Không những thế, cách làm việc của giới công chức nhà nước cũng là mục tiêu kêu ca khi ông Thăng đặt câu hỏi về việc không hiểu tại sao thủ tục hải quan khi DN nhập khẩu máy móc lại chậm trễ đến vậy. “Nhiều khi chỉ vì sai một dấu chấm, dấu phẩy mà DN phải đi lại sửa sang mất cả tháng trời”, ông Thăng cho biết.
Cũng cần phải nói rằng, với đặc trưng của mô hình tập đoàn, tổng công ty 91 là do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập nên tỷ lệ công việc phải trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chiếm không nhỏ trong hoạt động của các DN này. Tuy nhiên, ông Thăng cho rằng, nhiều quy trình trình duyệt hiện nay quá chậm chạp, mất thời gian rất lớn. “Tôi cho rằng, nếu cái gì đã rõ, đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì các cấp cứ thế mà làm, chỉ cần trình xin ý kiến những nội dung chưa thống nhất. Hiện nay, bất cứ cái gì cũng phải trình như nhau, thời gian cho thủ tục này rất dài”, ông Thăng cho biết và khẳng định, nếu không có sự thay đổi trong cách làm thì khó có thể có sự đột phá trong cải cách thủ tục hành chính đối với hoạt động của DN. “Chúng tôi chỉ xin đặt một cái tên cho DN thôi cũng mất cả tháng trời sửa đi, sửa lại”, ông Thăng băn khoăn không hiểu mắc mớ ở chỗ nào.
Trong bối cảnh hiện nay, sự chậm trễ trong thủ tục hành chính không chỉ được tính bằng thời gian, bằng chi phí, mà còn bằng cả khả năng cạnh tranh. Ông Thăng đã so sánh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với Petronas (Malaysia) làm minh chứng cho sự chậm trễ. Hai DN được thành lập cùng một thời điểm, hoạt động cùng một lĩnh vực, nhưng sau cùng một thời gian, chênh lệch về năng lực và tiềm lực nghiêng hẳn về phía Petronas. Với những cải thiện chậm trễ trong thủ tục hành chính, ông Thăng lo ngại khả năng đuổi kịp DN đối thủ, tính riêng các nước trong khu vực cũng là rất khó khăn.
Hơn thế, với vai trò tham gia kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, những phản ứng chậm của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đối với biến động của thị trường, mà nguyên nhân chính là do thủ tục hành chính, rất có thể sẽ làm trầm trọng hơn tình hình. Đây là lý do khiến Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã phải yêu cầu Tổ công tác về thủ tục hành chính của Chính phủ ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
“Chúng ta phải đổi mới cách làm. Trước hết, với 8 tập đoàn và các tổng công ty 91, thủ trưởng các bộ, ngành có liên quan đến khó khăn, vướng mắc của DN phải trực tiếp giải quyết. Với các vướng mắc cần có sự tham gia của liên bộ, Văn phòng Chính phủ sẽ có trách nhiệm đứng ra tổ chức các buổi làm việc. Mục tiêu cao nhất là đảm bảo mọi thuận lợi để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước này đạt được kết quả kinh doanh cao nhất”, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo.
Tuy nhiên, về phía các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Phó thủ tướng yêu cầu các DN cần cung cấp thông tin kịp thời, minh bạch, không chỉ với cơ quan quản lý nhà nước, mà với cả cơ quan thông tin đại chúng. “Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thực hiện kiểm toán thì tại sao không công bố công khai, minh bạch. Các DN có thể tổ chức họp báo định kỳ để công bố thông tin liên quan đến hoạt động của DN, đảm bảo mọi thông tin về hoạt động của DN được rõ ràng, chính xác”, Phó thủ tướng nói. Nhưng có thể chính sự công khai này cũng sẽ tạo áp lực nhất định tới hệ thống hành chính, bởi chỉ cần một nguyên nhân chậm trễ nào đó được công khai là do thủ tục hành chính chậm thì cơ quan có liên quan chắc khó đứng ngoài…