Tập đoàn Nhật Bản muốn đầu tư một loạt khu công nghiệp tại Việt Nam

Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, ông Hideaki Kato, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) đã không ngần ngại chia sẻ kế hoạch mở thêm 3 - 4 khu công nghiệp (KCN) nữa ở Việt Nam, sau khi đã thành công với hai KCN Long Đức và Long Bình.

“Chúng tôi quan tâm xu hướng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghệ cao của Nhật Bản và sẽ cố gắng cung cấp những dịch vụ tốt nhất cho các công ty này”, ông Kato nói.

Không chỉ Sojitz, nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những nhà đầu tư hiện đã đầu tư hạ tầng KCN ở Việt Nam, đang quan tâm xây dựng thêm KCN ở Việt Nam, nhằm đón đầu dòng vốn FDI đang dịch chuyển vào Việt Nam.

Một nhà đầu tư “đồng hương” với Sojitz là Sumitomo mới đây cũng đã tới Vĩnh Phúc để tìm kiếm cơ hội đầu tư một KCN ở tỉnh này, sau khi đã có hai KCN Thăng Long I và II ở Hà Nội và Hưng Yên.

Theo thông tin từ Sumitomo, chỉ riêng KCN Thăng Long II giai đoạn I hiện đã thu hút được 42 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 1,3 tỷ USD. Sau thành công của KCN này, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên thậm chí cũng đã đề nghị Sumitomo đầu tư thêm các KCN khác ở tỉnh này. Cũng tại Vĩnh Phúc, tuần trước, Công ty Daishinto Inc (Nhật Bản) cũng đã đề xuất việc xây dựng một KCN dành riêng cho nhà đầu tư Nhật Bản tại KCN Bá Thiện II (Vĩnh Phúc).

Đầu năm nay, Dự án Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ Việt Nam - Singapore Hải Phòng (VSIP Hải Phòng) đã nhận chứng nhận đầu tư điều chỉnh để nâng vốn đầu tư từ 145,9 triệu USD lên 268,2 triệu USD.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, VSIP hiện là một trong những nhà đầu tư hạ tầng KCN thuộc diện thành công nhất ở Việt Nam hiện nay. Ngoài hai KCN ở Bình Dương, VSIP đã xây dựng các VSIP khác ở Bắc Ninh, Hải Phòng và đang trong quá trình triển khai VSIP Quảng Ngãi.

Đầu năm 2014, BECAMEX (Bình Dương), đối tác Việt Nam trong liên doanh với VSIP cũng đã ký biên bản ghi nhớ về việc triển khai xây dựng một KCN, đô thị ở Nghệ An. Tuy mới có BECAMEX ra mặt, song nhiều thông tin cho rằng, dự án này sẽ do liên doanh VSIP thực hiện, chứ không chỉ riêng BECAMEX.

Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc tới mối quan tâm của Tập đoàn Amata (Thái Lan) đối với dự án lên tới 2 tỷ USD ở Quảng Ninh, sau khi thành công với KCN Amata ở Đồng Nai. Chưa kể, Ren A Port (Bỉ) cũng đang muốn đầu tư KCN Đầm nhà Mạc ở tỉnh này.

Việc các nhà đầu tư nước ngoài không ngừng bày tỏ mối quan tâm đến việc đầu tư hạ tầng các KCN được cho là xuất phát từ việc Việt Nam hiện vẫn là một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Đặc biệt, trong xu hướng dịch chuyển đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam là một trong những lựa chọn đầu tiên. Và thông thường, các nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam, sẽ chọn các KCN làm địa điểm xây dựng nhà máy.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong năm 2013, có 5 KCN mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng diện tích tăng thêm là 1.578 ha; 3 KCN được điều chỉnh tăng diện tích (1.015 ha) và 5 KCN do hoạt động không đúng tiến độ đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư (2.243 ha).

Lũy kế đến nay, cả nước có 289 KCN, với tổng diện tích đất tự nhiên 81.000 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt hơn 52.800 ha.                

Nguyên Đức(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục