Tay không làm BOT mở rộng Quốc lộ 5 nghìn tỷ?: Thanh tra Bộ xây dựng vào cuộc

Dự án còn ngổn ngang và chưa quyết toán nhưng đã thu phí từ lâu, nhà đầu tư cuối cùng “trụ” lại vẫn chưa phải là cổ đông chính thức được Bộ GTVT chấp thuận cùng hàng loạt những uẩn khúc trong quá trình chuyển nhượng vốn… đang khiến dư luận đặt ra những dấu hỏi lớn về dự án BOT mở rộng Quốc lộ 51 (BOT QL51).
Tay không làm BOT mở rộng Quốc lộ 5 nghìn tỷ?: Thanh tra Bộ xây dựng vào cuộc

4 năm qua, hàng triệu lượt xe lưu thông trên QL51 (nối Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn phải đóng phí đều đặn hàng ngày trong khi các hạng mục chưa hoàn thành đã gây không ít khó khăn đối với người dân và các DN vận tải. Trong khi đó, dự án BOT QL51 lại đang đứng trước những xáo trộn lớn về nguồn vốn đầu tư và có nguy cơ bị thâu tóm vốn bởi một nhà đầu tư chưa rõ thực lực.

Chân dung cổ đông duy nhất “trụ” lại

Điểm tên các nhà cô đông hiện hữu của BOT QL51, có lẽ Thái Ninh sẽ là cái tên gây chú ý và tranh cãi nhiều nhất và chắc chắn sẽ bị “soi” kỹ nhất trong quá trình vào cuộc tới đây của các cơ quan chức năng. Trong dự án này, Công ty Thái Ninh không phải là cổ đông sáng lập, cũng chưa phải là cổ công chính thức bởi quá trình chuyển nhượng vốn cho Thái Ninh chưa được các bên chuyển nhượng thông báo với Chính phủ và Bộ GTVT theo quy định cũng như chưa có sự chấp thuận của Bộ GTVT. Nhưng, nếu quá trình nhận chuyển nhượng vốn từ 2 nhà đầu tư là IDICO và DIC diễn ra suôn sẻ thì hẳn nhiên, Thái Ninh sẽ là nhà đầu tư duy nhất tiếp quản toàn bộ BOT QL51.

Đối với dư luận hiện nay, không chỉ quá trình chuyển nhượng vốn “trước kẻng” của Thái Ninh và các nhà đầu tư gây chú ý mà năng lực thực sự của Thái Ninh liệu có đủ để đảm nhận toàn bộ dự án này hay không là một băn khoăn rất lớn. Được biết, tại hợp đồng 02/CNCP/DIC-Thai Ninh thì phần thông tin bên B – tức là Công ty Thái Ninh chỉ có một số thông tin sơ sài như Thái Ninh có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0102588119 do Sở KHĐT Hà Nội cấp ngày 26/12/2007, thay đổi lần 1 ngày 19/7/2011 do bà Phạm Thị Bích Ngà đăng ký làm Giám đốc; địa chỉ giao dịch tại số 95 Đặng Văn Ngữ – quận Đống Đa (Hà Nội). Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế của một số phóng viên thì số 95 Đặng Văn Ngữ là một căn nhà cao 6-7 tầng, không hề có biển hiệu Cty nào và theo một người bán nước thì đây chỉ là nhà dân ở. Mặt khác, theo thông tin từ đại diện Cty IDICO, Cty Thái Ninh là Cty “gia đình” bởi 3 cổ đông sáng lập. Và trong dự án BOT QL51, Thái Ninh cũng chưa hoàn thành việc góp vốn, mới chỉ góp được 23,7 tỷ đồng/455 tỷ đồng phải góp.

Vậy Cty Thái Ninh có khả năng sở hữu tỷ lệ vốn lớn tại dự án có tổng vốn hơn 3.300 tỷ đồng và có đủ năng lực thực hiện dự án hay không? Hiện thông tin về DN này vẫn chưa đủ để giải đáp các băn khoăn cũng như làm an lòng dư luận. Trước đó, việc chỉ đạo ưu tiên chuyển nhượng vốn cho cổ đông hiện hữu (tức là Cty Thái Ninh) trong Công văn 282/BXD-QLDN do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh ký được đánh giá là thiếu khách quan, sai quy định trong quản lý DN nói chung và quy định tại dự án BOT nói riêng lại càng dấy lên những nghi vấn về DN này.

Dự án BOT QL51 đang đứng trước những xáo trộn lớn về nguồn vốn đầu tư và có nguy cơ bị thâu tóm vốn bởi một nhà đầu tư chưa rõ thực lực.

Chờ đợi kết quả thanh tra

Với 1 dự án triển khai từ năm 2009 và tồn tại hàng loạt vấn đề nổi cộm như BOT QL51 nhưng suốt 7 năm qua, không một cơ quan chức năng nào phát hiện hay lên tiếng. Chỉ đến khi Bộ GTVT tiến hành kiểm tra rà soát dự án này vào ngày 18/3 vừa qua thì hàng loạt những uẩn khúc mới được phát hiện. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu để một dự án lớn với vốn đầu tư hàng ngàn tỷ như BOT QL51 lại có những uẩn khúc khó hiểu như vậy?

Điều đáng ghi nhận là ngay sau khi nhận được các thông tin phản ánh về BOT QL51, Bộ Xây Dựng đã nhanh chóng vào cuộc để làm rõ những tồn tại xảy ra tại dự án này. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Thanh tra Bộ Xây dựng tiến hành thanh tra toàn diện dự án. Trên cơ sở đó, ngày 24/3/2016, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên đã ban hành quyết định số 97/QĐ-TTr, thành lập Đoàn thanh tra do ông Chu Hồng Uy – Phó Chánh thanh tra làm Trưởng đoàn. Nội dung: thanh tra công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng của Cty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu tại Dự án xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 theo hình thức BOT.

Theo Quyết định 97/QĐ-TTr, Đoàn Thanh tra có nhiệm vụ thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý đầu tư xây dựng của Cty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu tại dự án xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 theo hình thức BOT; đồng thời làm rõ những nội dung trên phương tiện thông tin đại chúng đã nêu; phát hiện những vướng mắc, tồn tại của cơ chế chính sách trong hoạt động đầu tư xây dựng để đề nghị bổ sung, sửa đổi; kiến nghị xử lý những tổ chức, cá nhân có sai phạm; báo cáo Chánh thanh tra, trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng xử lý theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã yêu cầu TCty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC CORP) và TCty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) báo cáo bằng văn bản về tình hình góp vốn, đầu tư, thoái vốn trong quá trình đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 theo hình thức BOT. Đồng thời, các DN này phải giải trình rõ những vấn đề mà báo chí đã nêu về việc dự án có sự nhập nhằng trong việc góp vốn của các thành viên sáng lập, đặc biệt là việc chuyển nhượng cổ phần trong quá trình thoái vốn Nhà nước được thực hiện không qua đấu thầu, thậm chí là bán trả chậm cho một Cty tư nhân là Cty Thái Ninh trong khi Cty này chưa đủ pháp lý để hiện diện tại Cty Cổ phần Đầu tư Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.

Hi vọng, sự vào cuộc nhanh chóng của Bộ Xây dựng vừa qua sẽ sớm mang lại kết quả và cũng tạo nên một lời cảnh báo mạnh mẽ đối với cách làm BOT theo kiểu “tay không bắt giặc”.

Theo DĐDN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục