Theo đó, trong nội dung về quản lý điều hành, dự thảo quy chế quy định đơn vị taxi mở tài khoản điện tử để thực hiện việc trả phí tự động cũng như nộp phạt khi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, Dự thảo quy chế cũng quy định sau 6 tháng kể từ ngày quy chế này có hiệu lực, các đơn vị taxi phải sử dụng phần mềm dùng chung của taxi Hà Nội. Dữ liệu phần mềm dùng chung của taxi Hà Nội được kết nối với hành khách, lái xe và đơn vị taxi thông qua các thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng).
Phần mềm dùng chung này nhằm hỗ trợ việc quản lý, kết nối và điều hành giữa hành khách, lái xe và đơn vị taxi do Hiệp hội Taxi Hà Nội xây dựng và quản lý.
Về màu sơn, Dự thảo quy chế đặt ra Hà Nội sẽ thống nhất thiết kế 5 màu sơn xe taxi cơ bản gồm: vàng, đỏ, trắng, xanh, ghi. Các doanh nghiệp taxi được lựa chọn các màu đã quy định và đăng ký thương hiệu riêng của mình. So với dự thảo năm 2018, việc mở rộng 5 màu sơn cho xe taxi ở dự thảo lần này tăng thêm tính lựa chọn cho hãng taxi, thay vì 3 màu sơn chung: xanh, ghi bạc, trắng như lần lấy ý kiến trước đó.
Từ năm 2019 đến 2025, xe taxi thay mới, tăng thêm sẽ áp dụng màu sơn chung. Từ năm 2026, thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với xe taxi hoạt động trên địa bàn Hà Nội.
Dự thảo quy chế chia 2 vùng phục vụ của taxi Hà Nội là khu vực xác định theo địa giới hành chính mà xe taxi của các đơn vị taxi được đăng ký khai thác (tập trung đỗ, dừng đón trả khách theo vùng). Vùng 1 bao gồm địa giới hành chính tại các quận trên địa bàn TP Hà Nội; vùng 2 bao gồm địa giới hành chính tại các huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Trong 1 tháng, xe taxi phải đảm bảo thời gian hoạt động trong vùng phục vụ đã đăng ký tối thiểu 70% tổng thời gian hoạt động trong tháng đó.
Một điểm đáng chú ý của Dự thảo là quy định xe taxi phải được dọn rửa, vệ sinh sạch sẽ hằng ngày, đảm bảo nội thất không có mùi gây phản cảm cho hành khách đi xe.