Trong gần 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đã có trên 15.000 doanh nghiệp từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đến lập nghiệp tại Việt Nam. Phần lớn trong số này là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) với vốn đầu tư trung bình mỗi dự án 5- 6 triệu USD. Tuy nhiên, cũng đã có hàng ngàn doanh nghiệp thuộc các tập đoàn xuyên quốc gia (TNC) đầu tư vào các dự án quy mô lớn trong nhiều ngành và lĩnh vực kinh doanh.
Giai đoạn ba năm đầu (1988 - 1990), sau khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thông qua (29/12/1987), các dự án FDI đầu tiên đến Việt Nam theo luật này chủ yếu có quy mô nhỏ.
Đến năm 1998, đã có không ít TNC thực hiện những dự án lớn. Trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí có BP của Anh, Total của Pháp, BHP của Australia, Shell của Hà Lan. Trong ngành chế tạo ô tô, xe máy có Honda, Toyota của Nhật Bản, Ford của Mỹ, Mercedes - Benz của Đức. Trong lĩnh vực ngân hàng, đã có ANZ của Australia và New Zealand, Citibank của Mỹ, Tokyo - Mitsubishi của Nhật Bản xuất hiện. Trong ngành bảo hiểm có Dai-Ichi của Nhật Bản, Prudential của Anh là những tên tuổi đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam.
Từ năm 1999 đến năm 2004, do tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực, nên FDI vào Việt Nam giảm sút. Hàng năm, vốn thực hiện đạt khoảng 2 tỷ USD, chủ yếu là dự án quy mô nhỏ. Giai đoạn này hầu như không có thêm dự án của TNC nào.
Mãi tới năm 2006, với sự kiện tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới của Mỹ - Intel được cấp giấy phép đầu tư dự án 1,2 tỷ USD sản xuất chíp điện tử tại Khu công nghệ cao TP.HCM, hoạt động của nhiều TNC tại VIệt Nam được kích hoạt trở lại. Sau đó, Samsung, Nokia - Microsoft và Canon đã tới Bắc Ninh, LG đặt nhà máy Hải Phòng, Formosa tại Hà Tĩnh…
Điểm nổi bật nhất của tình hình kinh tế- xã hội của quý I/2016 là, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/4/4026, cả nước đã thu hút được 697 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký đạt 5,082 tỷ USD, tăng 55,6% về số dự án và tăng 89,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Đồng thời, có 314 lượt dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 1,8 tỷ USD.
Như vậy, tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, bao gồm cả vốn đăng ký mới và tăng thêm, đạt gần 6,887 triệu USD, tăng 85% so với cùng kỳ năm trước. Cùng xu hướng tích cực đó, vốn FDI thực hiện 4 tháng đầu năm ước đạt 4,7 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2015.
Tập đoàn Samsung điện tử Việt Nam (SEV) sau khi đưa vào hoạt động các nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên với vốn đầu tư trên 10 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 120.000 lao động, chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào năm 2015 (32,8 tỷ USD/ 162 tỷ USD) và góp phần quan trọng tái cơ cấu kinh tế của hai tỉnh này theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đang hoàn thành xây dựng để giữa năm nay đưa vào vận hành Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) với vốn đầu tư 2 tỷ USD sản xuất điện tử gia dụng như TV, máy lạnh, máy giặt để xuất khẩu và bán trên thị trường nội địa.
Tập đoàn này cũng đã được UBND TP. Hà Nội chấp thuận tiến hành dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển (R&D) vốn đầu tư 300 triệu USD tại 1uận Hoàng Mai, trên diện tích hàng héc - ta. Khi hoàn thành, Samsung sẽ chuyển 1.600 kỹ sư phần mềm đang làm việc tại Mỹ Đình về đây và trong tương lai gần sẽ tăng lên 4.000 người.
Tập đoàn LG đã đưa vào vận hành nhà máy sản xuất tivi, tủ lạnh, máy điều hòa… với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD tại Hải Phòng, vừa được sự chấp thuận của UBND Thành phố này với một dự án mới có vốn đầu tư 1,5 tỷ USD.
Có vẻ như các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang đua nhau tăng thêm vốn đầu tư tại Việt Nam khi quan hệ chính trị, kinh tế giữa hai nước đang ở vào trạng thái hợp tác chân thành và có hiệu quả. Tại cuộc gặp gần đây với Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, ông Kim Chang Kwon, Giám đốc điều hành Công ty phát triển tài sản Lotte cho biết: “Có lẽ Samsung là doanh nghiệp có mức đầu tư vào Việt Nam cao nhất hiện tại (11,3 tỷ USD), nhưng trong vòng 5 năm tới, Lotte cũng phấn đấu đạt được mức đầu tư như vậy”. Lotte hoạt động Việt Nam được hơn 15 năm, đã đầu tư khoảng 3 tỷ USD tại TP.HCM.
Những hãng sản xuất nổi tiếng thế giới như Microsoft, Nokia, Intel đã có nhà máy tại Việt Nam, đang mở rộng quy mô sản xuất, tăng kim ngạch xuất khẩu và xây dựng các trung tâm R&D. Gần đây, hãng sản xuất điện thoại thông minh đứng đầu thế giới – Apple (Mỹ) cũng đã công bố ý định đầu tư dự án quy mô 1 tỷ USD tại Việt Nam để xây dựng trung tâm R&D phục vụ các công đoạn nghiên cứu cho khu vực châu Á, mặc dù Apple hiện có trung tâm R&D tại Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản, chuẩn bị khai trương trung tâm mới tại Ấn Độ.
Ngày 12/4 vừa qua, Tập đoàn Alibaba và Lazada chính thức thông báo Alibaba đã đầu tư 1 tỷ USD vào Lazada Group có trụ sở tại Singapore. Theo đó, Alibaba bỏ ra 500 triệu USD vào các cổ phiếu mới phát hành của Lazada, thêm 500 triệu USD để mua lại cổ phần từ các cổ đông trong Lazada. Với thương vụ này, Alibaba đã tiến vào thị trường Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Việc Việt Nam thu hút được ngày càng nhiều TNC hàng đầu thế giới đã được dự báo từ những năm trước. Theo Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2014 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), dựa trên kết quả điều tra 164 TNC trên thế giới, Việt Nam xếp thứ 9 về mức độ hấp dẫn đầu tư, tăng 2 bậc so với năm 2013. Kết quả khảo sát khoảng 200 TNC là khách hàng của Hãng tư vấn Frontier Strategy Group (Mỹ) trong quý II/2014, Việt Nam là một trong 3 nước được các tập đoàn đa quốc gia của châu Âu và Mỹ quan tâm đầu tư nhiều nhất trong thời gian tới tại các thị trường mới nổi.
Việc nhiều TNC đầu tư vào công nghệ thông tin, xây dựng các trung tâm R&D là bước phát triển mới trong thu hút FDI của nước ta theo hướng chất lượng và hiệu quả hơn. Những nhà quản lý các tập đoàn lớn đã tìm thấy ở Việt Nam sự ổn định về chính trị, kinh tế, pháp luật bảo đảm an toàn cho các khoản đầu tư lâu dài của họ. Nhưng nhân tố chủ yếu là họ đánh giá chất lượng nguồn nhân lực - con người Việt Nam thích ứng với các ngành công nghệ, dịch vụ tương lai, đòi hỏi tính sáng tạo, ý tưởng mới, năng động trong tư duy và hành động.
Đây là tín hiệu tích cực khi Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp), đang hướng đến mục tiêu cao hơn. Do đó, tài nguyên quý giá và quan trọng nhất của đất nước để tiến cùng thời đại chính là trí tuệ, sức sáng tạo của người Việt Nam dù rằng, nước ta vẫn phải coi trọng khai thác nguồn nhân lực dồi dào với chi phí nhân công tương đối thấp hơn một số nước trong khu vực..
Các TNC đóng vai trò chi phối hệ thống sản xuất, phân phối và sử dụng nguồn lực trên phạm vi thế giới. Ngày nay, hàng vạn TNC mới xuất hiện do sự gia nhập lớn lên của những TNC từ các nền kinh tế mới nổi.
Khoảng 3.000 TNC hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, ô tô, truyền thông, hàng không, điện tử…, có chi nhánh ở nhiều nước trên thế giới, thực hiện nghiên cứu ở một nước, sản xuất các linh kiện ở nhiều nước và tạo ra sản phẩm cuối cùng ở một nước, bán hàng hóa sang các nước khác.
Khi đánh giá về TNC, các tác giả của cuốn “Toàn cầu hóa - chuyển đổi và phát triển, tiếp cận đa chiều” (Nhà xuất bản Thế giới, 2005, tr.461) đã viết: “Vượt lên những giới hạn không gian và thời gian, ngôn ngữ và phong tục, chúng thực hiện chức năng mới là những dòng chảy toàn cầu phức tạp, hoặc những mạng lưới tích hợp của con người, tiền tệ, thông tin, nguyên liệu thô, những chu trình sản phẩm”.
Giám đốc Viện Quan sát thế giới Lester Grown cũng nhận xét: “Đã có lần người ta nói mặt trời không bao giờ lặn trên Đế quốc Anh. Ngày nay, mặt trời lặn trên đất nước Anh nhưng không lặn trên hàng chục đế quốc công ty toàn cầu bao gồm các đế quốc IBM, Unilever, Volkswagen và Hitachi” (Alvin Toffler: Đợt sóng thứ ba, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, tr.531).
TNC là một thực thể có đủ sức mạnh vượt ra ngoài khung khổ từng quốc gia, đóng vai trò quyết định trong hoạt động đầu tư và kinh doanh trên phạm vi toàn cầu. Các TNC của mỗi nước vừa chịu tác động của Chính phủ nước đó về quan hệ chính trị với một nước khác, nhưng cũng có khi vì lợi ích riêng, đã không tuân theo sự chỉ đạo của Chính phủ.
Nhiều TNC của Mỹ đã vi phạm quy định của Chính phủ Mỹ về việc tẩy chay một số nước Ả Rập; các TNC dầu mỏ cung ứng cho các nước dựa theo mối quan tâm của họ, chứ không theo Chính phủ. “Với sự xuất hiện hàng trăm các công ty đa quốc gia dân tộc hay toàn cầu, cách tổ chức này của thế giới ra thành những thực thể chính trị loại trừ nhau, hiện đang bị một mạng lưới các thể chế kinh tế trùm lên” (Alvin Toffler: sách đã dẫn, tr. 533).
Để thu hút có hiệu quả và chất lượng hơn FDI của TNCs, cần lưu ý 4 vấn đề sau đây:
1. Chiến lược toàn cầu về đầu tư và thương mại của từng TNC và việc điều chỉnh chiến lược để thích ứng với trạng thái của kinh tế thế giới và các quốc gia. Có thể tiếp cận được các chiến lược đó từ nhiều nguồn thông tin: website của TNC, báo cáo hàng năm, trao đổi trực tiếp…; từ đó chủ động trong đàm phán và xử lý các vấn đề liên quan đến FDI của từng TNC tại Việt Nam.
2. Khi TNC đã quyết định đầu tư thì dự án sẽ được thực hiện với tiến độ khá nhanh. Samsung là một điển hình. Nhà máy Thái Nguyên với vốn đầu tư 3 tỷ USD được xây dựng trong khoảng 1 năm kể từ khi nhận được Giấy chứng nhận đầu tư. Trong điều kiện có biến động chính trị hoặc khủng hoảng kinh tế, TNC có thể giãn tiến độ thực hiện, ít trường hợp ngừng hoạt động hẳn như dự án FDI của các công ty vừa và nhỏ.
3. Công khai, minh bạch về luật pháp, giảm thiểu thời gian tiến hành các thủ tục hành chính, chi phí cơ hội là đòi hỏi có tính nguyên tắc của TNC thuộc tổ chức OECD khi đầu tư vào một quốc gia. Chi phí bôi trơn, tham nhũng là những tệ nạn không được chấp nhận đối với TNC, nhất là TNC của Mỹ và châu Âu.
4) Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà Việt Nam đã cam kết trong nhiều hiệp định liên quan đến đầu tư, sắp tới là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với những quy định khắt khe, cao hơn và phạm vi rộng hơn là vấn đề nổi lên trong thu hút FDI từ TNC. Bởi vì, đây là ưu thế nổi trội của họ khi đầu tư vào các quốc gia khác, trong khi tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, làm hàng giả, hàng nhái đang là vấn nạn ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Với những tín hiệu tích cực, cộng thêm việc Việt Nam đang và sẽ thực hiện nhiều hiệp định mới về đầu tư và thương mại, thì lực hấp dẫn sẽ lớn hơn đối với FDI, nhất là từ các TNC hàng đầu thế giới.
Trả lời phỏng vấn của báo chí Việt Nam, Tổng giám đốc McKinsey & Company Vietnam, ông Marco Breu đã nhận định: “Trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư lớn của Mỹ đã quan tâm đến cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, họ cũng còn cân nhắc vì họ cũng đứng trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc với khoảng cách địa lý gần hơn, nhiều điểm tương đồng về văn hóa hơn giữa các nước này với Việt Nam. Nhưng rõ ràng, sự quan tâm của các nhà đầu tư Mỹ đối với Việt Nam là không thể phủ nhận”.
Cơ hội mới đòi hỏi cải cách mạnh mẽ và nhanh chóng hơn từ thể chế, luật pháp cho đến bộ máy và công chức nhà nước.
Câu chuyện TP. Đà Nẵng liên tục dẫn đầu các địa phương trong cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhưng lại chưa có dự án FDI lớn có vẻ là nghịch lý. Từ đó càng thấy rằng, nếu không có cách tiếp cận đúng trong việc đo lường các chỉ tiêu sát với thực tiễn, thì những chỉ số có vẻ hào nhoáng như PCI đã che lấp thực trạng của thành phố một thời đã được coi là “đáng sống” này.
Hãy nghe tiếng nói của một người trong cuộc, ông Trương Hào, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng sẽ hiểu vì sao, Đà Nẵng có “môi trường đầu tư tốt, PCI tốt”, nhưng không hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Ông chỉ ra “đó là vấn đề con người. Có những người nói thì nghe có vẻ thông thoáng, nhưng thực ra họ cực kỳ khó khăn với nhà đầu tư. Tôi nhớ có lần thầy của ông Trần Văn Minh (nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng) dẫn đoàn các nhà đầu tư Nhật Bản từ TP.HCM ra Đà Nẵng, khi tới văn phòng một ban nọ mà tôi chưa tiện nêu tên, vì trễ 15 phút nên đã bị đuổi về. Và nhìn chung, ban đó lâu nay rất khó khăn. Không biết họ nghĩ thế nào nhưng tôi thấy kinh lắm” (!)
Câu chuyện liên quan đến TP. Đà Nẵng mà tác giả kể ra trong bài viết này vì muốn chia sẻ với lãnh đạo Thành phố về thực trạng đáng buồn khi một số công chức và cơ quan của địa phương vẫn “hành là chính” đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nếu không khắc phục bằng những giải pháp cải cách mạnh mẽ và nhanh chóng, thì từ một thành phố có đủ lợi thế, từ cảng hàng không quốc tế, cảng biển, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực chất lượng cao, chỉ kém Hà Nội và TP.HCM, Đà Nẵng sẽ có nguy cơ tụt hậu trong cuộc đua giữa các địa phương trong cả nước hướng đến các nấc thang cao hơn của quá trình phát triển.
Để thu hút FDI từ TNC cũng cần đổi mới cách làm từ xúc tiến đầu tư đến thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư, triển khai dự án và hổ trợ nhà đầu tư khi gặp khó khăn.
Hoạt động xúc tiến đầu tư cần hướng đến từng tập đoàn kinh tế với việc trao đổi thông tin cập nhật để giải đáp những vấn đề họ cần được làm rõ trước khi quyết định đầu tư. Khi lãnh đạo tỉnh, thành phố làm việc với chủ tịch, CEO tập đoàn, thì nên có bản ghi nhớ để giao cho các cơ quan chức năng thực hiện những cam kết với nhà đầu tư.
Kinh nghiệm thành công được rút ra từ việc Intel lựa chọn Việt Nam để thực hiện dự án là cần có sự chỉ đạo tập trung của người có quyền lực cao nhất ở địa phương để giải quyết thỏa đáng những đòi hỏi chính đáng của nhà đầu tư, không nên bắt họ chờ đợi ý kiến của các cơ quan khác nhau ở từng tỉnh, thành phố.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và nguyên Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã quyết định lập “Tổ đặc nhiệm của Thủ tướng” để đàm phán với lãnh đạo Intel, trực tiếp xử lý các vấn đề do họ kiến nghị thông qua tư vấn của Tổ đặc nhiệm.
Thành công của nhiều địa phương trong việc thu hút FDI trong những năm gần đây như Bắc Ninh, Thái Nguyên cũng khẳng định vai trò của bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh trong việc tiếp xúc với chủ tịch, CEO của Samsung, Nokia - Microsoft, Canon, bảo đảm thực hiện đúng các cam kết trong các cuộc gặp cấp cao, tạo lòng tin cho nhà đầu tư. Do đó, các doanh nghiệp này đã tăng nhanh vốn đầu tư, đem lại lợi nhuận nhiều hơn cho họ, đồng thời đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Những mục tiêu kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội quyết định tại phiên họp vừa qua, đòi hỏi phải đẩy nhanh công cuộc tái cơ cấu kinh tế theo mô hình tăng trưởng hiệu quả, bền vững và kinh tế xanh. Do đó, cùng với việc tạo lập môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, để kích thích phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng doanh nghiệp trong nước, cần đồng thời thu hút nhiều hơn và có hiệu quả, chất lượng hơn vốn đầu tư quốc tế, nhất là từ các TNC hàng đầu thế giới.