Tạo điều kiện cần để cổ phần hóa tổng công ty

(ĐTCK) Đẩy mạnh cải cách DNNN, trọng tâm là cổ phần hoá (CPH) cùng với việc thực hiện CPH các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước là 1 trong 8 nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong năm 2009. "Nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ trên, Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) đã chủ động hợp tác với các tổng công ty để lành mạnh hoá tài chính các DN thành viên", Tổng giám đốc DATC Phạm Thanh Quang cho biết.
Ông Phạm Thanh Quang. Ông Phạm Thanh Quang.

Một trong những nhiệm vụ của DATC là góp phần làm lành mạnh hoá thị trường tài chính để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi DNNN. Thưa ông, nhiệm vụ này hiện được DATC triển khai ra sao?

Trong số trên 1.700 DNNN sẽ CPH theo lộ trình có khoảng 100 tổng công ty và tập đoàn kinh tế. Việc chuyển đổi các tổng công ty và tập đoàn kinh tế trong thời gian vừa qua gặp vướng mắc một phần là do không ít DN thành viên gặp khó khăn về tài chính… Muốn CPH được cả tổng công ty, tập đoàn kinh tế thì phải xử lý dứt điểm những khó khăn của các DN thành viên và đây là nhiệm vụ của DATC. Hiện chúng tôi đang tập trung "giải cứu" những DN này để họ đủ điều kiện chuyển đổi; bình quân mỗi tháng, DATC xử lý được 3 - 5 DN có quy mô vừa và lớn thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Nhưng với nguồn vốn có hạn (khoảng 2.300 tỷ đồng), DATC không đủ tiềm lực để "rải mành mành" ra tất cả các DN, thưa ông?

Chính vì vậy, DATC chỉ tập trung vào các tổng công ty gặp khó khăn nhất. Hiện tại, chúng tôi đang tập trung xử lý nợ của các DN thành viên thuộc Tổng công ty Cầu Thăng Long, Giao thông đường thuỷ, Giao thông 1, Giao thông 4… Tổng cộng có khoảng 30 DN đang được xử lý các khoản nợ, nếu không có gì thay đổi, vào giữa năm 2009 các khoản nợ xấu của 30 DN thuộc ngành giao thông sẽ được xử lý xong và vào cuối năm 2009, các tổng công ty kể trên có đủ điều kiện để chuyển sang mô hình CTCP. Chúng tôi cũng đang xử lý nợ cho các tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng như Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng, Miền Trung, Licogi, Sông Hồng… và DN thành viên của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế khác...

Kết quả thế nào, thưa ông?

Chúng tôi đã và đang xử lý triệt để nợ xấu và tái cơ cấu cho khoảng 80 DN là thành viên các tổng công ty, tập đoàn kinh tế, trong đó thực hiện tái cơ cấu khoảng 60 DN. Hiện DATC đã xử lý và cơ cấu thành công 10 DN có quy mô vừa và lớn; khoảng 10 DN khác về cơ bản đã hoàn thành, dự tính trong quý I/2009 sẽ xử lý dứt điểm và đến quý II/2009 sẽ có thêm 40 DN nữa được xử lý dứt điểm nợ xấu.

Ngoài xử lý nợ cho các DN đang chuẩn bị CPH, DATC cũng có chức năng mua  - bán nợ đối với các DN khác, đặc biệt là DNNN chuyển sang mô hình CTCP?

Một DNNN đủ điều kiện chuyển đổi tức là có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động có lãi, nhưng sau khi chuyển thành CTCP có thể lại hoạt động kinh doanh thua lỗ, nhiều khoản nợ không có khả năng thanh toán. Chính vì vậy, một mặt DATC tích cực xử lý nợ đối với DN đang trong quá trình CPH, mặt khác chúng tôi cũng chú trọng xử lý nợ cho các CTCP được CPH từ DNNN. Ngành mía đường là ngành gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian vừa qua và có không ít CTCP đứng trên bờ vực phá sản, nhưng chúng tôi vẫn thực hiện xử lý nợ thành công cho 6 công ty.

Thưa ông, việc xử lý nợ đối với ngành mía đường xem ra khá mạo hiểm?

Mạo hiểm, rủi ro luôn đi cùng với cơ hội. Việc "giải cứu" 6 công ty mía đường cho thấy, nếu biết hạn chế rủi ro thì cơ hội rất lớn. Đối với 6 công ty mía đường, chỉ sau 1 năm thực hiện xử lý nợ và cơ cấu lại tình hình sản xuất - kinh doanh, các DN đã ổn định hoạt động và nhiều DN đang trên đường phát triển lành mạnh, tình hình tài chính được cải thiện đáng kể. Cụ thể, CTCP Đường Sơn La hoạt động kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu 151,5 tỷ đồng, nhưng sau khi DATC mua và xử lý nợ gắn với tái cơ cấu, chỉ sau 1 năm, hoạt động sản xuất - kinh doanh đã có hiệu quả (lãi 17 tỷ đồng), đạt tỷ lệ lợi nhuận trên vốn 34%, giải quyết việc làm trực tiếp cho 270 lao động và 4.000 hộ nông dân trồng mía. Hay CTCP Đường Kon Tum đang trên bờ vực phá sản, sau khi DATC mua và tái cơ cấu đã hoạt động ổn định trở lại.

Trong quá trình xử lý nợ, ông đánh giá thế nào về hoạt động của các DN hiện nay?

Thị trường tài chính thời gian vừa qua có những biến động nhanh và khó lường đã tác động xấu tới hoạt động của các DN nói chung. Tuy nhiên, khi đi xử lý nợ chúng tôi thấy rằng, nếu có các chính sách phù hợp cùng với thực hiện nhiều biện pháp giúp đỡ DN, cộng thêm sự hỗ trợ của DATC sẽ có nhiều DN thoát khỏi tình trạng phá sản, giải thể. Để hỗ trợ DN cần phải có giải pháp cả gói, tổng thể từ hạ lãi suất cho vay, miễn giảm thuế đến khoanh nợ, xoá nợ, giãn nợ… chứ một mình DATC cũng khó có thể xoay chuyển được tình hình. Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN, trong đó giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho DN nhỏ và vừa, đồng thời yêu cầu các NHTM nhà nước áp dụng lãi suất cho vay phù hợp với tình hình sản xuất -kinh doanh của DN.

Còn với DATC thì sao?

DATC đã thực hiện mua 5.000 tỷ đồng nợ và sắp tới sẽ mua thêm 5.000 tỷ đồng nợ nữa. Chúng tôi đang cố gắng đẩy nhanh quay vòng nguồn vốn để đẩy nhanh việc mua nợ. Trong thời gian tới, nếu việc tăng vốn được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, DATC sẽ có thêm nguồn vốn để hỗ trợ DN.

Mạnh Bôn thực hiện.
Mạnh Bôn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục