Chiều ngày 12/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo "Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam" nhằm lấy ý kiến đóng góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà quản lý... để hoàn thiện Đề án.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là hội thảo hết sức quan trọng, mở đầu cho việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó đề ra mục tiêu lớn cho giai đoạn 2025, 2030 và 2045.
Qua gần 30 năm Đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết thừa nhận và khẳng định vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân, từ "có vị trí quan trọng lâu dài" (Đại hội IX) đến "có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế" (Đại hội X và XI) và "là một động lực quan trọng của nền kinh tế" (Đại hội XII và Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII). Theo đó, hàng loạt những quyết sách lớn của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân đã được ban hành và triển khai thực hiện.
Trên thực tế, vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trung bình trong giai đoạn 2016 - 2019, hàng năm cả nước có 165.593 doanh nghiệp mới thành lập mới, với số vốn đăng ký là 1,35 triệu tỷ đồng (tăng 49,3% về số doanh nghiệp và tăng 24,8% về số vốn đăng ký so với giai đoạn 2010 - 2015).
Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 42 - 43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, đóng góp 15,4% vào ngân sách nhà nước, chiếm 49% vốn đầu tư xã hội, đóng góp 8,9% vào tốc độ tăng trưởng GDP...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn hạn chế ở nhiều mặt, chưa thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Cụ thể, năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp và có nhiều hạn chế. Theo số liệu thống kê, năng suất lao động bình quân của khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ bằng 34% năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước và khoảng 69% năng suất lao động của doanh nghiệp có vốn nước ngoài.
Bên cạnh đó, năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế. Hiện tại, đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh thu, thấp hơn nhiều so với các nước như Ấn Độ (5%), Hàn Quốc (10%). Chỉ có khoảng 10,2% doanh nghiệp có đầu tư vào một số hoạt động nghiên cứu triển khai (R&D).
Ngoài ra, trình độ quản trị doanh nghiệp còn thấp, tính liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu.
Những điểm tồn tại, hạn chế của khu vực kinh tế tư nhân có một phần nguyên nhân xuất phát từ hạn chế, yếu kém của cơ chế, phương thức quản lý nhà nước về kinh tế, đặc biệt là quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân.
Hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa sát thực tế; môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro, thiếu minh bạc.
Ngoài ra, tiếp cận cơ hội kinh doanh, nguồn lực phát triển chưa thực sự bình đẳng, phát sinh nhiều chi phí trung gian, chi phí không chính thức; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong nhiều trường hợp còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, về mặt khách quan, khu vực kinh tế tư nhân đang phát triển còn nhiều vướng mắc, “tạm gọi là rào cản, nút thắt, điểm nghẽn mà chúng ta chưa tháo gỡ, khơi thông được, chưa giải phóng được nguồn lực từ tư nhân mặc dù nguồn lực này rất lớn”.
Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhà nước cần tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh để khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, để nền kinh tế tăng trưởng với hiệu quả cao và bền vững.
"Tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh còn nhằm để thúc đẩy sự phát triển đúng đắn, vai trò tích cực của doanh nghiệp nhà nước, FDI và doanh nghiệp tư nhân lớn. Tạo lập sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với nhau và trên thị trường quốc tế", bà Chi Lan nhận định.