Tập đoàn Hòa Bình (HBC): Khó khăn bủa vây

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu chỉ được giao dịch trong phiên chiều, khó khăn tiếp tục bủa vây Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC).
Tình trạng nợ đọng khiến các nhà thầu xây dựng như Hòa Bình càng làm càng lỗ. Tình trạng nợ đọng khiến các nhà thầu xây dựng như Hòa Bình càng làm càng lỗ.

Chưa ra được báo cáo kiểm toán 2022

Ngày 16/5/2023, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã có quyết định chuyển cổ phiếu HBC từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 23/5/2023. Lý do là Công ty chậm nộp báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 quá 45 ngày so với quy định. Kể từ ngày 23/5/2023, cổ phiếu HBC chỉ được giao dịch trong phiên chiều của ngày giao dịch.

Lãnh đạo Tập đoàn Hòa Bình cho biết, việc chậm công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 do thời gian qua công tác quản trị nội bộ của Tập đoàn phát sinh một số vấn đề. Bên cạnh đó, tình hình thị trường bất động sản và tài chính biến động, hàng loạt công trình phải ngưng thi công dẫn đến việc xác nhận khối lượng, giá trị hoàn thành từ chủ đầu tư gặp khó khăn, ảnh hưởng đến vấn đề thanh, quyết toán.

Hòa Bình cho biết đang tập trung toàn lực để giải quyết các vấn đề trên. Về hướng giải quyết, Hòa Bình cho biết sẽ công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán 2022 chậm nhất vào ngày 30/5/2023. Đồng thời, Công ty sẽ công bố Báo cáo thường niên 2022 theo quy định.

Ngoài ra, Hòa Bình khẳng định, trong năm 2024, Công ty sẽ nghiêm chỉnh chấp hành quy định về việc công bố báo cáo tài chính 2023 đúng thời hạn.

Cạn tiền mặt, khó khăn bủa vây

Năm 2022, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Bình (HBC) gây chú ý với nội chiến ở nhân sự cấp cao. Sự việc bắt đầu từ ngày 14/12/2023 khi Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Bình công bố hai nghị quyết thông qua việc chấp thuận đơn xin từ nhiệm của Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Viết Hải, đồng thời TS. Nguyễn Công Phú được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kể từ ngày 1/1/2023. Ngay sau đó là những ngày tranh giành quyền lực giữa nhóm ông Nguyễn Công Phú và nhóm ông Lê Viết Hải - nhà sáng lập Tập đoàn.

Đến ngày 27/2/2023, Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã thông báo nghị quyết chính thức hủy các nghị quyết 50, 51, 53 ban hành vào các ngày 14/12/2022 và 31/12/2022. Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Bình cũng thông qua việc rút đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và tư cách thành viên của ông Lê Viết Hải. Nội chiến tại Hòa Bình kết thúc khi ông Nguyễn Công Phú thông báo từ nhiệm.

Mâu thuẫn nội bộ của Hòa Bình diễn ra trong bối cảnh Công ty đối mặt với nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản đóng băng, khó khăn về pháp lý và tài chính khiến các chủ đầu tư tạm dừng phát triển dự án mới. Nhà thầu vì thế cũng “đói” việc làm.

Hậu nội chiến, Hòa Bình đặt kế hoạch lãi 125 tỷ đồng trong năm 2023, trong khi năm ngoái, tập đoàn này thua lỗ 1.140 tỷ đồng. Mục tiêu doanh thu là 12.500 tỷ đồng, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quý I/2023, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình báo lỗ 444 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bối cảnh chung của thị trường xây dựng hiện không ủng hộ cho tham vọng này. Theo Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), tình trạng nợ đọng diễn biến trầm trọng hơn, các nhà thầu xây dựng rơi vào trạng thái “càng làm càng lỗ”, dự án bị đình trệ nhưng vẫn phải chịu nghĩa vụ lãi vay, trả lương nhân công, khấu hao máy móc… Thực tế, quý I, Hòa Bình ghi nhận doanh thu giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 1.194 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế âm 444 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý I/2023 của Tập đoàn Hòa Bình cho thấy, tại ngày 31/3/2023, nợ phải trả của Công ty lên tới 13.503 tỷ đồng, chiếm đến 86% tổng tài sản và gấp hơn 6 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm đến 90% tổng nợ phải trả. Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hòa Bình từng trải lòng, Tập đoàn sẵn sàng trả nợ cho nhà thầu phụ nhưng không có tiền mặt và đề nghị nhà thầu phụ xem xét việc thanh toán bằng bất động sản - do Hòa Bình đã nhận để cấn trừ nợ với khách hàng. Hòa Bình cũng đưa ra một danh sách thiết bị xây dựng tồn kho để nhà thầu cân nhắc đối trừ công nợ theo giá phù hợp được hai bên thống nhất.

Nguồn tiền mặt của Công ty giảm mạnh, tổng lượng tiền và các khoản tương đương tiền của Hòa Bình tính đến hết quý I/2023 là 208 tỷ đồng, chưa bằng một nửa cùng kỳ năm ngoái.

Trong lịch sử 35 năm hình thành, phát triển của Hòa Bình, Chủ tịch Lê Viết Hải thừa nhận, chưa khi nào Tập đoàn gặp khó khăn như bây giờ. Các chính sách về hạn mức tín dụng của Nhà nước còn bị thắt chặt nên Công ty chưa đáp ứng được yêu cầu dòng tiền trong ngắn hạn. Hòa Bình đang tiếp tục thu hồi công nợ và cơ cấu lại nguồn vốn, tìm cách bù đắp các thiếu hụt về tài chính khi nguồn vay từ các ngân hàng chưa kịp đáp ứng đủ dòng tiền.

Với kết quả kinh doanh quý I tiêu cực, những vấn đề nội tại doanh nghiệp và bối cảnh thị trường đầy khó khăn, nhà đầu tư đặt dấu hỏi về tính khả thi của kế hoạch lãi 125 tỷ đồng trong năm nay.

Đầu tư công đang là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, với các công trình được đốc thúc tiến độ từ Bắc vào Nam. Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công lớn tạo ra nguồn công việc lớn cho các nhà thầu. Hòa Bình cũng nằm trong số các nhà thầu tên tuổi được kỳ vọng được hưởng lợi từ đòn bẩy đầu tư công.

“Tuy nhiên, giá vật liệu xây dựng biến động mạnh có thể tác động đến chi phí thực hiện dự án, có nguy cơ vượt quá dự toán. Nhiều nhà thầu chưa giải quyết được nợ tồn đọng với các nhà cung cấp vật liệu xây dựng, nợ lương nhân viên… Lãi suất neo cao khiến chi phí lãi vay bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp”, PSI nhận định.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục