Tạo "đời sống" cho chính sách mới

(ĐTCK) Việc công khai, minh bạch thông tin, quy trình quản lý và đưa các chính sách mới vào cuộc sống cho phép chúng ta có thể làm được nhiều việc mà quan niệm truyền thống luôn liệt vào diện “bất khả thi”. Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế trò chuyện với Báo Đầu tư Chứng khoán trước thềm Xuân Ất Tỵ 2025.
Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế.

Những ngày cuối năm, câu chuyện được chia sẻ nhiều là nạn kẹt xe, tắc đường sau khi áp dụng mức phạt cao hơn với các hành vi vi phạm luật giao thông, tương tự với giới doanh nghiệp, doanh nhân là thực thi chính sách thuế. Là chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành thuế, ông nhìn nhận câu chuyện về vai trò của nhà tạo lập chính sách và người thực thi chính sách ra sao?

Câu chuyện kẹt xe tuy khác với chuyện vướng mắc của doanh nghiệp, doanh nhân trong thực thi chính sách thuế, nhưng cũng có không ít điểm tương đồng và có bài học kinh nghiệm chung được rút ra từ thực tiễn.

Đó là cần phải làm rõ, đề cao và thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của Nhà nước - với tư cách người tạo ra chính sách (đưa vào quy định trong các văn bản pháp luật và tổ chức thực hiện) cùng với làm rõ trách nhiệm, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân - với tư cách là người phải tuân thủ, thực thi pháp luật.

Một chính sách tốt, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, bảo đảm lợi ích lâu dài của nhân dân, của đất nước, nhưng chính sách đó sẽ không đạt được mục tiêu đề ra nếu như không làm tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, thuyết phục cùng với việc chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết trong phục vụ, triển khai, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân thực hiện.

Thực tiễn thi hành pháp luật thuế cũng cho thấy, với mỗi loại thuế khác nhau có đối tượng áp dụng khác nhau thì biện pháp cụ thể trong triển khai thực hiện, liều lượng, thời gian, phương pháp hỗ trợ, công tác quản lý thuế cũng phải khác nhau.

Ví dụ, quản lý thuế đối với doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu cần có những giải pháp khác biệt với giải pháp quản lý cụ thể áp dụng đối với cá nhân, hộ kinh doanh.

Khi một chính sách mới có hiệu lực, việc tổ chức thực hiện và theo dõi thực hiện chính sách đó ra sao?

Thực tiễn ngành tài chính nói chung, ngành thuế, ngành hải quan nói riêng đã luôn quan tâm và chuẩn bị khá tốt các “hạ tầng” cho việc triển khai thực hiện từng sắc thuế, khoản thu. “Hạ tầng” mà tôi nói ở đây bao hàm cả “hạ tầng cứng” và “hạ tầng mềm”. Trong đó, “hạ tầng mềm” là nhân lực, là trí tuệ, kiến thức, công sức, kỹ năng, trách nhiệm… của đội ngũ cán bộ, công chức.

Còn “hạ tầng cứng” có thể hiểu là hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ người nộp thuế, người khai hải quan và quản lý ngành, bao gồm hiện vật (trụ sở, thiết bị máy móc, phương tiện…) và các phần mềm quản lý như hệ thống/chương trình quản lý, cơ sở dữ liệu về người nộp thuế, về các đối tượng quản lý theo sắc thuế, khoản thu.

Cơ quan soạn thảo chính sách có tâm thế gì nếu chính sách được đón nhận chưa tích cực?

Ngay từ khi đề xuất, soạn thảo đề cương cho đến khi xây dựng nội dung và soạn thảo các đề án pháp luật trình lên các cấp có thẩm quyền, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phải thực hiện công việc bắt buộc là đánh giá tác động của chính sách theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Còn trong triển khai, tổ chức thực hiện các luật thuế, đương nhiên, các nhà hoạch định chính sách và cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện luôn phải sẵn sàng tâm thế, lường trước các kịch bản ứng phó với các tình huống phát sinh từ thực tiễn.

Chủ động theo dõi, nắm bắt phản ứng từ doanh nghiệp và người dân, mức độ tuân thủ, các vướng mắc phát sinh… để có các giải pháp cụ thể hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân thực hiện không chỉ là yêu cầu bắt buộc mà thực tế hàng chục năm qua là đã trở thành công việc thường xuyên, liên tục của đội ngũ công chức ngành thuế, hải quan.

Thực hiện công tác này, ngành thuế, ngành hải quan luôn nhận được sự phối hợp, hỗ trợ một cách chân tình, hữu hiệu của các cơ quan thông tin đại chúng; trong đó, tôi đánh giá rất cao tính chuyên nghiệp, đạo đức trong sáng, sự trung thực, khách quan và tinh thần xây dựng của Báo Đầu tư.

Với người dân và doanh nghiệp, đâu là những vấn đề cần lưu tâm trong bối cảnh đất nước sẽ có nhiều thay đổi về thể chế, chính sách tới đây?

Câu hỏi này rộng quá, nên tôi xin phép được nói trong phạm vi nghề nghiệp của mình. Tôi muốn mọi người cần lưu tâm rằng, chính sách thuế của đất nước ta đến nay cơ bản rõ ràng, cụ thể với mức động viên không cao và công tác quản lý thuế đã được chuyển sang cơ chế tự khai, tự nộp thuế, nếu người dân có thiếu sót hoặc quên nay mới nhớ ra thì được quyền khai bổ sung, khai điều chỉnh, tuy có thể bị áp dụng các mức phạt nhưng ở mức thấp hơn nhiều mức xử phạt nếu bị cơ quan quản lý phát hiện ra.

Bà con cần thấy rằng, khi cả nước thực hiện chuyển đổi số, thông tin dữ liệu được kết nối, liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước và hệ thống ngân hàng, cơ sở dịch vụ thì cơ quan thuế cũng sẽ có được các thông tin về giao dịch của người dân.

Nghĩa vụ thuế hiện tại được truy xét ngược trở lại 10 năm trở về trước, cùng với các biện pháp mạnh mà trước mắt là hạn chế xuất cảnh cho thấy đã đến lúc, mọi người dân và doanh nghiệp cần tôn trọng sự thật trong các giao dịch dân sự mà vấn đề thuế chỉ là một phần nhỏ thôi.

Đừng vì chút lợi ích nhỏ nhoi, gian lận mấy đồng tiền thuế mà để lại các hệ lụy đáng tiếc cho bản thân và gia đình, doanh nghiệp.

Là người chịu khó đóng góp cho việc thay đổi chính sách thuế, ông có ngại những ý kiến cho rằng ông đang “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”?

Thuế, tài chính là nghề nghiệp nuôi sống mình khi còn làm việc cho Nhà nước. Quá trình tự rèn luyện, học hỏi qua thực tiễn quản lý giúp tôi có thêm chút hiểu biết về đào tạo, quản trị quản trị doanh nghiệp, vận hành tổ chức. Tôi luôn nghĩ rằng, những gì mình có được rất nên và cần trao đi, gửi lại cho những ai cần đến nó, hầu mong rằng họ sẽ rút ngắn được thời gian tự mày mò, tìm hiểu.

Doanh nghiệp, doanh nhân không đơn thuần là những chủ thể kinh doanh kiếm lời, mà họ là những người, những tổ chức tạo việc làm thực tế cho người lao động và hơn ai hết, doanh nghiệp có đóng góp cho đất nước về mọi mặt, trong đó có việc đóng thuế để nuôi xã hội.

Tuy vậy, pháp luật thuế dù đơn giản đến mấy nhưng không phải ai cũng biết hết, hiểu hết nên doanh nghiệp khó tránh khỏi sai phạm và thực tế là sai phạm về thuế nhiều khi đưa đến hậu quả khôn lường.

Tôi biết, đại bộ phận doanh nghiệp, doanh nhân không muốn trốn thuế, nhiều khi họ sai phạm là do thiếu hiểu biết, nghe theo nhân viên hoặc làm theo các đối tác, bạn bè của họ thôi.

Tôi luôn nghĩ rằng cần tôn trọng, biết ơn và luôn sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ họ trong thực thi, chấp hành pháp luật thuế để họ không bao giờ bị vi phạm chính sách thuế. Do vậy, không bao giờ tôi ngại với những ý kiến cho rằng công việc của mình là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Ông suy nghĩ thế nào về sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới?

Tôi thường xuyên giao lưu với nhiều chuyên gia, cộng tác với nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp nên có nhiều thông tin, thu thập được nhiều ý kiến. Qua đó, tôi rất vui mừng trước thực tế đã và đang có những thay đổi trong tư duy, nhận thức và hành động theo chiều dọc từ trên xuống, nhiều kiến nghị khi chúng tôi còn đương chức chưa được ghi nhận thì nay có chuyển biến.

Thực tế rằng, việc công khai minh bạch thông tin, quy trình quản lý trong quá trình chuyển đổi số cho phép chúng ta có thể làm được nhiều việc mà quan niệm truyền thống luôn liệt vào diện “bất khả thi”.

Trong khí thế hân hoan của tiết trời mùa Xuân, tôi cảm thấy tự hào và may mắn được chứng kiến và có đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào sự thay đổi của quê hương đất nước.

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục