Chính phủ Tây Ban Nha ngày 22/9 công bố từ năm 2023 sẽ áp mức thuế đặc biệt đối với những người giàu nhất nước này, và khoản thu này sẽ được dùng cho các gói cứu trợ đối phó lạm phát.
Phát biểu trên kênh truyền hình La Sexta, Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha Maria Jesus Montero cho biết điều quan trọng là đảm bảo tài chính cho các biện pháp hỗ trợ tầng lớp trung lưu và người lao động.
Theo bà Montero, để đạt được mục tiêu này, chính phủ Tây Ban Nha sẽ áp thuế "đặc biệt" đối với những người giàu nhất nước này. Việc áp thuế sẽ có hiệu lực trong hai năm và ảnh hưởng "không quá 1%" dân số nước này. Tuy nhiên, bà Montero không thông báo chi tiết về mức thuế.
Hồi tháng Bảy, chính phủ Tây Ban Nha đã đưa ra dự thảo luật về việc đánh thuế tạm thời đối với các ngân hàng và các công ty điện lực để tài trợ cho các biện pháp giảm bớt áp lực chi phí sinh hoạt.
Tây Ban Nha đang đối mặt với lạm phát tăng cao do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine và việc mở cửa trở lại nền kinh tế sau thời gian phong tỏa chống đại dịch COVID-19.
Tây Ban Nha ghi nhận tỷ lệ lạm phát trong tháng Tám là 10,4%. Tỷ lệ lạm phát ở mức hai chữ số được duy trì ở Tây Ban Nha kể từ tháng Sáu, mức chưa từng được ghi nhận ở nước này kể từ giữa những năm 80 của thế kỷ 20.
Để giúp người dân đối phó với giá cả leo thang, chính phủ Tây Ban Nha đã triển khai một loạt biện pháp như miễn phí cho người dân khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trợ cấp cho học sinh ở lại trường và trợ giá xăng dầu.
Chính phủ Tây Ban Nha cho biết các biện pháp hỗ trợ này "ngốn" tới 30 tỷ euro (30 tỷ USD), tương đương 2,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.