Tất bật tìm "cửa" cho vay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nỗ lực giảm thêm lãi suất cho vay đã giúp tín dụng dần được cải thiện, nhưng các ngân hàng phải cạnh tranh “giành” khách quyết liệt.
Lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm, nhưng nhu cầu tín dụng vẫn yếu Lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm, nhưng nhu cầu tín dụng vẫn yếu

Ngân hàng ráo riết đẩy vốn

Trung tuần tháng 11, MSB công bố lần điều chỉnh giảm lãi suất thứ 5 kể từ đầu năm. Chương trình được áp dụng cho đến cuối năm đối với khách hàng cá nhân vay thế chấp với mục đích mua nhà, xây sửa nhà, mua sắm trang thiết bị gia đình, du học, chi trả học phí… và được thiết kế dưới dạng các gói vay có lãi suất cạnh tranh, chỉ từ 6,8%/năm, cố định 12 tháng.

Trước đó, SHB thực hiện chương trình giảm tới 2%/năm lãi suất cho vay đến hết năm 2023 dành cho khách hàng hiện hữu, bao gồm cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, nhằm chia sẻ những khó khăn của khách hàng, đặc biệt trong giai đoạn nhu cầu vốn tăng cao vào cuối năm. SHB ưu tiên hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, triển khai dự án xanh… và các khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, sản xuất - kinh doanh.

Tại BIDV, đầu tháng 11, Ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân vay vốn kinh doanh và tiêu dùng. Trong đó, khách hàng vay vốn kinh doanh trong lĩnh vực xanh đáp ứng các điều kiện, lãi suất từ 5,4%/năm đối với các khoản vay kỳ hạn dưới 6 tháng, từ 6,4%/năm với khoản vay kỳ hạn 6 - 12 tháng. Với các khách hàng kinh doanh lĩnh vực khác, lãi suất từ 5,7%/năm khi vay kỳ hạn dưới 6 tháng, từ 6,7%/năm khi vay kỳ hạn 6 - 12 tháng. Đáng chú ý, vay vốn tiêu dùng có lãi suất chỉ từ 6,5%/năm.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: “Tín dụng tăng chậm là câu chuyện đã được dự báo ngay từ đầu năm 2023 và diễn biến thực tế cho thấy dự báo này là chính xác. Tăng trưởng tín dụng cải thiện phần nào vào quý III, nhưng tiếp tục chậm lại trong tháng đầu quý IV”.

Cán bộ tín dụng một ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chia sẻ, nhân viên tín dụng nghỉ việc và ngân hàng tuyển dụng mới liên tục. Không đạt được chỉ tiêu cho vay thì sẽ không có lương, nhưng nhắm mắt làm hồ sơ cho doanh nghiệp vay vốn thì không thể, nên nhân viên xin nghỉ việc.

“Chúng tôi thường xuyên đối mặt với câu chuyện “con gà quả trứng”. Doanh nghiệp đủ điều kiện mới được vay vốn, thậm chí được hưởng lãi suất ưu đãi, nhưng nhóm doanh nghiệp này không nhiều. Mặc dù được các ngân hàng cùng “chăm sóc” rất cẩn thận, nhưng các doanh nghiệp này lại không vay. Còn doanh nghiệp chưa đủ điều kiện nhưng sẵn sàng vay, thậm chí với lãi suất cao, thì không ai dám làm hồ sơ cho vay”, vị cán bộ tín dụng nói.

Giám đốc tuyển dụng một ngân hàng thương mại cổ phần thừa nhận: “Nhân sự về công nghệ thông tin và tín dụng là ưu tiên tuyển dụng hàng đầu của ngân hàng hiện nay. Kinh tế khó khăn nên ngân hàng buộc phải cơ cấu lại bộ máy, dẫn đến dư thừa nhân sự, nhưng chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện, hỗ trợ nhân sự sẵn sàng thử sức với khối tín dụng”.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 6/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng năm nay thấp là do cầu về tín dụng yếu khi số đơn hàng của các doanh nghiệp giảm sút, người dân và các hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn sau ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Về nguồn cung tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng cung ứng tín dụng. Nhà điều hành đã thực hiện nhiều giải pháp, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các thủ tục cho vay vốn để có thể rút ngắn thời gian, hỗ trợ tốt hơn cho người dân, đồng thời đưa ra một số kiến nghị với các bộ, ngành liên quan để thực hiện các giải pháp cải thiện điều kiện tín dụng, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thống kê báo cáo tài chính của 28 ngân hàng cho thấy, tính đến 30/9/2023, tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 9,4 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Dù lãi suất huy động liên tục giảm, nhưng tổng lượng tiền gửi của khách hàng đạt xấp xỉ 9,3 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm.

Số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến thời điểm hiện tại đạt khoảng 8% so với cuối năm ngoái.

Mục tiêu 14%: Bất khả thi

Khả năng hấp thụ tín dụng của lĩnh vực bất động sản suy yếu là một trong những nguyên nhân chính tác động tới tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới đánh giá, tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam vẫn chậm, với mức tăng trong tháng 10 chỉ đạt 9,3% so với cùng kỳ và so với mức tăng 9,9% trong tháng 9. Con số này thấp hơn nhiều mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho cả năm (14%) và mức trước đại dịch Covid-19 (12 - 15%). Sự suy yếu kéo dài của khu vực đầu tư tư nhân và niềm tin của nhà đầu tư tiếp tục là yếu tố chính khiến tín dụng tăng trưởng chậm.

“Trong khi xuất khẩu đang dần phục hồi, tiêu dùng trong nước vẫn còn khá trầm lắng và tình trạng tín dụng tăng trưởng chậm tiếp tục phản ánh đầu tư tư nhân trong nước và niềm tin của nhà đầu tư còn yếu”, Ngân hàng Thế giới nhận xét.

Ông Đinh Quang Hinh, chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng, lãi suất cho vay sẽ duy trì xu hướng giảm cho đến cuối năm, nhờ chi phí huy động của các ngân hàng thương mại giảm nhanh trong thời gian gần đây, qua đó kích cầu tín dụng.

Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định: “Bối cảnh kinh tế hiện tại, hệ thống ngân hàng rất khó để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% và đồng nghĩa với đó, các thành viên trong hệ thống cũng khó hoàn thành chỉ tiêu được giao, trừ phi những khoản vay lớn được phê duyệt cấp tập trong những ngày cuối năm”.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán BSC cho biết, nhìn lại lịch sử từ năm 2016 đến nay (sau khi ngành ngân hàng có các quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về quản trị rủi ro như Thông tư số 41/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2014/TT-NHNN), xu hướng tín dụng tăng trưởng yếu ở các tháng đầu năm thường được theo sau bởi sự bứt tốc mạnh mẽ ở cuối năm. Với triển vọng nền kinh tế dần trở nên sáng hơn về cuối năm, BSC dự báo, tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 đạt khoảng 12%.

BSC kỳ vọng: “Tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế có thể cải thiện lên 13 - 14% nếu chính sách tiền tệ nới lỏng được duy trì, quy mô giải ngân đầu tư công gia tăng nhờ chi phí vốn và áp lực đáo hạn nợ Chính phủ của Việt Nam đều tương đối thấp và thị trường bất động sản dần ấm lên”.

Theo bà Trần Thị Hà My, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán Rồng Việt, tăng trưởng tín dụng hiện nay tương ứng với mức tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. Một điểm đáng chú ý trong định hướng của Chính phủ năm 2024 là phấn đấu mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, cao hơn mục tiêu 14 - 15% đặt ra cho năm 2023.

“Triển vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ tích cực hơn năm 2023, do mặt bằng lãi suất đã giảm là điều kiện cần, điều kiện đủ là sự phục hồi mạnh hơn của hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng, đáng lưu ý là tín dụng vay mua nhà”, bà My nhận định.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục