Tăng vốn: Kỳ vọng của ngân hàng năm 2019

(ĐTCK) Theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, năm 2020 sẽ là thời điểm tất cả các ngân hàng tại Việt Nam phải tuân thủ tiêu chuẩn Basel II, đặc biệt là các quy định về vốn. Tuy nhiên, hiện mới có 3 ngân hàng hoàn tất triển khai và áp dụng chuẩn trên là Vietcombank, VIB và OCB.
Tăng vốn: Kỳ vọng của ngân hàng năm 2019

Lãnh đạo nhiều ngân hàng cổ phần cho biết, kết quả kinh doanh khả quan năm qua sẽ là cơ sở để ngân hàng tăng mức cổ tức chi trả so với một năm trước đó. Tuy nhiên, cổ tức được chi trả vẫn chủ yếu bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ, qua đó nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng tiêu chuẩn Basel II.

Theo thông tin từ ACB, ngân hàng này dự kiến chia cổ tức 2018 ở mức 30% bằng cổ phiếu. Nhiều ngân hàng khác như MB, VPBank, OCB… cũng có kế hoạch cổ tức 2018 bằng cổ phiếu để tăng thêm vốn. Với các ngân hàng quy mô nhỏ hơn như Nam A Bank, VietBank, Viet Capital Bank, Kienlongbank, NCB, VietA Bank, BacA Bank…, vấn đề tăng vốn càng được quan tâm và phương thức chủ yếu vẫn là trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Lâu nay, tăng vốn điều lệ là vấn đề nan giải đối với các ngân hàng, nhất là các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, vì nhiều nguyên nhân. Chia sẻ tại một hội nghị tổ chức mới đây, lãnh đạo VietinBank cho biết, tăng vốn đang là việc rất cấp bách đối với Ngân hàng, nên VietinBank đã xin phép Ngân hàng Nhà nước được chia cổ tức bằng cổ phiếu từ năm 2017 đến năm 2020.

Do tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VietinBank đã tới mức tối thiểu từ tháng 9/2018 tới nay, nên ngân hàng này không thể tăng trưởng tín dụng. Cả năm 2018, hoạt động tín dụng của VietinBank chỉ tăng trưởng 6,1%, riêng quý IV/2018 giảm hơn 26.000 tỷ đồng vì không tăng được vốn.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến VietinBank phải giảm chỉ tiêu lợi nhuận năm 2018 từ mức 10.800 tỷ đồng xuống 7.600 tỷ đồng. Kết thúc năm 2018, Vietinbank đạt 9.500 tỷ đồng lợi nhuận, nhưng vấn đề cổ tức vẫn chưa được tiết lộ, mà phải đợi đến kỳ họp Đại hội đồng cổ đông gần nhất.

Cũng tại hội nghị trên, Chủ tịch HĐQT BIDV - ông Phan Đức Tú đã đề nghị cơ quan quản lý tháo gỡ các điều kiện ràng buộc nhà đầu tư nước ngoài để BIDV có thể hoàn tất giao dịch bán vốn trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, BIDV đã được Chính phủ chấp thuận đề án phát hành 17,65% số lượng cổ phiếu đang lưu hành cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc với tư cách là đối tác chiến lược để tăng thêm vốn, đáp ứng quy định về CAR. Về kế hoạch chia cổ tức, lãnh đạo nhà băng này cho biết chưa thể tiết lộ.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho hay, Ngân hàng đã hoàn thành việc phát hành riêng lẻ cho GIC Private Limited - quỹ đầu tư quốc gia của Singapore và Mizuho Bank Ltd -  một trong những định chế tài chính lớn nhất Nhật Bản, thu về 6.200 tỷ đồng, qua đó nâng vốn điều lệ lên 37.100 tỷ đồng, tạo nền tảng vốn vững chắc cho việc đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn theo Chuẩn mực Basel II.

Theo một chuyên gia kinh tế - tài chính, hiện tại, tăng vốn là vấn đề cấp bách đối với các ngân hàng nói chung và ngân hàng có vốn nhà nước chi phối nói riêng, trong đó việc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn là phương án khả dĩ.

Tuy nhiên, do phương án này phụ thuộc vào ngân sách nhà nước nên cần được tính toán lỹ lưỡng. Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Xuân Thành - Trường Đại học Fullbright Việt Nam cho rằng, việc tăng vốn là quan trọng, song nguồn vốn tăng thêm cần phải minh bạch để tránh tình trạng sở hữu chéo tái tăng.

Định hướng chính sách là tạo cơ chế thông thoáng để các ngân hàng tăng được vốn, đáp ứng tiêu chuẩn Basel II theo lộ trình.

Tuy nhiên, tính đến nay, toàn hệ thống mới có 3 ngân hàng hoàn thiện việc triển khai và áp dụng chuẩn Basel II, còn các ngân hàng thương mại khác đang gặp nhiều khó khăn trong việc tăng vốn, trong khi thời hạn áp dụng đã ở trước mắt.

Theo một nguyên lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, để tăng vốn, mỗi năm hệ thống ngân hàng cần 4 tỷ USD, nhưng 2 năm qua mới thu xếp được hơn 2 tỷ USD.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục