Trước đó, tại đại hội cổ đông năm ngoái của Tata Steel, Chủ tịch Tập đoàn Tata - Cyrus Mistry đã hé lộ về việc này khi trả lời câu hỏi của các cổ đông. "Chúng tôi không còn hy vọng gì vào dự án này những năm gần đây", ông cho biết.
Ông Nguyễn Đình Vân, Phó trưởng ban thường trực Khu kinh tế Vũng Áng cũng xác nhận việc Tata có ý định rút khỏi dự án đầu tư từ năm 2013 do chưa đáp ứng được yêu cầu về vốn giải phóng mặt bằng, cũng như không chắc chắn về thời gian ra sản phẩm đầu tiên. Tuy nhiên, ông Vân cũng cho biết, Ban quản lý chưa nhận được bất kỳ văn bản chính thức nào từ phía đối tác.
Dự án thép tại Vũng Áng được coi là một trong những khoản đầu tư lớn nhất của Tata Steel ngoài Ấn Độ. Theo kế hoạch, họ sẽ cùng Tổng công ty Thép (Vinasteel) và Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) thành lập khu liên hợp thép trên diện tích 725 hecta tại Khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh). Tata Steel nắm 65% cổ phần, Vinasteel và Vicem lần lượt giữ 30% và 5%. Theo thỏa thuận, liên doanh thép sẽ nắm 30% mỏ quặng sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh). Dự án được chia làm 3 giai đoạn, hoàn tất năm 2018.
Biên bản ghi nhớ về dự án đã được ký kết tháng 5/2007 và về liên doanh được ký tháng 8/2008. Tuy nhiên, sau đó, Tata Steel lại có tranh chấp đất đai với một công ty của Đài Loan (Trung Quốc). Nhiều vấn đề nảy sinh khiến họ phải tìm đến sự trợ giúp của Chính phủ Ấn Độ trong các cuộc nói chuyện với phía Việt Nam, nhưng vẫn không thành công.
Tata Group là tập đoàn đa ngành Ấn Độ, có trụ sở tại Mumbai. Thành lập năm 1868, tập đoàn có 7 mảng kinh doanh, gồm truyền thông - công nghệ thông tin, cơ khí, vật liệu, dịch vụ, năng lượng, hàng tiêu dùng và hóa phẩm.
Tháng 6 năm ngoái, Tata Power - một công ty khác thuộc Tập đoàn Tata đã giành được hợp đồng trị giá 1,8 tỷ USD xây dựng nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 tại Sóc Trăng. Đây được coi là thương vụ đầu tư lớn nhất của Ấn Độ vào Việt Nam.