Tăng vốn mạnh: Nguy cơ "hàng"… chất lượng kém

(ĐTCK-online) Năm 2010, cùng với việc tăng vốn ồ ạt của nhiều DN, diễn biến khó khăn của nền kinh tế khiến không ít DN đứng trước nguy cơ không duy trì được mức tăng trưởng chỉ tiêu thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) như năm 2009. Căn cứ trên chỉ tiêu kế hoạch mà DN đưa ra, có nhóm ngành có mức tăng trưởng lợi nhuận thậm chí là… âm trên 60% so với năm 2009.
ẢNh: Corbisimages.com ẢNh: Corbisimages.com

Thống kê của stox.vn cho thấy, trong số 100 DN dẫn đầu các nhóm ngành đang niêm yết trên TTCK chính thức, trong khi mức tăng trưởng lợi nhuận của cả nhóm là 15,8% thì tăng trưởng EPS chỉ đạt khoảng 5,8%.

Đây là số liệu thống kê chưa bao gồm kế hoạch phát hành cổ phiếu của DN trong khoảng thời gian 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, sự phân hóa trong tăng trưởng EPS cũng khá rõ ràng, khi nhóm DN hàng và dịch vụ công nghiệp được dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng 60,8%, tăng trưởng EPS khoảng 59,3%; nhưng ở đầu ngược lại, nhóm DN ngành ô tô và phụ tùng ô tô lại được dự báo tăng trưởng lợi nhuận -50,6%, tăng trưởng EPS -62,2%!

Một điểm đáng chú ý trong thống kê trên là, không ít DN dù có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dương nhưng tăng trưởng EPS vẫn là con số âm, điển hình là nhóm DN thuộc ngành dịch vụ tài chính: tăng trưởng lợi nhuận (theo kế hoạch) năm 2010 lên tới 38,2% nhưng tăng trưởng EPS là -1,4%, hay nhóm ngành bảo hiểm, tăng trưởng lợi nhuận kế hoạch là 1,2%, nhưng tăng trưởng EPS là -8,8%. Đây là bằng chứng rõ nét cho thấy, không ít DN đang phải căng sức ra để có thể duy trì chỉ tiêu thu nhập trên mỗi cổ phần cho phù hợp với tốc độ tăng vốn.

Nhưng bên cạnh việc tốc độ tăng vốn lớn hơn tốc độ tăng lợi nhuận thì một nguyên nhân nữa cũng khiến các DN niêm yết đối mặt với nguy cơ bị giảm chỉ tiêu EPS là tác động từ môi trường kinh doanh.

Năm 2009, các công ty sản xuất săm lốp ô tô đã có mức lợi nhuận ấn tượng do giá cao su và các nguyên vật liệu đầu vào khác giảm mạnh thời kỳ đầu năm. Nhưng năm 2010, lợi thế này của các DN không còn nữa (hoặc còn khá ít) do giá mủ cao su từ đầu năm được duy trì ở mức khá cao, hàng tồn kho cuối năm 2009 của các đơn vị này cũng không nhiều. Chính vì vậy, việc đạt được mức lợi nhuận như năm 2009 (từ hoạt động kinh doanh chính) là một thách thức. Chưa kể, một số DN (do một vài lý do) đã thông qua kế hoạch tăng vốn (hoặc bằng phát hành mới, hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu) đã làm cho EPS giảm nhiều hơn. Điều này cũng có nghĩa là, những NĐT trót mua cổ phiếu với giá cao (do đẩy giá trước khi chốt quyền) vì kỳ vọng DN giữ được mức tăng trưởng EPS không âm so với năm 2009 có thể sẽ bị nếm "trái đắng".

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Stoxplus thì trên thực tế, các DN thường đưa ra kế hoạch ở mức "xấu nhất", trong khi nền kinh tế đang được cải thiện tốt hơn, nên có thể kết quả kinh doanh của các DN niêm yết sẽ khả quan hơn những con số kế hoạch. Đồng thời, với mức P/E của Top 100 DN niêm yết chỉ ở mức xấp xỉ 11,8 lần (tính đến cuối tháng 5/2010) thì mặt bằng giá chung của thị trường cũng khá hấp dẫn, chưa kể, dòng vốn vào DN cần có thời gian để mang lại hiệu quả.

Dù vậy, thống kê trên cũng chỉ ra một điều, khi các cổ đông quá dễ dãi trong việc thông qua các quyết định tăng vốn, chỉ nhìn vào thành tích trong quá khứ thì việc gặp thất bại trong việc đầu tư (nếu theo DN lâu dài) hoặc việc thị trường chịu tác động tiêu cực là khó tránh khỏi, do lợi nhuận của DN trong quá khứ không bền vững. Thống kê cho thấy, năm 2009 là năm của "lợi nhuận đột biến", với không ít công ty có mức lợi nhuận và EPS ấn tượng, nguyên nhân chính xuất phát từ hoàn nhập dự phòng và bán tài sản - những nguồn thu nhập không ổn định.

Nguy cơ cổ phiếu bị pha loãng do phát hành tăng vốn là đề tài không mới, được nhắc đến nhiều nhất từ năm 2007 và giờ đây có thể có thêm một lần nữa cần được cảnh báo, khi trào lưu phát hành tăng vốn của nhiều DN đăng tăng mạnh. Theo ông Thuân, trong khi chỉ có khoảng 45% DN chịu được mức lãi suất vay vốn 15%/năm thì việc DN phát hành tăng vốn sẽ tiếp tục diễn ra mạnh. Nhưng chất lượng tăng trưởng của DN sau khi tăng vốn đến đâu, lại là vấn đề chưa rõ ràng.               

Dự báo khả năng tăng trưởng EPS của một số nhóm ngành



Ngành

Số công ty

Vốn hóa

(tỷ đồng)

Tăng trưởng lợi nhuận (%)

EPS

P/E 2010

(Lần)

2009A (VND)

2010E (VND)

Tăng trưởng %

Hàng và dịch vụ công nghiệp

8

16.075

60,8

1.374

2.190

59,3

13,3

Thực phẩm và đồ uống

10

69.256

38,0

3.237

4.372

35,1

11,6

Hàng cá nhân và gia dụng

2

3.349

20,5

4.079

4.915

20,5

9,8

Du lịch và giải trí

2

5.405

26,7

773

980

26,7

35,2

Công nghệ thông tin

4

17.183

41,6

4.495

5.579

24,1

8,0

Xây dựng và vật liệu

11

29.791

41,3

2.620

3.078

17,5

10,2

Bất động sản

19

96.192

19,8

4.271

4.325

1,3

12,8

Ngân hàng

6

137.655

10,1

2.430

2.676

10,1

10,6

Dich vu tài chính

10

51.303

38,2

2.089

2.060

-1,4

13,1

Tài nguyên cơ bản

6

37.698

20,6

4.486

4.364

-2,7

11,9

Dầu khí

2

16.623

1,3

3.621

3.445

-4,9

11,8

Y tế

3

5.690

-4,0

10.057

9.655

-4,0

11,2

Bán lẻ

1

1.283

-1,0

2.055

2.035

-1,0

11,3

Bảo hiểm

4

34.604

1,2

1.792

1.634

-8,8

23,3

Điện, nước và xăng dầu khí đốt

4

10.465

-16,5

2.584

2.158

-16,5

7,6

Hóa chất

5

19.390

-29,4

3.935

2.752

-30,1

12,7

Ô tô và phụ tùng

3

4.248

-50,6

13.069

4.937

-62,2

10,9

 

100

556.209

15,8

2.894

3.062

5,8

11,8

 (nguồn stox.vn)

Tiểu Mai
Tiểu Mai

Tin cùng chuyên mục