Đề xuất thành lập Phòng Thương mại và Công nghiệp nước ngoài của Đức tại Việt Nam (trên cơ sở sáp nhập Hiệp hội Doanh nghiệp Đức và Phòng Thương mại Đức tại Việt Nam) đã được trình Chính phủ Việt Nam. Sau khi văn phòng này được thành lập, chắc chắn, dòng thương mại và đầu tư của hai nước sẽ tăng mạnh, bởi tại văn phòng này, ngoài các thành viên từ giới kinh tế Đức, còn có các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tham gia là thành viên. Do vậy, việc tìm hiểu hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước sẽ rất thuận lợi.
Tại cuộc họp báo mở đầu kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt - Đức vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Jutta Frasch, Đại sứ Đức tại Việt Nam cho biết, năm 2015 sẽ là năm mà doanh nghiệp Đức sẽ hiện diện nhiều hơn tại Việt Nam, cũng như sẽ có nhiều sự kiện hợp tác chính trị, văn hóa, kinh tế, thương mại và đầu tư được tăng cường, nhằm cụ thể hóa hơn nữa quan hệ hợp tác chiến lược mà hai nước đã thiết lập từ tháng 10/2011.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Frasch cho biết, dự kiến vào cuối năm 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức, nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại và đầu tư hai nước. Chuyến thăm này được kỳ vọng là dịp để doanh nghiệp hai nước gặp nhau để tìm kiếm cơ hội kinh doanh và đầu tư. “Hai bên đang làm việc để chốt thời điểm cụ thể cho chuyến thăm”, bà đại sứ nói.
Nỗ lực đẩy mạnh hợp tác chiến lược Đức - Việt Nam cũng sẽ được thể hiện, khi vào tháng 3/2015, ông Norbert Lammert, Chủ tịch Quốc hội Đức và ông Frank Walter Steinmeier, ngoại trưởng Đức sẽ thăm Việt Nam, nhằm triển khai đối thoại chính trị, kinh tế Đức - Việt.
“Đức sẽ tiếp tục đẩy mạnh trọng tâm hợp tác phát triển với Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực đào tạo nghề, bảo vệ môi trường và chiến lược tăng trưởng xanh. Các cuộc đàm phán Đức - Việt tiếp theo dự kiến diễn ra trong tháng 5/2015”, bà Frasch nói và cho biết, tháng 11/2014, 750 đại diện kinh tế Đức đã đến Việt Nam tham dự Hội nghị châu Á - Thái Bình Dương của giới kinh tế Đức.
“Doanh nghiệp hai nước đã gặp nhau và trao đổi cơ hội kinh doanh và đạt được những kết quả tốt đẹp. Về lâu dài, sự kiện này sẽ tác động tích cực đến quan hệ đầu tư và thương mại hai nước. Dự kiến, trong năm nay, Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU sẽ được ký kết. Chúng tôi rất kỳ vọng và lạc quan rằng, đây sẽ là một xung lực lớn nữa đẩy mạnh quan hệ hai nước. Kinh nghiệm cho thấy, sau khi Hiệp định Thương mại EU - Hàn Quốc được ký kết, quan hệ thương mại song phương giữa Đức và Hàn Quốc đã tăng 7%/năm”, bà Frasch nói.
Cũng theo tin từ Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, phía Đức hiện rất muốn tăng cường đối thoại nhà nước pháp quyền với phía Việt Nam và sẽ thống nhất với phía Việt Nam về một chương trình hành động 3 năm trong những tuần tới.
Doanh nghiệp Đức đang hiện diện trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. Gần đây, nhiều doanh nghiệp Đức đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào các dự án công nghệ sạch trong lĩnh vực xây dựng.
Chẳng hạn, Công ty ThyssenKrupp đang tìm kiếm đối tác Việt Nam để chuyển giao các công nghệ nghiền xi măng thế hệ thứ hai. Các công nghệ này hiện đã được áp dụng tại Nhà máy Sản xuất xi măng Công Thanh (Thanh Hóa).
Gần đây, ThyssenKrupp đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất ammonium nitrate dùng trong sản xuất phân bón và thuốc nổ khai mỏ tại tỉnh Thái Bình.
Ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp Đức hoạt động trong ngành xây dựng như Loesche Gmbh, Knauf Việt Nam, Rieckermann Việt Nam đang gia tăng thị phần tại Việt Nam thông qua các giải pháp công nghệ thân thiện môi trường.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Đức hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, y dược và thiết bị y tế như Siemens, Boehringer Ingelheim International, Draeger Medical Việt Nam, Rudolf J.H Lietz, Fresenius Kabi, Merck đang hoạt động rất hiệu quả tại Việt Nam.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến ngày 15/12/2014, Đức có 244 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 1,34 tỷ USD.