Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) muốn đẩy mạnh đầu tư tài chính dài hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã chứng khoán GVR) vừa lên kế hoạch chi hàng ngàn tỷ đồng trong năm 2021, chủ yếu dùng để đầu tư tài chính dài hạn.
GVR nắm trong tay 402.650 ha cao su tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Ảnh Internet GVR nắm trong tay 402.650 ha cao su tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Ảnh Internet

Kế hoạch kinh doanh và đầu tư năm 2021

Theo tờ trình Đại hội đồng cổ đông dự kiến tổ chức ngày 25/6/2021, GVR có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2021 là 578 tỷ đồng (gấp 222 lần năm 2020) và kế hoạch đầu tư tài chính dài hạn 2.053 tỷ đồng (gấp 3 lần năm 2020), nhưng không nêu cụ thể các khoản đầu tư này.

GVR cũng sẽ trình đại hội kế hoạch kinh doanh năm 2021 với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 26.914 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất gần 4.600 tỷ đồng; trong đó, doanh thu công ty mẹ là 4.291 tỷ đồng, lợi nhuận 3.041 tỷ đồng, cổ tức 6%.

Năm 2020, GVR đạt doanh thu, lợi nhuận sau thuế hợp nhất lần lượt là 21.116,3 tỷ đồng, 5.076,3 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận công ty mẹ 3.770,7 tỷ đồng, tăng 16% so với 2019.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021, Tập đoàn đạt doanh thu 4.849,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.216,2 tỷ đồng; trong đó, lợi nhuận công ty mẹ là 817,9 tỷ đồng.

Nhìn nhận dư địa tăng trưởng

GVR có vốn chủ sở hữu tính đến 31/3/2021 là 52.092,4 tỷ đồng (vốn điều lệ 40.000 tỷ đồng), hoạt động ở 5 lĩnh vực chính: trồng, khai thác chế biến mủ cao su; chế biến gỗ cao su; sản phẩm công nghiệp cao su; khu công nghiệp đầu tư trên đất cao su; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Báo cáo thường niên 2020 cho thấy, GVR nắm trong tay 402.650 ha cao su tại Việt Nam, Lào, Campuchia, trong đó, diện tích cao su ở Việt Nam là 288.000 ha, mỗi năm sản xuất 320.000 tấn cao su, chiếm 30% sản lượng cả nước.

Tập đoàn có 55 nhà máy chế biến với tổng công suất thiết kế xấp xỉ 500.000 tấn/năm. Không chỉ chế biến số mủ tự khai thác, các đơn vị của GVR còn chế biến, gia công cho khối cao su tiểu điền khoảng 80.000 tấn/năm.

Giới chuyên gia dự đoán, giá cao su thiên nhiên sẽ tiếp tục xu hướng tăng do kinh tế thế giới phục hồi giúp tăng nhu cầu đối với cao su, cộng với việc dầu thô lên giá làm tăng giá thành cao su nhân tạo, trong khi lượng cung cao su thiên nhiên chưa theo kịp tốc độ tăng của cầu.

Theo Bộ Công thương, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 5/2021 ước đạt 80.000 tấn, trị giá 139 triệu USD, tăng 7,2% về lượng và 54,9% về giá trị so với tháng 5/2020; giá xuất khẩu bình quân là 1.738 USD/tấn, tăng 44,6% so với cùng kỳ.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su ước đạt 548.000 tấn, trị giá 923 triệu USD, tăng 58,7% về lượng và tăng 94% về trị giá so với cùng kỳ.

GVR có diện tích cây cao su thanh lý bình quân 10.000 - 12.000 ha/năm, đồng thời có thế mạnh trong lĩnh vực trồng rừng nguyên liệu, nên có lợi thế về nguồn nguyên liệu để sản xuất sản phẩm gỗ.

Tập đoàn đang sở hữu 18 nhà máy gỗ, gồm 14 nhà máy sơ chế, ghép tấm và tinh chế, 4 nhà máy sản xuất MDF. Năm 2020, GVR sản xuất 1,3 triệu m3 gỗ các loại; tổng doanh thu 6.473 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 654 tỷ đồng.

Hiện GVR có 150.000 ha có phương án quản lý rừng bền vững và 56.500 ha đã đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc gia (VFSC).

Tập đoàn đặt mục tiêu hết năm 2022 thực hiện phương án quản lý rừng bền vững trên toàn bộ diện tích 288.000 ha tại Việt Nam. Được biết, nhiều nước như Mỹ, EU, Nhật Bản… đặt ra yêu cầu sản phẩm gỗ nhập khẩu phải có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

GVR còn sản xuất nhiều sản phẩm như nệm gối cao su, găng tay y tế, dây chuyền băng tải, bóng thể thao, chỉ sợi cao su và bước đầu liên kết sản xuất lốp xe thương hiệu VRG…, với tổng doanh thu năm 2020 là 2.689 tỷ đồng.

Trong đó, mặt hàng găng tay đạt doanh thu 1.839 tỷ đồng, lợi nhuận 356 tỷ đồng, tiêu thụ nội địa 30% và xuất khẩu 70%. Năm 2021, Tập đoàn dự kiến tăng công suất sản xuất găng tay, với mục tiêu đạt doanh thu 2.251 tỷ đồng, lợi nhuận 464 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, GVR nắm giữ cổ phần tại 11 công ty trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp (Nam Tân Uyên, Tân Bình, Long Khánh, Bắc Đồng Phú…) với tổng diện tích trên 6.000 ha. Năm 2020, tổng doanh thu từ các doanh nghiệp này đạt 1.522 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 821 tỷ đồng.

Phí Long - Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục