tháng 8 đến nay, doanh thu từ mảng vải chiếm hơn 20% trong tổng doanh thu của Công ty. R&BD góp phần gia tăng giá trị chuỗi cung ứng, giúp TCM phát triển đơn hàng nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh tốc độ sản xuất.

Hơn nữa, R&BD tạo điều kiện cho TCM tiếp cận xu thế thị trường và nhanh chóng có phương án kinh doanh phù hợp. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào nghiên cứu sản phẩm và cải thiện hiệu quả sản xuất được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng cho TCM trong trung và dài hạn.

Bên cạnh tập trung cho R&BD và sản xuất, chúng tôi cũng đã tiếp cận các nhà bán hàng online như Amazon để đa dạng hóa khách hàng và cũng là một cách để tăng trưởng doanh số trong thời gian tới, vì kênh bán lẻ truyền thống ngày càng thu hẹp, và càng thấy rõ hơn khi mùa dịch Covid-19 vừa rồi đã làm rất nhiều nhà bán lẻ đã từng có tên tuổi phải tuyên bố phá sản hay đóng bớt cửa hàng.

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục