Tại Hội nghị Phát triển nguồn nguyên liệu 2017 do Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Đa Quốc gia (IDI), một thành viên của Tập đoàn Sao Mai tổ chức vào sáng nay (7/4), ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long cần nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng và giá cả hợp lý cho nuôi trồng thủy sản xuất khẩu.
Trong hơn 10 năm qua, tính đến nay đã có 70 hộ liên kết với Tập đoàn Sao Mai, tổng diện tích nuôi trên 120 ha, sản lượng khoảng 200 hầm, cung cấp sản lượng gần 50.000 tấn cá, đáp ứng 3/4 nguồn nguyên liệu cho nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu của Tập đoàn.
Để khép kín chuỗi sản xuất cá tra, từ năm 2015, Sao Mai đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến thức ăn thủy sản có công suất 360.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư trên 800 tỷ đồng, trang thiết bị hiện đại chủ yếu nhập khẩu từ châu Âu. Dự kiến tháng 6 tới sẽ đi vào hoạt động.
Ông Ngô Quang Tuyến, chủ hộ nuối cá tra quận Ô Môn, TP. Cần Thơ cho biết, chính nhờ sự liên kết chặt chẽ với Tập đoàn Sao Mai, mà 10 năm qua ông luôn cung cấp 1.300 tấn cá/năm cho Tập đoàn, trong khi nhiều bạn bè, hộ nuôi cá tra kề cận ông đã treo ao từ lâu.
Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Tập Đoàn Sao Mai phát biểu tại hội nghị
Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Tập Đoàn Sao Mai chia sẻ: Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản Sao Mai ra đời trong thời điểm thị trường xuất khẩu có nhiều khởi sắc, đó là tín hiệu vui cho nhà đầu tư. Ông Thuấn bày tỏ nguyện vọng thời gian tới sẽ cho ra đời thêm nhà máy thức ăn, viện nghiên cứu sản xuất giống cá tra chất lượng, để đưa ngành cá tra Việt Nam trở thành ngành xuất khẩu chủ lực, góp phần vào khai thác tiềm năng vùng Đông bằng sông Cửu Long, tăng thu nhập và phát triển kinh tế xã hội trong vùng.