Tạo cơ sở pháp lý xử lý nợ xấu và tổ chức tín dụng yếu kém

Thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), các đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu được thông qua, Dự luật sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các TCTD, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý căn bản nợ xấu và TCTD yếu kém.
Phải sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để vực dậy ngân hàng yếu kém, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến toàn hệ thống. Phải sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để vực dậy ngân hàng yếu kém, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến toàn hệ thống.

Cố gắng không giải thể, phá sản ngân hàng

Mặc dù tổng số nợ xấu đã xử lý tính đến 31/12/2016 là 611.590 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống TCTD về mức 2,46% và hiện tại là dưới 3%, nhưng Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, bà Bùi Quỳnh Thơ cho rằng, tỷ lệ nợ xấu còn rất cao, vì thế, “sẽ có nhiều TCTD bị kiểm soát đặc biệt trong thời gian tới”.

Trước thực tế tỷ lệ nợ xấu thực chất vẫn còn rất cao, theo bà Thơ, Quốc hội cần sớm thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD trong kỳ họp này. Nhận định về các nội dung của Dự thảo Luật khi tham gia thảo luận tại Hội trưởng Quốc hội vào hôm qua (25/10), bà Thơ cho rằng, những điều khoản được sửa đổi trong Dự luật nếu được thông qua sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các TCTD, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý căn bản nợ xấu và TCTD yếu kém

“Quan trọng hơn, những quy định trong Dự luật sẽ tạo điều kiện để phục hồi TCTD, xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo - là một trong những nguyên nhân gây ra nợ xấu của nhiều TCTD thời gian qua”, bà Thơ bình luận.

Tái cơ cấu hệ thống TCTD và xử lý nợ xấu giai đoạn 2011-2015, theo Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng, ông Bùi Thanh Tùng, là chưa đạt hiệu quả, chính vì vậy, hiện vẫn còn một số ngân hàng yếu kém cần phải được tiếp tục xử lý. “Trước mắt, phải sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý triệt để ngân hàng yếu kém, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống ngân hàng”, ông Tùng đề xuất.

Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD, trong trường hợp ngân hàng rơi vào tình trạng khó khăn, mất khả năng thanh toán, khả năng chi trả, sẽ bị buộc phải kiểm soát đặc biệt để xử lý theo một trong 4 phương án gồm phục hồi; sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; giải thể; chuyển giao bắt buộc; án phá sản.

“Mặc dù có 4 phương án tái cơ cấu ngân hàng, nhưng chúng ta cố gắng tránh không nên sử dụng phương án phá sản và giải thể, bởi nếu thực hiện một trong 2 phương án này, sẽ gây ảnh hưởng dây chuyền đến cả hệ thống ngân hàng theo hiệu ứng domino.

Trong trường hợp ‘vạn bất đắc dĩ’ buộc phải giải thể, phá sản nhà băng nào đó, thì phải bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền ở mức tối đa”, bà Thơ kiến nghị.

Trong Dự luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba có quy định cơ chế, chính sách và nguồn tài chínhnhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng bị rơi vào kiểm soát đặc biệt, nhưng Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp này không còn quy định cụ thể.

Theo ông Bùi Thanh Tùng, với những ngân hàng phục hồi được thì không sao, nhưng với ngân hàng phải giải thể, phá sản sau thời gian bị kiểm soát đặc biệt mà không phục hồi được hoặc tái cơ cấu bằng các biện pháp khác cũng không được, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn của hệ thống ngân hàng.

Những quy định trong Dự luật sẽ tạo điều kiện để phục hồi TCTD, xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo

Để tránh đổ vỡ hệ thống ngân hàng, nếu không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý, trong trường hợp này, cần phải sử dụng phương án sáp nhập, hợp nhất, hoặc chuyển giao bắt buộc.

Nếu không có tổ chức, cá nhân nào nhận sáp nhập, hợp nhất hoặc chuyển giao bắt buộc, thì Chính phủ phải là người cuối cùng cùng thực hiện nhận sáp nhập, hợp nhất hoặc chuyển giao bắt buộc.

Ngân sách vẫn gián tiếp hỗ trợ “giải cứu” nhà băng?

Thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD, các đại biểu Quốc hội đều đồng tình với quan điểm dứt khoát không dùng ngân sách nhà nước để xử lý ngân hàng yếu kém.

Đồng ý với quy định này, nhưng bà Vũ Thị Lưu Mai, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trên thực tế, ngân sách nhà nước vẫn hỗ trợ gián tiếp cho ngân hàng yếu kém.

Vì theo quy định, ngân hàng yếu kém trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt được vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% của Ngân hàng Nhà nước; được miễn, giảm tiền lãi vay tái cấp vốn, vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước; nhận tiền gửi hoặc vay của TCTD đứng ra hỗ trợ với mức lãi suất ưu đãi.

“Đúng là ngân sách nhà nước không hỗ trợ ngân hàng yếu kém trực tiếp, nhưng vẫn gián tiếp hỗ trợ.

Vì vậy, khi xử lý ngân hàng yếu kém, chắc chắn tác động đến số thu ngân sách nhà nước do được vay ưu đãi đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước.

Trong trường hợp hết thời gian kiểm soát đặc biệt, mà không phục hồi được, buộc phải xử lý bằng phương án giải thể, phá sản, thì số tiền hỗ trợ gián tiếp thông qua Ngân hàng Nhà nước và các TCTD khác cuối cùng ngân sách nhà nước vẫn phải gánh chịu”, bà Mai phân tích.

Dù hỗ trợ gián tiếp hay trực tiếp, cuối cùng, ngân sách nhà nước cũng bị ảnh hưởng, vì vậy, theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội TP.HCM, không nên né tránh việc phải sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nhà băng thua lỗ rơi vào tình trạng phải kiểm soát đặc biệt.

Nhiều nước trên thế giới, ngay cả những nước phát triển cũng sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý ngân hàng yếu kém bằng cách mua lại, sau đó tái cơ cấu, sau khi ngân hàng ổn định và phát triển trở lại, người ta bán ngân hàng đi để thu hồi cả vốn lẫn lời. Vấn đề là phải minh bạch để cử tri giám sát.

Trong nhiệm kỳ nắm quyền Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama đã từng không ít lần “giải cứu” ngân hàng bằng cách này, cùng với thực hiện cam kết  “người dân có quyền giám sát từng USD mà Chính phủ đem ra giải cứu ngân hàng”. Kết quả là họ đã thành công.

“Chúng ta không nên né tránh rằng, ngân sách nhà nước không hỗ trợ trực tiếp ngân hàng yếu kém vì trên thực tế không hỗ trợ trực tiếp, nhưng vẫn hỗ trợ gián tiếp.

Dù gián tiếp cũng phải công khai, minh bạch và đánh giá tác động tới ngân sách nhà nước để người dân được biết vì họ là người đóng thuế”, luật sư Nghĩa phát biểu.

Hàn Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục