Nếu đề cập về lợi ích của thanh toán điện tử, là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực này, có điều gì ông muốn chia sẻ?
Thanh toán điện tử nói chung đem lại rất nhiều lợi ích cho cả người tiêu dùng và người bán hàng. Cụ thể, phương thức này sẽ tối ưu hóa thời gian của người mua lẫn người bán, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính của người bán hàng, cũng như cải thiện khả năng quản lý tài chính cá nhân của người tiêu dùng.
Ông Trần Trí Mạnh, Chủ tịch HĐQT VNPAY
Đáng chú ý, thanh toán điện tử đưa ra nhiều phương thức giao dịch, bán hàng mới cho người bán, giúp hàng hóa luân chuyển, lưu thông tốt hơn, tìm kiếm được nhiều khách hàng hơn.
Nói một cách đơn giản, việc thanh toán bằng tiền mặt chỉ có thể diễn ra khi người mua gặp người bán, nên có nhiều hạn chế, trong khi với giao dịch điện tử, hoạt động mua - bán có thể thực hiện mọi địa điểm, mọi thời gian, không cần gặp gỡ trực tiếp.
Có thể khẳng định, phương thức thanh toán hiện đại này mang lại rất nhiều lợi ích, đây cũng chính là lý do tỷ trọng giao dịch điện tử và các hợp đồng mua bán điện tử ngày càng có xu hướng mở rộng với tốc độ nhanh chóng tại các nền kinh tế trên toàn cầu.
Lợi ích là điều có thể đong đếm được, nhưng đi kèm với nó cũng là những rủi ro hiện hữu. Vấn đề này cần được nhìn nhận như thế nào?
Nếu nói đến rủi ro, hoạt động thanh toán bằng tiền mặt cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, không chỉ riêng với thanh toán điện tử. Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là rủi ro trong thanh toán điện tử có tính lan tỏa rất lớn, dễ gây tâm lý hoang mang tới người sử dụng, khiến nhiều người chưa nhận ra rằng, thực tế, thanh toán điện tử ít rủi ro hơn nhiều so với việc sử dụng tiền mặt.
Bên cạnh đó, vì nhận thức được rủi ro luôn song hành, nên các đơn vị cung cấp dịch vụ có ý thức rõ ràng về việc phải hoàn thiện hệ thống an ninh, bảo mật cho chính người dùng và hệ thống của mình. Các công nghệ mới ra thường có tính bảo mật hơn nhiều so với công nghệ cũ như thẻ chip thay thế thẻ từ, hay xác thực nhiều lần trên mobile.
Thông thường sẽ có những giải pháp nào khi xảy ra rủi ro, thưa ông?
Tôi muốn nhắc lại là bên cung cấp dịch vụ rất có ý thức trong việc phòng chống rủi ro, tuy nhiên, khi phát sinh vấn đề, dù chưa xác định được nguyên nhân nhưng các công ty luôn sẵn sàng ứng tiền cho khách hàng trước rồi tính toán sau.
Thực tế cho thấy, khi rủi ro xảy ra, nguyên nhân ban đầu thường là ý thức sử dụng phương tiện thanh toán hiện đại của người tiêu dùng. Chúng ta đang trong giai đoạn phát triển rất mạnh thanh toán điện tử, cần phải truyền thông mạnh mẽ tới khách hàng để họ hiểu đúng và có ý thức bảo vệ tài sản của mình… Đây là điều rất quan trọng.
Đã có rất nhiều tình huống sau khi tra soát, khách hàng nhận ra việc mất tiền xuất phát từ lỗi của chính mình. Theo đó, các công ty thanh toán sẽ giải thích cặn kẽ cho khách hàng, chịu một phần thiệt hại và động viên khách hàng tiếp tục sử dụng dịch vụ. Nhưng để bảo vệ chính bản thân mình, chúng tôi sẽ hướng dẫn thêm để người dùng lưu ý về các hành vi nâng cao ý thức bảo vệ tài khoản, bảo vệ tài sản của mình.
Thực tế, VNPAY cũng không nằm ngoài câu chuyện này. Chúng tôi đã gặp một số trường hợp như vậy và nguyên tắc đầu tiên, ưu tiên hàng đầu bao giờ cũng là giải quyết cho khách hàng, trên cơ sở đặt quyền lợi của người sử dụng lên trên hết. Nguyên tắc thứ thứ hai là tìm căn nguyên của sự việc, từ đó tìm cách giải quyết triệt để, không để tái diễn những trường hợp tương tự.
Được biết, MasterCard chi 10 tỷ USD trong một năm cho câu chuyện bảo mật. Còn tại Việt Nam, các công ty thanh toán điện tử ứng xử với vấn đề này như thế nào?
Tôi sẽ lấy ví dụ về câu chuyện bảo mật tại chính VNPAY. Hiện tại, VNPAY đầu tư rất lớn cho bảo mật, “nuôi” đội ngũ chuyên gia rà quét vì có nhiều loại tấn công, làm chậm hệ thống, thậm chí một số thời điểm phải thuê chuyên gia bảo mật với chi phí 500 USD/giờ.
Sắp tới, chúng tôi cũng vận hành riêng phần mềm rò quét lỗ hổng với chi phí khoảng 2 tỷ đồng... Đây chỉ là những con số tiêu biểu trong rất nhiều những khoản đầu tư mà VNPAY đã thực hiện trong vấn đề bảo mật.
Chúng tôi nhận thức rõ, việc đầu tư cho bảo mật sẽ còn tốn rất nhiều chi phí, nhưng vẫn phải làm. Bởi các bước trên chỉ là một phần trong giải pháp tổng thể bao gồm: Bảo mật, tính sẵn sàng, hệ thống chạy liên tục, nhanh, các phương án đảm bảo để khách hàng không mất tài khoản và mật khẩu…
Đó là chưa kể, trong thương mại điện tử không có quy định trích lập dự phòng rủi ro chính xác theo tỷ lệ như các tổ chức tín dụng vẫn đang làm, nhưng chúng tôi vẫn chủ động trích một khoản tiền từ lợi nhuận để làm Quỹ dự phòng rủi ro.
Xu hướng thanh toán điện tử ngày càng phát triển thì số lượng các công ty trong và ngoài nước gia nhập thị trường cũng sẽ tăng trưởng tương ứng. Ông có lo lắng việc nhiều doanh nghiệp thanh toán tham gi thì “miếng bánh” sẽ bé lại?
Hiện tại, khó có thể xác định “miếng bánh” thị trường như thế nào là nhiều hay ít và tất cả sẽ do thị trường điều tiết. Nhưng có một thực tế là nếu không có cạnh tranh sẽ không bao giờ có cái mới.
Theo đó, các doanh nghiệp phải cạnh tranh để tạo ra sản phẩm chất lượng, được khách hàng yêu quý; tối ưu hóa quản trị; tìm tòi công nghệ mới để thay thế sản phẩm cũ… Sẽ có những lúc những thành viên tham gia thị trường cảm thấy áp lực, mệt mỏi, bế tắc nhưng đó cũng là thời điểm để thêm phần sáng tạo, nghĩ ra cái mới.
Về câu chuyện các công ty thanh toán nước ngoài, mà hiện tại là Alipay vào Việt Nam, tôi cho rằng, điều này sẽ ảnh hưởng đến thương mại nhiều hơn và đây mới là điều đáng lo ngại. Bởi thương mại là vấn đề lớn, còn thanh toán chỉ là một khâu giải quyết vấn đề thương mại. Có giao dịch thương mại mới có thanh toán.
Trong bối cảnh này, mỗi công ty có một ngách riêng, phương án riêng. Đối với VNPAY, chúng tôi đi theo phương án hợp tác cùng 41 ngân hàng trong và ngoài nước để đưa ra các sản phẩm dịch vụ thanh toán.
Ngày càng nhiều các công ty thanh toán điện tử ra đời, dẫn tới không ít ý kiến cho rằng, đây là lĩnh vực “dễ kiếm nhiều tiền”. Ông có suy nghĩ gì về quan điểm này?
Tôi lại dẫn chứng từ chính VNPAY, với bản chất hoạt động là thu hộ tiền và hỗ trợ đa chiều. Trong quá trình thu hộ tiền, có những nơi được trả phí, nhưng cũng có những nơi không thu phí.
Chẳng hạn, VNPAY hợp tác hỗ trợ thu tiền tại một số trường học, ngân hàng và không thu phí. Có những lúc ngân hàng có khách hàng nhưng không thực hiện được giao dịch sẽ hợp tác với VNPAY và Công ty sẵn sàng chia sẻ khó khăn với ngân hàng, hỗ trợ chi nhánh trong dịch vụ thu hộ tiền để họ có được số dư trong tài khoản, bù đắp lại các khoản chi phí giao dịch…
Không được tiền hay giá trị kinh tế, nhưng VNPAY hay các công ty tương tự chúng tôi vẫn làm bởi đó là câu chuyện phục vụ xã hội.
Thực tế hiện nay, một phần ba công việc của VNPAY không mang lại lợi nhuận, nhưng chúng tôi thực hiện bởi hai mục tiêu.
Thứ nhất, đưa ra các sản phẩm mới, hỗ trợ người bán hàng kết nối khách hàng, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công nghệ AI, nhập máy thử nghiệm có tính năng nhận diện giọng nói – những việc “ngốn” rất nhiều chi phí liên quan đến tiền thuê chuyên gia nước ngoài, mua máy bán hàng, mua hàng, thuê địa điểm…
Dù không mang lại quyền lợi cho chính mình, nhưng việc này lại tăng khả năng bán hàng của doanh nghiệp với khách hàng; thúc đẩy ngành thanh toán nói chung với mong muốn ngành bán hàng của Việt Nam sẽ thay đổi.
Thứ hai, đam mê đưa ra những hình mẫu để cùng học hỏi. Có những khi 10 hình mẫu đưa ra chỉ chọn được 1 - 2 mẫu, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng không ngừng nghỉ với hy vọng mang lại nhiều phương thức bán hàng mới, khác nhau.
Thực tế, tham gia lĩnh vực thanh toán không chỉ là đáp ứng nhu cầu sẵn có, mà còn là tạo ra nhu cầu mới. Tôi muốn nhắc lại, việc cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử mang lại lợi ích cho người mua, người bán, đồng thời hỗ trợ việc tạo được tầm nhìn về thị trường. Ai cũng có giấc mơ và chúng tôi tạo cho người bán hàng giấc mơ trở thành triệu phú.
Ông có đề xuất gì với các nhà quản lý để thanh toán điện tử được phát triển mạnh mẽ hơn nữa?
Tôi cho rằng, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia xã hội hóa các dự án có liên quan đến thanh toán điện tử. Bên cạnh đó, kiến tạo không gian, cơ sở hạ tầng nhằm phân bổ đồng bộ các thiết bị tự phục vụ (như máy bán hàng tự động, máy bán vé tự động…) có liên quan đến thanh toán điện tử. Đồng thời, ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, phí, thủ tục nhằm thu hút các doanh nghiệp kinh doanh có đầu tư các trang thiết bị thanh toán tự động.