Tập đoàn kinh tế nhà nước phải được chuyển thành công ty đại chúng

(ĐTCK) Theo PGS. TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, cần chuyển nhanh và bắt buộc các tâp đoàn kinh tế nhà nước sang hoạt động dưới hình thức công ty đại chúng.
Tập đoàn kinh tế nhà nước phải được chuyển thành công ty đại chúng

Trước hết, có thể khẳng định, Tập đoàn kinh tế (TĐKT) là một cơ cấu sở hữu được tổ chức thành hệ thống với quy mô lớn, vừa có chức năng sản xuất - kinh doanh, vừa có chức năng liên kết kinh tế thông qua hoạt động trên nhiều ngành, nhiều lĩnh vực ở nhiều vùng lãnh thổ khác nhau. Sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng của Việt Nam đòi hỏi phải có những tập đoàn kinh tế mạnh, giữ vai trò chủ đạo và điều tiết một số lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế để hạn chế sự thao túng và chi phối của nhiều công ty đa quốc gia và các tập đoàn kinh tế tư bản quốc tế xâm nhập vào Việt Nam khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Hoạt động kém hiệu quả

Tuy nhiên, trên thực tế, còn nhiều hạn chế, thiếu sót trong các chính sách, pháp luật đã ban hành liên quan đến các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, dẫn đến những tồn tại, yếu kém trong tổ chức quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại các doanh nghiệp này. Một số lượng không nhỏ tập đoàn, tổng công ty sản xuất - kinh doanh đạt hiệu quả thấp, chưa phát huy tốt vai trò chủ lực trong nền kinh tế, chưa tương xứng với những lợi thế và sự đầu tư của Nhà nước. Một số làm ăn thua lỗ kéo dài và lâm vào tình trạng phá sản. Nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư dàn trải, không tập trung vào ngành kinh doanh chính, đầu tư vào những lĩnh vực nhạy cảm, rủi ro và không thuộc thế mạnh của mình như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng...

Tập đoàn kinh tế nhà nước phải được chuyển thành công ty đại chúng ảnh 1

PGS. TS Đặng Văn Thanh

Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

Tình trạng hoạt động kém hiệu quả, đầu tư dàn trải, nợ nần chồng chất của một số TĐKT đã được phát hiện và báo động từ nhiều năm nay. Chúng ta đã mắc sai lầm chủ quan, duy ý chí, nóng vội và áp đặt để phát triển nhanh, rộng nhiều TĐKT khi các tập đoàn đó chưa hội đủ những yếu tố cơ bản để hình thành nên một tập đoàn như: tài chính, nhân lực, sản phẩm, công nghệ, uy tín, quản lý. Đến nay, chúng ta vẫn chưa công bố đề án thí điểm mô hình TĐKT theo những tiêu chí khoa học: được quản lý thế nào; nhân sự được lựa chọn theo tiêu chí gì; vấn đề độc quyền, vị thế thống lĩnh thị trường được xử lý ra sao...

Trên thực tế, Quốc hội đã ban hành Luật Doanh nghiệp, nhưng chưa quy định đầy đủ về TĐKT, chỉ có đôi điều quy định về nhóm doanh nghiệp. Chưa có quy định cụ thể về đại diện chủ sở hữu đích thực của doanh nghiệp, của TĐKT; chưa có quy định cụ thể về việc thành lập, tổ chức, hoạt động của tập đoàn theo Luật Doanh nghiệp. Vì vậy, trong quá trình hoạt động, TĐKT đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc như quản lý trong nội bộ tập đoàn, quản lý nhà nước đối với tập đoàn, thực hiện quyền chủ sở hữu đối với tập đoàn, cơ chế hoạt động, kinh doanh đa ngành... Nhiều quy định trong nội bộ tập đoàn đều phải xây dựng trên cơ sở vận dụng thêm các quy định khác ngoài Luật Doanh nghiệp.

 

Lành mạnh hóa tài chính

Để lành mạnh hóa tài chính TĐKT, trước hết cần có quy định pháp lý về nghĩa vụ và quyền của đại diện chủ sở hữu trong việc huy động, tổ chức và sử dụng nguồn lực cho hoạt động kinh doanh. Thực hiện triệt để hơn việc tách chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước; tách bạch quyền chủ sở hữu với quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp; tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Hoàn thiện cơ chế phân cấp việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước theo nguyên tắc có một đầu mối chịu trách nhiệm chính, thực hiện nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước và phân tích, đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, kể cả các tập đoàn, tổng công ty đặc biệt.

Tập đoàn kinh tế nhà nước phải được chuyển thành công ty đại chúng ảnh 2

Tình trạng hoạt động kém hiệu quả, nợ nần chồng chất của một số TĐKT đã được phát hiện và báo động từ nhiều năm nay

Chấn chỉnh hoạt động đầu tư tràn lan ở một số đơn vị, nhất là các đơn vị sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro khi không có bộ máy, nhân lực thích hợp, gây thất thoát vốn hoặc sử dụng vốn không hiệu quả. Có giải pháp xử lý triệt để tình trạng nợ dây dưa, nợ chiếm dụng không lành mạnh trong nền kinh tế đang gây trở ngại nghiêm trọng cho nhiều doanh nghiệp.

Kiên quyết xử lý sớm, dứt điểm (nếu cần có thể cho phá sản để tổ chức lại) các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, không để tình trạng vốn đầu tư của Nhà nước tiếp tục bị thất thoát. Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp cổ phần hóa.

 

Chuyển hình thức hoạt động

Cần chuyển nhanh và bắt buộc các TĐKT nhà nước sang hoạt động dưới hình thức công ty đại chúng. Tình hình và kết quả hoạt động của tập đoàn và các thành viên, thực trạng tài chính của tập đoàn phải được công khai và chịu sự kiểm soát không chỉ của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu mà cả của nhân dân, những người chủ đích thực.

Xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát đủ năng lực và điều kiện về quản lý vốn, tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty song song với việc tăng tính trách nhiệm của cơ quan quản lý; quy định rõ trách nhiệm của hội đồng quản trị, tổng giám đốc về hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Xây dựng các tiêu chí mang tính bắt buộc đối với các TĐKT, như tỷ suất lợi nhuận trên đồng vốn cần phải đạt; tốc độ tăng năng suất lao động; tỷ lệ giảm tiêu hao năng lượng và nguyên vật liệu; các sáng chế, phát minh; việc bảo vệ môi trường… và cần được đánh giá thường xuyên, công khai.

 

Thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ

Các TĐKT cần thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ để đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả của hệ thống, bao gồm các quy trình nghiệp vụ và vấn đề phân cấp, bố trí nhân sự. Thực hiện nghiêm các quy trình, thủ tục giám sát, tuân thủ nguyên tắc bất kiêm nhiệm.

Bộ Tài chính cần khôi phục lại chế độ kiểm toán nội bộ đã ban hành theo quyết định 832/TC-QĐ từ năm 1997 (đã không được triển khai dầy đủ và đúng mức). Trong mỗi TĐKT cần tạo lập lại 3 vòng bảo vệ theo nguyên tắc tổ chức và quản trị tài chính công ty.

Thiết lập và duy trì ngay trong nội bộ tập đoàn các quy trình thủ tục. Đề cao vai trò và trách nhiệm quản trị, kiểm soát rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Cần nhận dạng, phát hiện và hạn chế tối đa các rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát trong chính bộ máy quản lý, trong từng quy trình nghiệp vụ. Kết hợp quản trị tiên tiến, hiện đại với chính  những quy trình thủ tục và kỷ luật trong quản lý đã rất có nề nếp từ những năm 60 của thế kỷ trước trong cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa tập trung.

Thiết lập hệ thống kiểm toán nội bộ trong mỗi tập đoàn, trong từng công ty. Kiểm toán nội bộ sẽ nâng cao độ tin cậy của thông tin tài chính và quan trọng hơn là phát hiện kịp thời những tồn tại trong kinh doanh của tập đoàn để giúp công ty mẹ nhanh chóng đưa ra các quyết định điều chỉnh hoạt động phù hợp với yêu cầu thị trường, phát hiện và khai thác triệt để các tiềm năng của các công ty con, đưa ra các quyết định tài chính đúng đắn, đạt hiệu quả cao.

PGS. TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam
PGS. TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

Tin cùng chuyên mục