Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với tinh thần tập trung mọi điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế cũng như cơ hội thu hút sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư thế giới.
Thông báo nêu rõ, Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam là vùng kinh tế năng động nhất của cả nước, tiếp tục khẳng định được vai trò đầu tàu kinh tế, chiếm 45,4% GDP của cả nước. Giai đoạn 2011-2019, GRDP Vùng tăng 6,81%, đặc biệt trong những năm gần đây, GRDP của các tỉnh, thành phố thuộc Vùng đều tăng ở mức cao. Cơ cấu kinh tế của Vùng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có lợi thế so sánh, tạo ra tỷ lệ giá trị gia tăng cao.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế trong nước, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế do các hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, mà còn ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân. Vùng KTTĐ phía Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức kể từ khi bắt đầu giai đoạn đổi mới đến nay. Tốc độ tăng trưởng GRDP cả Vùng và tất cả các địa phương trong Vùng đều giảm mạnh. Hầu hết các chỉ số phát triển công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu ngân sách, phát triển doanh nghiệp… đều tăng chậm lại hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương và đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các tỉnh, thành phố Vùng KTTĐ phía Nam đã nỗ lực, chung sức, đồng lòng, tập trung thực hiện “mục tiêu kép” - vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống của nhân dân, đặc biệt đã quyết tâm giữ nguyên các chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đề ra.
Mặc dù có vị trí, tiềm năng lợi thế rất lớn, nhưng trong thời gian qua, Vùng KTTĐ phía Nam đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như xu hướng tăng trưởng chậm lại, kết cấu hạ tầng không đồng bộ và chậm cải thiện, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông; thiếu sự liên kết vùng; chất lượng phát triển đô thị còn thấp, bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng; môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế, đang là rào cản lớn cho sự phát triển bền vững của Vùng KTTĐ phía Nam.
Phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò đầu tàu phát triển của cả nước
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Vùng KTTĐ phía Nam phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐ phía Nam, các Bộ, cơ quan tập trung thực hiện một số nội dung định hướng.
Cụ thể, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có thể còn kéo dài và diễn biến khó lường, mặc dù đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, cần luôn đề cao cảnh giác, theo dõi sát tình hình, tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép”, nỗ lực cao nhất để tiếp tục hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề ra và coi đây là quyết tâm chính trị của địa phương mình để đóng góp vào kết quả chung của cả nước.
Vùng KTTĐ phía Nam tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa với vai trò là một cực tăng trưởng, đầu tàu phát triển của cả nước, đóng góp vào sự phát triển chung vì mục tiêu tạo nên một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Các tỉnh, thành phố trong Vùng phát huy tiềm năng, lợi thế, năng lực cạnh tranh, với phương châm hành động cụ thể, hiệu quả để Vùng KTTĐ phía Nam đi đầu trong phát triển các mô hình kinh tế hiện đại gắn với chính quyền điện tử, đô thị thông minh và trở thành vùng siêu đô thị, có quy mô hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong tương lai gần.
Đặc biệt, Vùng KTTĐ phía Nam cần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Tập trung mọi điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế cũng như cơ hội thu hút sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư thế giới. Chủ động, sáng tạo và quyết tâm, hành động cao nhất để Vùng KTTĐ phía Nam sớm hình thành các chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút các tập đoàn lớn về công nghệ trên thế giới, trở thành một trung tâm công nghệ, công xưởng chế tạo của khu vực và cả nước.
Nghiên cứu xây dựng Đề án về cơ chế đặc thù vùng
Về một số nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng Đề án về cơ chế đặc thù vùng, bao gồm cả vấn đề ngân sách cho Vùng KTTĐ, trong đó có Vùng KTTĐ phía Nam, đảm bảo tính toàn diện, phù hợp đặc trưng của Vùng KTTĐ, tạo điều kiện cho Vùng KTTĐ phía Nam tăng tốc, phát triển bền vững; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, khẩn trương xây dựng Đề án hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương để đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng, cấp bách của vùng KTTĐ phía Nam.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn cho vay dự án PPP trong lĩnh vực giao thông và các dự án hạ tầng quan trọng, cấp bách khác.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hướng dẫn sớm các địa phương trong Vùng rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương và Vùng, sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quy hoạch và pháp luật liên quan, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trong tháng 6 năm 2020.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, của vùng, của quốc gia nhằm đón nhận làn sóng đầu tư mới. Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, trong đó chủ động nghiên cứu, rà soát, và tổ chức lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch; phối hợp với các tỉnh, thành phố trong quá trình lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tổ công tác của Chính phủ về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài khẩn trương triển khai hoạt động, tăng cường cơ chế phối hợp, xử lý công việc; đảm bảo mọi điều kiện để kịp thời thu hút hiệu quả xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ có giá trị gia tăng cao. Triển khai các biện pháp phù hợp, tránh để xảy ra tình trạng doanh nghiệp trong nước bị lợi dụng thâu tóm thông qua mua, bán, sáp nhập và đổi tên; việc đầu tư phải chọn lọc, kiên quyết chống việc thu hút đầu tư các dự án công nghệ thấp, lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, những dự án có dấu hiệu núp bóng đầu tư để lẩn tránh xuất xứ, gian lận thương mại, giá trị gia tăng thấp (chủ yếu gia công, sử dụng lao động giá rẻ …). Đồng thời, coi trọng phát triển doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác của Việt Nam, có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước phát triển.
Về hạ tầng cơ sở, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, khẩn trương đề xuất lập Đề án chi tiết kết nối kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, lan tỏa, tạo liên kết vùng (các công trình kết nối khu công nghiệp, khu chế xuất, trục hướng tâm, vành đai, các đường kết nối cảng biển và hành lang vận tải quốc tế); giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai phát triển hạ tầng số hiện đại, ưu tiên triển khai hạ tầng mạng 5G trong các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung để triển khai các công nghệ số đổi mới sáng tạo mang tính đột phá; hướng dẫn các địa phương xây dựng, phát triển chính quyền số gắn liền với đô thị thông minh.
Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19; Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch bệnh; chỉ đạo đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.