Tập đoàn GELEX hoàn thành vận hành thương mại 140 MW điện gió

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 29/10/2021, trụ turbine cuối cùng của cụm Dự án Nhà máy điện gió tại Quảng Trị với tổng công suất 140 MW của Tập đoàn GELEX đã được đóng điện thành công.
Trạm biến áp 63MVA-22/110kV Nhà máy điện gió Hướng Phùng 2,3. Trạm biến áp 63MVA-22/110kV Nhà máy điện gió Hướng Phùng 2,3.

Như vậy, GELEX đã hoàn thành việc đấu nối, hòa lưới điện quốc gia và được công nhận vận hành thương mại toàn phần cho toàn bộ 5 nhà máy điện gió.

Cụ thể, cả 5 dự án điện gió của Tập Đoàn GELEX tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, bao gồm: Dự án nhà máy điện gió Hướng Phùng 2, Hướng Phùng 3 (gồm 12 turbine với tổng công suất lắp đặt 50MW), và các Dự án nhà máy điện gió GELEX 1, 2, 3 ( gồm 21 turbine với tổng công suất lắp đặt 90MW) đã được công nhận ngày vận hành thương mại trong tháng 10/2021, đủ điều kiện để được hưởng giá điện ưu đãi (8,5 cents/kWh trong vòng 20 năm, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg, ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

Về công nghệ, các dự án đều sử dụng turbine công nghệ không hộp số (công suất 4,2 MW) được sản xuất, cung cấp bởi hãng Enercon (Cộng hòa Liên bang Đức), với ưu điểm là đường cong công suất lớn và có thể phát điện ở tốc độ gió thấp (2.0m/s).

Đây là công nghệ được đánh giá tiên tiến nhất hiện nay. Enercon cũng cung cấp dịch vụ vận hành turbine cho chủ đầu tư trong toàn bộ thời gian vận hành của dự án.

Các dự án điện gió của Tập đoàn GELEX được tài trợ bởi BIDV, Vietinbank, và đồng tài trợ bởi Ngân hàng Landesbank Baden-Württemberg (LBBW) Cộng hòa Liên bang Đức theo hình thức tín dụng xuất khẩu (ECA) với tổ chức bảo hiểm là Euler Hermes.

Với hình thức tín dụng này, các dự án được tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp với thời gian cho vay dài.

Để đáp ứng các yêu cầu của tổ chức bảo hiểm, chủ đầu tư cần phải là đơn vị uy tín, có kinh nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai dự án, và xếp hạng tín dụng tốt. Bên cạnh đó, dự án cần tuân thủ các yêu cầu khắt khe về môi trường theo tiêu chuẩn của IFC.

Nhân viên Tập đoàn GELEX tại Trung tâm điều hành Nhà máy Điện gió GELEX 1, 2,3.
Nhân viên Tập đoàn GELEX tại Trung tâm điều hành Nhà máy Điện gió GELEX 1, 2,3.

Chia sẻ về quá trình thi công các dự án điện gió, đại diện doanh nghiệp cho biết, Tập đoàn đã phải đối mặt với không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, xác định mục tiêu hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án là ưu tiên số một, cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự quyết tâm của toàn thể cán bộ lãnh đạo và nhân viên, Tập đoàn đã vượt qua khó khăn, thách thức và hoàn thành mục tiêu vận hành thương mại toàn bộ 5 nhà máy điện gió trước 31/10/2021, đảm bảo các chỉ tiêu về kinh tế, kỹ thuật và tài chính cho doanh nghiệp.

Một số trụ điện gió các Dự án nhà máy điện gió Gelex 1, 2, 3.
Một số trụ điện gió các Dự án nhà máy điện gió Gelex 1, 2, 3.

Việc hoàn thành 5 dự án điện gió nói trên đã đánh dấu một bước tiến mới của Tập đoàn GELEX trong đầu tư năng lượng nói riêng và lĩnh vực hạ tầng nói chung. Cùng với các dự án trước đó, Tập đoàn đã có tổng cộng 260 MW điện đi vào vận hành với tổng sản lượng điện của các nhà máy ước đạt khoảng 700 triệu kWh/năm, dự kiến nâng tổng công suất năng lượng tái tạo sở hữu đến năm 2025 lên 800 MW.

Hiện nay, Tập đoàn GELEX đang đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc, hiện thực hóa các mục tiêu, tầm nhìn chiến lược với định hướng là một Tập đoàn đầu tư vào các lĩnh vực phát triển bền vững.

Trong đó, năng lượng tái tạo tiếp tục sẽ là một lĩnh vực trọng tâm trong chiến lược phát triển với định hướng tập trung vào các dự án quy mô lớn, đồng thời, hướng đến hợp tác với các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Thời gian tới, thông qua các đơn vị thành viên, Tập đoàn sẽ tập trung triển khai chuẩn bị đầu tư Cụm nhà máy điện gió ngoài khơi Vĩnh Hải với tổng công suất dự kiến 800MW, nghiên cứu phát triển có chọn lọc các dự án: Điện gió Gia Lai (100 MW), Điện gió Đak-lak (200MW), Điện mặt trời Tây Ninh (100MW), Điện mặt trời Bình Phước 1, 2 (480MW), … . Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án năng lượng sạch khác như thủy điện, điện sinh khối, điện khí, v.v) hiệu quả, phù hợp với định hướng chiến lược sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.

Thiên Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục