Trước đó, TCBS cũng đã giành giải thưởng Nhà thu xếp chứng khoán nợ tốt nhất Việt Nam (The Best DCM House) năm 2016 của Tạp chí FinanceAsia, tạp chí uy tín hàng đầu châu Á về tài chính. Đâu là những yếu tố giúp cho TCBS đạt được những thành tích đáng nể này? Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch HĐTV TCBS, ông Nguyễn Xuân Minh để biết rõ hơn câu chuyện “hậu trường”.
Mặc dù còn khá non trẻ, mới chỉ tham gia thị trường được 3 năm, song TBSC đã đạt được những kết quả ấn tượng. Ông có thể chia sẻ, đâu là thế mạnh giúp TCBS bứt phá?
Theo tôi, có nhiều yếu tố để xác định năng lực của một công ty chứng khoán, trong đó, quan trọng nhất là yếu tố khách hàng, tính ưu việt của sản phẩm và tất nhiên là cả thị phần. Cả 3 yếu tố trên đều là thế mạnh của TCBS. Cụ thể, xét về thị phần, TCBS đứng thứ 2 thị trường về doanh thu và lợi nhuận, chỉ sau CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI). Tính riêng lĩnh vực tư vấn phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, liên tiếp trong nhiều năm, TCBS duy trì vị thế dẫn đầu với hơn 50% thị phần. Nhiều giao dịch có độ phức tạp cao, quy mô lớn, mang tính tiên phong, góp phần tạo nên sự khác biệt về chất lượng dịch vụ của TCBS.
Ông Nguyễn Xuân Minh
Một ví dụ điển hình là đầu năm 2016 vừa qua, TCBS là công ty chứng khoán trong nước đầu tiên có thể tư vấn cho một doanh nghiệp lớn trong nước phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm, nhưng được bảo lãnh thanh toán bởi tổ chức quốc tế Credit Guarantee and Investment Facility (CGIF) - một quỹ tín thác của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Đặc biệt hơn, trái phiếu doanh nghiệp mà TCBS tư vấn phát hành không chỉ phân phối cho nhà đầu tư tổ chức (các ngân hàng, tổ chức tài chính, doanh nghiệp lớn…), mà còn được cấu trúc để bán cho khách hàng cá nhân. Chẳng hạn, sản phẩm trái phiếu TCBond với lợi tức vượt trội và thanh khoản linh hoạt đã nhận được sự chào đón rất tốt từ thị trường.
Ông vừa nhắc đến TCBond là một trong những sản phẩm đầu tư khá thành công của TCBS dành cho khách hàng cá nhân. Song trên thực tế, trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn là khái niệm chưa quen thuộc với nhiều khách hàng cá nhân. Vậy những thách thức của TCBS khi thiết kế sản phẩm này là gì, thưa ông?
Trước đây, người mua trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu là khách hàng tổ chức, đặc biệt là các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn. TCBS nhận thấy những năm gần đây, khách hàng cá nhân đã bắt đầu quan tâm hơn đến kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tuy vậy, họ vẫn rất thận trọng và e dè. Do đó, thách thức đặt ra cho chúng tôi khi thiết kế sản phẩm này là không nhỏ. Bởi điểm yếu của khách hàng cá nhân là khả năng phân tích doanh nghiệp. Vì thế, trách nhiệm của TCBS là phải cung cấp những báo cáo phân tích, tổng hợp thông tin về những doanh nghiệp dự định phát hành trái phiếu cho khách hàng. Trước đó, chúng tôi cũng đã thẩm định chặt chẽ, lựa chọn những trái phiếu doanh nghiệp tốt và an toàn để chào bán cho khách hàng cá nhân. Điều đó giúp giảm thiểu rủi ro tối đa cho khách hàng, đồng thời gia tăng niềm tin của khách hàng đối với TCBS.
Bên cạnh đó, thanh khoản cũng là một vấn đề TCBS phải tính đến khi thiết kế sản phẩm này. Thông thường, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong khoảng từ 2 - 5 năm mới đáo hạn, do đó, chúng tôi phải có những phương án linh hoạt để đảm bảo tính thanh khoản của trái phiếu. Một trong các giải pháp mà TCBS áp dụng là niêm yết các trái phiếu doanh nghiệp trên sàn giao dịch chứng khoán, tạo thuận lợi để khách hàng có thể chủ động giao dịch. Giải pháp này không những giúp tăng thanh khoản cho khách hàng, mà doanh nghiệp niêm yết trái phiếu cũng được nhiều nhà đầu tư cá nhân biết tới.
Với khả năng thanh khoản cao, linh hoạt và lợi nhuận tốt, nhiều sản phẩm phù hợp với khẩu vị rủi ro khác nhau, TCBond đã thu hút được lượng khách hàng lớn. Từ đầu năm 2015 đến nay, đã có hơn 3.200 khác hàng cá nhân tham gia, với hơn 8.000 tỷ đồng sản phẩm TCBond được phân phối. Nhờ đó, TCBS tiếp tục dẫn đầu thị phần môi giới trái phiếu trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE), với thị phần quý II/2016 đạt 75,8%, cao hơn mức 60,6% trong quý I/2016.
Ngoài các yếu tố trên, chắc hẳn, Techcombank – một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam, với vai trò là “ngân hàng mẹ” cũng là “điểm cộng” của TCBS. Ông có thể chia sẻ sâu hơn về “trợ lực” quan trọng này?
Chắc chắn, nếu chỉ riêng nỗ lực của TCBS là chưa đủ. Đằng sau thành công của TCBS có sự hỗ trợ rất lớn từ Techcombank và các bạn đồng nghiệp tại Ngân hàng. Trên thế giới, những công ty chứng khoán có công ty mẹ là ngân hàng đứng sau thường có nhiều lợi thế và thành công hơn. Là công ty con thuộc sở hữu 100% vốn của Techcombank, uy tín và mạng lưới khách hàng sâu rộng từ Ngân hàng là lợi thế ban đầu của TCBS, tuy nhiên, quan trọng hơn là khai thác và biến lợi thế này thành những kết quả, những con số cụ thể. Đặc biệt, khách hàng của Techcombank hiện nay có nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn. Họ không chỉ có nhu cầu tài chính đa dạng và phức tạp, mà bản thân đội ngũ quản lý tài chính của họ đều là chuyên gia giàu kinh nghiệm không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới. Do đó, vấn đề đặt ra đối với TCBS không dừng lại ở đáp ứng nhu cầu, mà cần trở thành nhà tư vấn, thực sự đồng hành với doanh nghiệp.
Hiện nay, nhu cầu của những doanh nghiệp lớn không chỉ là nghiệp vụ chứng khoán hay nghiệp vụ ngân hàng riêng rẽ, mà là sự kết hợp nhiều dịch vụ đầu tư và tài chính khác nhau. Do đó, chỉ có nguồn nhân lực trình độ cao, thấu hiểu khách hàng mới có thể mang đến chất lượng tư vấn và dịch vụ tốt. Mặt khác, không chỉ dừng lại là tư vấn phát hành trái phiếu, TCBS còn cung cấp tư vấn tổng thể tài chính cho doanh nghiệp, đưa ra dự báo cho kế hoạch phát triển 5 năm hay xa hơn…, đồng thời chỉ ra cho khách hàng những giải pháp, cấu trúc tài chính tối ưu, hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất. Đội ngũ chuyên gia phân tích chuyên nghiệp và kinh nghiệm là một thế mạnh mà TCBS và Techcombank đang sở hữu. Sự kết hợp giữa công ty chứng khoán – ngân hàng tạo ra sự khác biệt vượt trội so với ngân hàng hoặc công ty chứng khoán khác khi chỉ “độc canh” một mảng kinh doanh.
Đến thời điểm này, TCBS là một trong 3 công ty chứng khoán lớn nhất trên thị trường về doanh thu và lợi nhuận, đồng thời là công ty chứng khoán có tốc độ phát triển nhanh nhất, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đạt trên 50%, qua đó, TCBS đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh chung của Techcombank. Cụ thể, trong năm 2015, TCBS đóng góp khoảng 23% tổng doanh thu và 27% tổng lợi nhuận toàn Ngân hàng, trong đó chủ yếu là thu nhập từ phí. Trên thế giới, những ngân hàng có trọng số doanh thu từ phí lớn trong tổng doanh thu được đánh giá là ít rủi ro, hoạt động bền vững và luôn được định giá cao hơn nhiều so với các ngân hàng truyền thống khác trên thị trường niêm yết.
Những thành quả đạt được cho thấy TCBS đã đi đúng hướng và chắc hẳn, sẽ còn nhiều tham vọng mà TCBS muốn chinh phục trong thời gian tới. Ông có thể chia sẻ đó là gì, thưa ông?
Những thành công bước đầu, cũng như những giải thưởng do các tổ chức quốc tế uy tín trao tặng là động lực lớn để TCBS vững bước hơn trên chặng đường phát triển sắp tới. Với mục tiêu đạt 5 tỷ USD vốn hoá thị trường của Techcombank giai đoạn 5 năm (2016 – 2020), TCBS đang kỳ vọng đóng góp 1 tỷ USD vào mục tiêu chung. Điều này đòi hỏi TCBS cần phải nỗ lực rất lớn trong thời gian tới.
Cơ hội lớn, mục tiêu lớn luôn đi kèm với những thách thức lớn. Song với nền tảng vững vàng, cùng định hướng chiến lược “Khách hàng là trọng tâm”, tập trung vào các phân khúc khách hàng cụ thể, hiểu rõ nhu cầu của khách hàng để đầu tư sáng tạo, mang đến những giải pháp tài chính toàn diện nhất với chất lượng vượt trội, tôi nghĩ rằng, TCBS nói riêng và Techcombank nói chung đầy tự tin để chinh phục những “cột mốc” đã đề ra.