Cùng có mặt ở Việt Nam từ năm 2014, đến nay, cả Uber lẫn Grab đều được xem là những ứng dụng gọi xe (chủ yếu taxi và xe ôm) được ưa thích.
Ban đầu, trong phương thức giao dịch với khách hàng, cách vận hành của hai ứng dụng này có nhiều điểm khác nhau, ví dụ như Uber chỉ chấp nhận thanh toán thẻ còn Grab chỉ hỗ trợ trả tiền mặt; Uber phát triển mạnh taxi không mào, Grab ưu tiên hợp tác với taxi truyền thống... Nhưng dần dần, hai đối thủ vừa nhìn nhau vừa đưa ra những thay đổi về chính sách và các "sản phẩm mới" cho phù hợp với thị trường Việt Nam.
Hiện Uber lẫn Grab đều đã chấp nhận cả hai phương thức thanh toán, cùng triển khai dịch vụ gọi xe ôm qua UberMoto và GrabBike, cùng tỷ lệ ăn chia hoa hồng 20-80 với lái xe, cùng có chính sách thưởng cho lái xe chạy vượt định mức, giá cước tự động tăng vài ba lần trong giờ cao điểm...
Tuy nhiên, mô hình vận hành hoạt động tại Việt Nam của Uber và Grab lại có sự khác nhau, căn bản nhất là ở tư cách pháp nhân. Nếu như GrabTaxi lập một công ty con (Grab Việt Nam) tại Việt Nam với một trong những ngành nghề đăng ký kinh doanh là "vận tải hành khách" và "vận tải hàng hóa" thì công ty con của Uber ở Việt Nam (Uber Việt Nam) lại chỉ nhận vai trò "tư vấn quản lý", "nghiên cứu thị trường".
Một lãnh đạo của Uber Việt Nam từng nói công ty tại Việt Nam chỉ có chức năng "marketing cung ứng dịch vụ phần mềm" chứ không phải điều hành việc vận tải... Các tài xế Uber được điều hành bởi Uber BV (Hà Lan), ký hợp đồng với đối tác ở Hà Lan, doanh thu tại Việt Nam được chuyển về Hà Lan còn Uber Việt Nam lại không được công ty mẹ ủy quyền việc này.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Bộ Giao thông Vận tải "tuýt còi", Bộ Tài chính bối rối trong cách xác định thuế của Uber. Trong khi tại Grab, tất cả các lái xe phải ký hợp đồng với hợp tác xã vận tải để chạy xe dưới dạng hợp đồng thì tại Uber, vẫn còn rất nhiều chủ xe không thuộc một hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải nào cả. Do đó, trong khi Grab thông qua các hợp tác xã, dễ dàng kê khai và thu hộ thuế của tài xế thì Uber lại không thể.
Thực tế, Đề án thí điểm của Grab đã được Chính phủ và Bộ Giao thông cho phép thực hiện trong thời gian 3 năm. Ngược lại, Đề án của Uber lại nhiều lần bị "bác". Đồng thời, Bộ Giao thông yêu cầu Uber Việt Nam không phối hợp với các chủ phương tiện, đơn vị vận tải để thực hiện kinh doanh vận tải trái với quy định hiện hành, cho tới khi hoàn thiện các thủ tục hoạt động.
Lý giải với VnExpress, Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Hồng Trường từng khẳng định quan điểm của cơ quan quản lý không cấm cản những doanh nghiệp như Uber. Tuy nhiên, đại diện ngành giao thông cũng kiên quyết cho rằng, bất cứ công ty nào hoạt động cũng cần theo quy định pháp luật.
Ông lý giải, sở dĩ Đề án thí điểm của Grab được chấp thuận bởi công ty này có pháp nhân rõ ràng, đăng ký hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực vận tải. Từ trước tới nay, quan điểm của Uber là họ không tham gia hoạt động vận tải mà chỉ cung cấp dịch vụ phần mềm cho hoạt động vận tải.