Đến nay, một số ngân hàng cổ phần đã được chấp thuận tăng vốn theo nghị quyết của đại hội cổ đông, nhưng cũng có những phương án tăng vốn bị NHNN trả lại cho chi nhánh NHNN địa phương để yêu cầu bổ sung, chứng minh tính khả thi cho việc tăng vốn. Theo một quan chức NHNN, về quan điểm, NHNN vẫn khuyến khích các ngân hàng tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính, nhưng không phải tăng vốn bao nhiêu cũng được mà phải đảm bảo được hiệu quả của việc tăng vốn. Cũng theo quan chức NHNN trên, hầu hết ngân hàng thương mại tại Việt Nam đều có quy mô vốn rất nhỏ so với ngân hàng các nước trong khu vực. Trước đây, việc tăng vốn của các ngân hàng rất khó khăn, nhưng với điều kiện thị trường đang thuận lợi, việc huy động vốn dễ dàng hơn rất nhiều so với trước, nên chủ trương vẫn là khuyến khích. Việc tăng vốn sẽ giúp các ngân hàng có thêm điều kiện để đầu tư công nghệ, mở rộng mạng lưới chi nhánh, nâng cao khả năng huy động vốn cho vay,... để phát triển. Trên thực tế, từ năm 2001, NHNN đã phân cấp việc cấp phép tăng vốn về chi nhánh NHNN các địa phương, nhưng trong điều kiện hầu hết ngân hàng đều tăng vốn rất mạnh hiện nay thì NHNN trong vai trò cơ quan quản lý thị trường đã tỏ ra khá thận trọng để tránh những mặt trái của việc tăng vốn. Cụ thể, theo yêu cầu của NHNN vào tháng 4 vừa qua, đối với ngân hàng có kế hoạch tăng vốn trong năm 2007 đạt mức vốn điều lệ sau khi tăng nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 tỷ đồng và ngân hàng đã niêm yết trên thị trường chứng khoán thì chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố chấp thuận. Tương tự như vậy là những ngân hàng có kế hoạch tăng vốn trong năm 2007 đạt mức vốn điều lệ sau khi tăng trên 1.000 tỷ đồng và chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán được xếp loại A. Chỉ những trường hợp còn lại, NHNN mới xem xét trên cơ sở đề xuất của chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố. Cũng theo quan chức NHNN trên, việc tăng vốn mạnh một mặt giúp ngân hàng tăng thêm khả năng tài chính để phát triển, nhưng mặt khác sẽ khiến tỷ suất lợi nhuận giảm bởi hiệu quả sử dụng vốn không tăng kịp với quy mô. Kết quả năm 2006 đã cho thấy điều này, đã có ngân hàng, tỷ lệ cổ tức cho cổ đông chỉ hơn 1%, thấp hơn cả lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Đối với một số ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng mới chuyển đổi mô hình từ cổ phần nông thôn sang cổ phần đô thị, họ phải chấp nhận điều này để phát triển, cổ đông góp vốn cũng phải chấp nhận điều này. Trong điều kiện thị trường ngân hàng đang phát triển mạnh, NHNN cũng chưa nhìn nhận vấn đề này để có cách nhìn không tốt về những ngân hàng nói trên, bởi còn hàng loạt chỉ tiêu giám sát khác như tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ nợ quá hạn,... các ngân hàng này đều phải tuân thủ. Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp như vậy mà việc tăng vốn quá nhanh chỉ mang tính ngắn hạn, không tính tới hiệu quả dài hạn sẽ có thể ảnh hưởng về lâu dài nên NHNN buộc phải có ý kiến. Cũng theo quan chức trên, có những ngân hàng mới chuyển đổi đã tăng vốn vài lần trong năm 2006, nhưng kế hoạch đưa lên lại tăng vốn gấp gần 5 lần trong năm nay, đưa quy mô vốn điều lệ vào loại ngân hàng đứng đầu thị trường thì ngân hàng đó cần phải giải trình cụ thể về khả năng sử dụng vốn sau khi tăng, đặc biệt là khả năng quản lý. Theo quan chức trên, thị trường vốn đang phát triển tốt, các ngân hàng có thể huy động 5.000 tỷ đồng hay 10.000 tỷ đồng/năm có lẽ không quá khó, nhưng ở góc độ quản lý nhà nước thì NHNN cần quan tâm tới hiệu quả đầu tư lượng vốn đó cho nền kinh tế như thế nào, khả năng sử dụng vốn an toàn mà không bị đổ vỡ ngân hàng ra sao... Có những ngân hàng nộp hồ sơ tăng vốn quá sơ sài, đây là lý do khiến NHNN chưa thể đồng ý mà vẫn yêu cầu phải bổ sung. Mới đây nhất, Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VP Bank), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank),... đã được chấp thuận tăng vốn điều lệ, nhưng cũng có những ngân hàng được NHNN gửi công văn về chi nhánh NHNN địa phương yêu cầu cần phải bổ sung hồ sơ như Ngân hàng An Bình (ABBANK).
Tăng vốn phải tính tới hiệu quả
Trong tháng 2 và tháng 4 năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hai lần gửi công văn tới chi nhánh NHNN các địa phương hướng dẫn về việc xin phép chấp thuận tăng vốn của các ngân hàng.