Tập đoàn Fujitsu: Có “truyền thống” thay lãnh đạo giữa chừng?

(ĐTCK-online) Mới đây, ông Kuniaki Nozoe, nguyên Chủ tịch Fujitsu, một trong những tập đoàn công nghệ cao lớn trên thế giới của Nhật Bản đã tố cáo Ban lãnh đạo Fujitsu chơi xấu khi loại ông khỏi chiếc ghế chủ tịch vào cuối tháng 9 năm ngoái mà không hề có lý do xác đáng.
Ông Kuniaki Nozoe Ông Kuniaki Nozoe

Tại buổi họp báo tại Câu lạc bộ thông tấn viên nước ngoài (Foreign Correspondents Club) ở Tokyo (thủ đô Nhật Bản), ông Kuniaki Nozoe đã có bài phát biểu dài và công bố bức thư ngỏ chính thức công kích Ban lãnh đạo Fujitsu hiện nay lạm dụng quyền hành, hành động sai luật khi loại ông khỏi Ban lãnh đạo và doạ sẽ kiện Fujitsu ra toà.

Ông Kuniaki Nozoe cho biết, ngày 25/9/2009, ông được triệu tập đến họp bất thường tại phòng họp ở tầng thứ 32 của toà nhà trụ sở chính của Fujitsu ở Tokyo. Tại đây, ông bị Ban lãnh đạo Tập đoàn buộc từ chức ngay tại chỗ với lý do ông có quan hệ với một thành viên Yakuza, tổ chức tội phạm ngầm (dạng Mafia của Nhật Bản). Ông chỉ được nghe đọc quyết định, mà không hề được giải thích hay phản đối. Ngay sau đó, lãnh đạo Fujitsu đã đưa ra một thông báo ngắn ngủi công bố việc ông Kuniaki Nozoe từ chức vì lý do... sức khỏe. Ông Kuniaki Nozoe rời nhiệm sở ngay ngày hôm sau, chưa hề quay lại Tập đoàn và cũng im lặng từ đó đến nay. Cuối cùng, ông đã lên tiếng kêu gọi có sự điều tra độc lập về sự việc để có kết luận chính thức cuối cùng.

Điều khiến mọi người băn khoăn là, tại sao ông lại để sự việc trôi qua đã gần 8 tháng rồi mới phản ứng ầm ĩ  như vậy?

Lý giải chuyện này, luật sư riêng của ông tiết lộ, Ban lãnh đạo Fujitsu đã đưa đề nghị trả cho ông 270 triệu yên trọn gói để ông tiếp tục làm cố vấn cho Tập đoàn trong 10 năm, đổi lại, ông phải im lặng, không được nói với báo giới về chuyện ra đi đường đột của mình.

Ông Masami Yamamoto, Chủ tịch đương nhiệm của Fujitsu phản ứng bằng tuyên bố: “Chúng tôi đã thu thập đầy đủ thông tin và có xác minh rõ ràng để đảm bảo độ chính xác. Chúng tôi buộc phải hành động như vậy vì lợi ích chung của Tập đoàn”.

Theo một số nguồn tin, rất có thể các cổ đông lớn của Tập đoàn sẽ thành lập một đội điều tra độc lập để làm rõ việc này. Một số nhà phân tích nhận xét, chưa biết mọi việc đúng sai thế nào, nhưng có một thực tế là Ban lãnh đạo Fujitsu có “truyền thống” sa thải một số lãnh đạo chóp bu (cỡ Chủ tịch, Phó chủ tịch) một cách bất ngờ, bí hiểm mà thông thường việc này phải được thông qua tại Đại hội cổ đông.

Còn nhớ, tháng 4/2008, ông Toshihiko Ono, Phó chủ tịch Fujitsu, ứng cử viên sáng giá nhất cho chức Chủ tịch bỗng dưng bị buộc từ chức với cáo buộc có liên quan đến một vụ làm hàng giả. Ông này đã phản đối kịch liệt cáo buộc trên và luật sư của ông còn tố cáo có âm mưu cài bẫy ở đây. Trước đó hai tuần, ông Hiroaki Kurokawa, Chủ tịch Tập đoàn cũng đã bị hạ bệ một cách hết sức khó hiểu vì một lý do khá vu vơ. Đặc biệt, trong 5 năm lãnh đạo, ông Hiroaki Kurokawa có công rất lớn trong việc đưa Fujitsu từ chỗ bị lỗ ròng 122 tỷ yên (1,3 tỷ USD) năm 2004 đến có lợi nhuận thuần 48 tỷ yên năm 2008 và đang có ý định tiếp tục cải tổ sâu rộng thì bị buộc ra đi sớm, trước thời hạn 2 năm. Thị trường và giới đầu tư đã phản ứng mạnh với 2 vụ thanh trừng này, khi ngay sau đó, cổ phiếu của Fujittsu đã giảm mạnh. Trong vòng vài tháng sau đó, giá cổ phiếu của Fujitsu bị giảm tới 50% và chỉ phục hồi trong vòng gần một năm nay.

Ông Damian Thong, chuyên gia phân tích của Công ty Macquarie tại Tokyo nhận xét, chưa biết động cơ chính của các vụ buộc từ chức trên là gì, song ở đây ít nhiều có nghi ngờ về sự thanh toán, loại bỏ nhau trong nội bộ lãnh đạo vì quan hệ cá nhân và mối hiềm khích mang tính riêng tư.

Ông Jamie Allen, Chủ tịch Hiệp hội Quản trị doanh nghiệp châu Á (Asian Corporate Governance Association) có trụ sở chính ở Hồng Kông nhận xét, cách sa thải một số lãnh đạo của Fujitsu dễ làm cho mọi người có cảm giác Ban lãnh đạo là chủ doanh nghiệp, chứ không phải là các cổ đông.

Cũng theo ông Jamie Allen, ở các nước phương Tây, việc loại một cách đột ngột lãnh đạo chóp bu ở một công ty đại chúng không dễ như ở Fujitsu, vì trong Ban giám đốc còn có một số thành viên bên ngoài (là CEO, Chủ tịch một số công ty đại chúng khác). “Nếu một công ty đại chúng mà Ban lãnh đạo chỉ toàn người trong nhà với nhau, thì họ dễ bề kéo bè, kéo cánh đánh cho người không “hợp giơ” đến nơi, đến chốn khi cần”, ông Jamie Allen nói.

Dù trường hợp của ông Kuniaki Nozoe chưa có kết luận cuối cùng, nhưng cũng cho một bài học kinh nghiệm về cách làm minh bạch, công khai trong việc phế truất đột ngột cán bộ lãnh đạo.

Gần đây, Fujitsu đã tỏ ra hụt hơi rõ rệt trong cạnh tranh với đối thủ chính là Tập đoàn IBM của Mỹ.          


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục