Tập đoàn Liên Việt, SSI, Hưng Thịnh.... "nhòm ngó" Sabeco

Công ty cổ phần Tập đoàn Liên Việt, Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Ánh Dương, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình, Công ty Hưng Thịnh Diamond hay Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn là những cái tên đang muốn trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco.
Sabeco đang được nhiều ông lớn trong ngành nhòm ngó Sabeco đang được nhiều ông lớn trong ngành nhòm ngó

Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, Bộ Công thương đã có tờ trình chính thức tới Chính phủ về việc bán tiếp phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) xuống còn 36% vốn điều lệ.

Có hai phương án được Bộ Công thương đưa ra. Đó là bán luôn một lần để giảm vốn nhà nước từ 89,59% hiện nay xuống còn 36% vốn điều lệ. Trong phương án thứ hai, vốn nhà nước tại Sabeco sẽ được bán làm 2 đợt, đợt 1 bán 40% và đợt 2 bán tiếp để còn lại 36% vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong kiến nghị của mình, Bộ Công thương chọn phương án 1. Hiện đề xuất này của Bộ Công thương đang được lấy ý kiến của các cơ quan liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Như vậy, khi chọn phương án đấu giá công khai với giá khởi điểm là mức giá đấu thành công bình quân trong lần IPO vào năm 2008 là hơn 7 chấm và bán luôn 1 lần vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ 89,59% xuống mức 36%, Nhà nước có thể thu về ít nhất 24.000 tỷ đồng. Xét về giá trị, con số tương đương 1,1 tỷ USD này không phải là lớn với các đối tác nước ngoài đang quan tâm tới Sabeco.

Được biết, hàng loạt ông lớn trong ngành bia như Tập đoàn Asahi (Nhật Bản), Heineken (Hà Lan), SAB Miller (Hoa Kỳ) và mới đây nhất là Thaibev (Thái Lan) đã bày tỏ sự quan tâm trong việc mua cổ phần của Sabeco. Tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, chủ của Tập đoàn Thaibev từng tuyên bố với báo chí quốc tế việc định giá Sabeco khoảng 2,4 tỷ USD và bày tỏ mong muốn có mặt trong các cổ đông của Sabeco thông qua việc nắm giữ 40% cổ phần tại đây.

Đại diện một hãng bia lớn khác của thế giới, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, cũng nhìn nhận thương hiệu Sabeco được đánh giá không dưới 3 tỷ USD. Hãng này cũng cho hay, sẵn sàng mua cổ phần của Sabeco với giá 90.000 đồng/cổ phiếu và nắm tối thiểu 20% vốn điều lệ để trở thành cổ đông chiến lược.

Dù vậy, Sabeco chưa chắc đã “được gả” cho các “chú rể” ngoại, nếu các ràng buộc về điều kiện trở thành cổ đông chiến lược được đưa ra. Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, để trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco, nhà đầu tư phải thỏa mãn một số tiêu chí như có lợi ích chiến lược phù hợp với chiến lược phát triển của Sabeco, đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu và nước giải khát tại Sabeco…

Không chỉ nâng cao công nghệ, tiếp thị bán hàng, mở rộng thị trường, mà với Sabeco, yếu tố quản lý dòng tiền trong sản xuất, kinh doanh, hay giải pháp thích hợp cho các bất động sản đang quản lý và sử dụng cũng được chú trọng trong quá trình chọn đối tác chiến lược.

Trong trường hợp chọn nhà đầu tư nội địa là đối tác chiến lược, thì Sabeco chắc chắn sẽ phải tìm nhiều hơn 1 đối tác, bởi con số 24.000 tỷ đồng không phải là nhỏ với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Và điều cũng được nhiều người quan tâm là cơ quan chức năng có ràng buộc gì với cổ đông chiến lược (như yêu cầu không được bán cổ phần đã mua trong 3-5 năm) không?

Với thực tế một số đối tác ngoại thực sự muốn mua cổ phần tại Sabeco và có thể trả giá cao hơn, nếu không có ràng buộc từ đầu, người hưởng lợi lớn sẽ là các cổ đông được gọi là “chiến lược” từ trong nước. Khi đó, mục tiêu không bán cho các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Sabeco sẽ bị vô hiệu hóa hoàn toàn trước những khoản lợi nhuận khổng lồ có thể lên tới cả nghìn tỷ đồng mà lẽ ra phải chảy vào ngân sách nhà nước.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục