Tăng xử phạt môi giới địa ốc: Lo “bắt cóc bỏ đĩa”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong thời gian tới, môi giới bất động sản có thể bị phạt từ 120-160 triệu đồng nếu không cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản mà mình môi giới. Tuy nhiên, sẽ rất khó thực hiện quy định này nếu xét trong thực tế quản lý hoạt động môi giới hiện nay.
Tăng xử phạt môi giới địa ốc: Lo “bắt cóc bỏ đĩa”

Ngậm đắng vì tin môi giới

Dù đã hơn 1 năm trôi qua, nhưng chị Ngọc H., một nhà đầu tư ngụ tại quận 7, TP.HCM, vẫn chưa thể nguôi ngoai câu chuyện “mất tiền oan” khi nghe lời một nhân viên môi giới bất động sản của một công ty lớn tại TP.HCM.

Chị kể, năm 2019, chị và em trai thông qua Công ty Môi giới bất động sản Khải Hoàn Land - sàn Thủ Thiêm góp 60 triệu đồng đặt cọc giữ chỗ mua 2 căn hộ của một dự án lớn tại quận 9 (nay thuộc TP. Thủ Đức, TP.HCM), nhưng sau đó không có nhu cầu mua nữa nên đề nghị Khải Hoàn Land chuyển trả tiền đặt cọc.

Lúc này, ông Nguyễn Anh Sang (đại diện sàn Thủ Thiêm của Khải Hoàn Land) đã giới thiệu cho chị khu đất nền ở Hương lộ 11, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh do Công ty Hoàng Kim Land làm chủ đầu tư và chị đồng ý. Sau đó, vị này đã chuyển 60 triệu đồng tiền giữ chỗ dự án cũ sang đặt giữ chỗ 2 nền đất tại đây cho Công ty Bất động sản Khải Minh Land (sàn phân phối dự án đất nền nói trên).

Thông qua giới thiệu của ông Sang (môi giới Khải Hoàn Land), chị trao đổi với ông Lê Xuân Vỹ (đại diện Hoàng Kim Land) để thanh toán 50% giá trị 2 lô đất với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng (bao gồm tiền đã đặt cọc) với 2 bản hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đất.

Thế nhưng, khi khách hàng này chưa kịp thấy lô đất của mình ở đâu thì lãnh đạo Hoàng Kim Land bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cơ quan công an, nhân vật này không chỉ “hoạt động” tại huyện Bình Chánh, mà còn vẽ ra nhiều dự án “ma” tại các khu vực khác để thu tiền của khách hàng.

“Đến lúc này, tôi mới biết mình đã mua phải dự án ‘ma’ và liên tục liên lạc với những nhân viên môi giới đã làm việc với mình trước đó, nhưng kết quả nhận được chỉ là sự im lặng”, chị H. buồn bã nói.

Đem câu chuyện này tới trụ sở Khải Hoàn Land tọa lạc tại quận 7 (TP.HCM) để tìm hiểu, xác minh và qua trao đổi, một lãnh đạo của Công ty xác nhận với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán rằng, Nguyễn Anh Sang là nhân viên của Công ty, nhưng Khải Hoàn Land không phân phối bất kỳ dự án nào cho Hoàng Kim Land, cũng không đứng ra thu tiền giao dịch của khách hàng đối với các dự án do công ty này làm chủ đầu tư.

“Nhân viên môi giới này đã tự ý giới thiệu dự án của Hoàng Kim Land cho khách hàng, chứ không thông qua Khải Hoàn Land và chúng tôi cũng không có dính líu gì đến Hoàng Kim Land. Việc chuyển tiền đặt cọc trước đó để mua 2 lô đất của Hoàng Kim Land là thực hiện theo lời đề nghị của khách hàng”, đại diện Khải Hoàn Land nói và chia sẻ thêm rằng, sẽ chỉ chịu trách nhiệm với những sản phẩm mà Công ty chính thức phân phối, “còn những mối liên kết bên ngoài của môi giới thì Công ty không quản lý được hết, bởi hiện Công ty có hơn 5.000 người”.

Khi trao đổi với phóng viên, đại diện Khải Hoàn Land cho biết, dù không liên quan, nhưng Công ty cũng sẽ tích cực hỗ trợ khách hàng, chứ không hề chối bỏ. Thế nhưng, sau đó phóng viên nhiều lần liên lạc qua điện thoại với đại diện Khải Hoàn Land để ghi nhận thêm thông tin thì đều không nhận được phản hồi.

Vụ việc môi giới bán dự án ma tại Công ty Địa ốc Alibaba vẫn để lại nhiều "di họa". Ảnh: Việt Dũng

Vụ việc môi giới bán dự án ma tại Công ty Địa ốc Alibaba vẫn để lại nhiều "di họa".

Ảnh: Việt Dũng

Chỉ tăng chế tài xử phạt là chưa đủ

Trường hợp của chị Ngọc H. chỉ là một trong nhiều vụ việc phải “nếm trái đắng” vì tin lời môi giới bất động sản, bởi chỉ tính từ đầu năm 2021 tới nay đã có hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp môi giới bất động sản bị bắt, khởi tố về tội lừa đảo, rao bán dự án không có thực.

Để chuẩn hóa nghề môi giới bất động sản, Bộ Xây dựng cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 139/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng, trong đó thông tin nhận được nhiều sự chú ý từ các thành viên thị trường tại dự thảo này là tăng mức phạt vi phạm hành chính lên 120-160 triệu đồng đối với môi giới bất động sản có hành vi không cung cấp đủ hoặc cung cấp không trung thực thông tin về bất động sản mà mình môi giới…, thay vì mức phạt chỉ 40-50 triệu đồng như hiện tại.

Anh Nguyễn Quốc Cường, một nhà đầu tư bất động sản tại quận Gò Vấp nhìn nhận, với sự phát triển nhanh chóng của thị trường, nhân lực của ngành bất động sản đang là vấn đề rất phức tạp. Do đó, việc lành mạnh hóa, chuẩn hóa đội ngũ môi giới, tránh câu chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”, từ đó góp phần ổn định thị trường bất động sản là điều rất cấp thiết.

Ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho rằng, hoạt động môi giới tác động rất lớn đến tâm lý người dùng cũng như thị trường nên cần phải kiểm soát chặt chẽ việc vận hành đối với sàn môi giới, nhân viên môi giới.

Theo ông Lâm, hệ thống pháp luật hiện có đầy đủ quy định, chế tài xử lý các vấn đề liên quan đến sai phạm trong hoạt động môi giới bất động sản. Tuy nhiên, việc kiểm soát dường như đang bị buông lỏng, dẫn đến tình trạng bát nháo của nhiều sàn môi giới, nhân viên môi giới, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển của thị trường bất động sản.

Để hạn chế “mặt trái” của môi giới địa ốc, bên cạnh tăng nặng các chế tài xử phạt, theo ông Lâm, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các bên liên quan, trong đó địa phương đóng vai trò quan trọng.

“Không chỉ từ cơ quan chức năng cấp tỉnh/thành phố, mà ngay từ cấp phường/xã khi thấy văn phòng môi giới bất động sản mở ra thì phải đến kiểm tra đăng ký kinh doanh và những người hành nghề có đủ điều kiện hoạt động hay không. Cơ quan chức năng thấy các dự án chào bán trên thị trường, dự án nào không có tên trong danh sách đủ điều kiện mua bán thì ngay lập tức phải báo cho thanh tra để xử lý. Các hoạt động quản lý nhà nước nếu được triển khai đồng bộ và tích cực thì việc ‘treo đầu dê, bán thịt chó’ để lừa đảo khách hàng sẽ khó xảy ra”, ông Lâm nói và nhấn mạnh, “chỉ khi nào những môi giới, sàn giao dịch bất động sản hoạt động bát nháo bị xử lý một cách nghiêm khắc thì thị trường địa ốc mới có thể ổn định được”.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Văn Duẩn, Trưởng Văn phòng luật Thanh Niên cho biết, hiện tại, nhiều sàn giao dịch bất động sản đang “đánh tráo” khái niệm giao dịch bất động sản và hoạt động tư vấn bất động sản để không bị điều chỉnh bởi Luật Kinh doanh bất động sản và các quy định có liên quan khác, gây khó khăn trong quá trình quản lý, kiểm tra, xử lý các sai phạm của cơ quan nhà nước.

“Hiện chưa có một trường hợp nhân viên môi giới nào bị xử lý về vi phạm đạo đức, ứng xử nghề nghiệp và khó có thể xác định chính xác ai là người tung tin, thổi giá, đẩy giá lên, vì thế chưa thể sớm xử lý triệt để tình trạng này trong thời gian tới. Do vậy, khách hàng cần cẩn trọng trước các thông tin rao bán nhà đất từ các môi giới, sàn giao dịch bất động sản và cần tìm hiểu thật kỹ thông tin dự án tại chính quyền địa phương”, luật sư Duẩn nói.

Việt Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục