GDP năm 2015 tăng cao nhờ sự phục hồi của khu vực sản xuất công nghiệp; sản xuất, xuất khẩu của khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài… đều tăng trưởng tốt. Một trong những động lực tăng trưởng chủ yếu trong năm nay được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ tại Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, đó chính là cải cách môi trường kinh doanh.
Những lực đẩy về cải cách đang được tạo ra bởi tác động của nhiều luật trụ cột về cải cách môi trường kinh doanh có hiệu lực mới đây như: Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi cũng như sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ. Mặt khác, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, điển hình như TPP, đang tạo sức ép thúc đẩy cải cách từ bên trong để tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập mang lại.
Tại hội nghị trên, theo đánh giá của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, qua hai năm triển khai các Nghị quyết 19/NQ-CP, tập trung vào một số lĩnh vực như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội..., nhưng đã củng cố niềm tin cho cộng đồng DN.
Nhiều ý kiến cho rằng đó là một lý do thúc đẩy rất nhiều mặt sản xuất và đời sống, nhưng chưa đủ vì mới tập trung chính sách ở cấp Chính phủ và một số bộ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trăn trở, chúng ta mong tất cả các bộ ngành cùng vào cuộc, điều quan trọng là làm sao chính sách xuống được đến cơ sở.
Việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia gắn chặt với cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử… Nếu làm tốt những việc này, thì không chỉ GDP tăng, mà rất nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội sẽ được cải thiện.
Mức độ cải thiện về môi trường kinh doanh không chỉ được các cơ quan, tổ chức trong nước ghi nhận, mà còn nhận được “điểm cộng” từ các tổ chức quốc tế. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015 - 2016 của Việt Nam là 56/140 quốc gia, tăng 12 bậc so với giai đoạn 2014 - 2015.
Dù đã có những bước tiến lớn trong xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh, nhưng với hiện trạng như vậy, Việt Nam vẫn còn phải nỗ lực nhiều trong cải thiện môi trường kinh doanh. Dư địa cho cải cách, sáng tạo, đổi mới còn lớn. Tuy nhiên, trong giai đoạn trước, mức độ cải cách môi trường kinh doanh chưa cao, chỉ cần thực hiện những cải cách không quá phức tạp cũng tạo bước tiến lớn về cải thiện môi trường kinh doanh.
Còn nay, bối cảnh đã khác, đòi hỏi Chính phủ phải thực thi các bước cải cách lớn, triệt để hơn thì mới có thể tạo bước tiến rõ nét về cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó, hỗ trợ cho nền kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu, bền vững.