Tây Nguyên thận trọng nới giãn cách

0:00 / 0:00
0:00
Điểm chung trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở các tỉnh Tây Nguyên là hầu hết những chùm ca bệnh đều có yếu tố dịch tễ từ bên ngoài.
Phong tỏa diện hẹp nhất có thể, mở rộng xét nghiệm và tăng cường tiêm vaccine để sớm khôi phục phát triển kinh tế xã hội. Phong tỏa diện hẹp nhất có thể, mở rộng xét nghiệm và tăng cường tiêm vaccine để sớm khôi phục phát triển kinh tế xã hội.

Kiểm soát chặt người vào địa phương, truy vết khống chế dịch trong cộng đồng, đồng thời tăng cường tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng nguy cơ cao, đó là các biện pháp chống dịch mà các tỉnh Tây Nguyên đang thực hiện, từng bước nới giãn cách, khôi phục phát triển kinh tế xã hội.

Sau 2 tuần gỡ phong tỏa, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, liên tiếp phát hiện các chùm ca bệnh mới trong cộng đồng.

Tuy vậy, Buôn Ma Thuột không tái áp dụng các biện pháp theo Chỉ thị 16 trên diện rộng, mà thực hiện truy vết khoanh vùng phong tỏa ở mức phù hợp, mở rộng xét nghiệm và tăng cường tiêm vaccine phòng Covid-19.

Điển hình như tại ổ dịch hơn 40 ca bệnh vừa phát hiện tại xã Ea Kao, Thành phố chỉ áp dụng Chỉ thị 16 đối với xã này từ 2/10, phong tỏa 4 thôn buôn có dịch, xét nghiệm toàn bộ người dân trong vùng phong tỏa và tiêm 1000 liều vaccine cho bà con.

Ông Đoàn Ngọc Thượng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Buôn Ma Thuột, cho biết: “Với quan điểm vaccine tốt nhất là vaccine đến sớm nhất với người dân, chúng tôi đã làm việc và đề nghị tỉnh hỗ trợ nguồn vaccine để khẩn trương tiêm cho bà con, làm sao tiêm phủ vaccine với tỷ lệ lớn nhất để tạo hành lang an toàn, không để dịch lây lan sang địa bàn khác”.

Kiểm soát chặt, thu hẹp vùng đỏ, giữ an toàn và mở rộng vùng xanh, đó là cách mà cả hệ thống chính trị ở Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cũng như khu vực Tây Nguyên đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19. Là tỉnh có số ca bệnh nhiều nhất khu vực, tính đến chiều 2/10, Đắk Lắk ghi nhận 1.955 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Thực hiện tốt việc khoanh vùng dập dịch, đến nay, đã có 9/15 địa phương ở Đắk Lắk được chuyển về “vùng xanh” và triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái “bình thường mới”.

Tại Gia Lai, cũng nhanh chóng khống chế các chùm ca bệnh phát hiện trong cộng đồng, tỉnh vẫn đang giữ được là “vùng xanh” của cả nước. Đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, tỉnh khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội một cách thận trọng.

Ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nêu rõ: “Phương châm, cách thức chống dịch trong tình hình mới đã được hướng dẫn rất cụ thể. Khi mà chưa có điều kiện để phủ vaccine diện rộng trên 70% dân số thì một mặt chúng tôi tiếp tục đề nghị với Trung ương hỗ trợ thêm vaccine để phủ nhanh; mặt khác vẫn phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K. Ngoài ra, vẫn phải tiếp tục siết chặt vòng ngoài, các chốt chặn ở các cửa ngõ vào tỉnh phải thực hiện một cách thường xuyên chặt chẽ, kiểm soát thật tốt. Thứ hai là phải làm thật tốt công tác kiểm soát bên trong; kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm; không được chủ quan, không được lơ là”.

Điểm chung trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở các tỉnh Tây Nguyên là hầu hết những chùm ca bệnh đều có yếu tố dịch tễ từ bên ngoài. Điển hình như Lâm Đồng, đến nay trong số 288 người mắc Covid-19 thì có gần 1/3 là lái, phụ xe vận tải hàng hóa liên tỉnh và người có liên quan.

Tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp nghiêm ngặt kiểm soát hoạt động vận tải và lái, phụ xe ngay từ chốt vào tỉnh đến các hoạt động xếp dỡ hàng hóa, bố trí lưu trú tập trung, ưu tiên tiêm phòng vaccine cho đối tượng này…

Để chặn dịch, hiện các tỉnh Tây Nguyên vẫn đang tiếp tục kiểm soát chặt người từ bên ngoài vào địa phương. Đặc biệt là từ ngày 1/10, khi các tỉnh, thành phía Nam nới lỏng giãn cách, lượng người về quê tăng cao, các địa phương đang phải tính toán những phương án đón công dân trở về.

Tại Hội nghị ban chấp hành đảng bộ tỉnh Đắk Nông tổ chức ngày 1/10, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười, trăn trở, vấn đề nan giải hiện nay là làm sao đón được số công dân còn đang mắc kẹt trong vùng dịch, không để họ tự do về quê.

“Đắk Nông là trên tuyến đường từ phía Nam lên Tây Nguyên, vấn đề bây giờ là chúng ta đón bà con về như thế nào, không nên để bà con đi tự do, nếu đi thì phải sắp xếp đi có trật tự như trước đây. Đắk Nông hiện nay nguồn lực rất yếu trong 2 vấn đề: một là năng lực y tế, hai là năng lực để đảm bảo cho bà con về số đông là rất khó khăn”, ông Hồ Văn Mười cho biết.

Chưa có các phương án cụ thể đón công dân từ vùng dịch trở về, hiện các tỉnh Tây Nguyên vẫn buộc phải kiểm soát gắt gao tại các chốt trên quốc lộ để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh.

Điều này có thể giúp bảo vệ vùng xanh, tạo điều kiện cho các địa phương bên trong nới giãn cách, từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội.

Nhưng các chốt kiểm soát quá chặt cũng gây ách tắc giao thông trong một số thời điểm, ảnh hưởng đến việc thông thương chuỗi cung ứng hàng hóa liên vùng.

Có thể thấy, khi tỷ lệ người dân tiêm vaccine ngừa Covid-19 chưa cao, nguồn lực hạn chế, thì việc nới lỏng giãn cách ở tỉnh Tây Nguyên vẫn từng bước thận trọng, chủ yếu thực hiện trong nội vùng đảm bảo những nhu cầu tối thiểu của đời sống kinh tế xã hội.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục