Theo đó, ngay từ năm 2015, hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng. Đồng thời, cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Theo Chỉ thị, bên cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý, trọng trách được giao cho các tổ chức tín dụng xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh nhằm khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội.
Bên cạnh đó, cần cải thiện chất lượng dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng trưởng tín dụng xanh; quan tâm tài trợ các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thực hiện tăng trưởng xanh. Chỉ thị cũng yêu cầu, phải tập trung ưu tiên cấp tín dụng xanh cho các ngành kinh tế thực hiện việc bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên…
Trên thực tế, khá nhiều ngân hàng đã quan tâm đến tín dụng xanh trước khi NHNN ban hành Chỉ thị 03 như VietinBank, VIB, Techcombank, ABBANK…
Theo ông Nguyễn Việt Đức, Phó Giám đốc Khối Quản lý rủi ro ABBANK, ngân hàng này đặc biệt lưu tâm tới các nội dung phát triển toàn diện và bền vững. Trước khi Chỉ thị 03 của NHNN được ban hành, với sự hỗ trợ từ Công ty Tài chính quốc tế (IFC), ABBANK về cơ bản đã hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội.
Ông Đức cho biết, hệ thống này được tích hợp vào quy trình kinh doanh, quy trình cấp tín dụng và áp dụng đồng bộ với các quy trình quản lý rủi ro hiện hành tại ABBANK. Bên cạnh đó, ABBANK cũng phân công nhân sự chuyên trách để có những báo cáo kịp thời về tiến độ và hiệu quả của việc áp dụng chính sách vào thực tiễn, nhằm đảm bảo các chủ trương quản trị rủi ro môi trường và xã hội được thực hiện đúng và đầy đủ.
“Chúng tôi tin rằng, việc ABBANK chú trọng đến vấn đề về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng là một hình thức hiện thực hóa kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh”, ông Đức nói.
Là người đã phối hợp cùng NHNN trong nhiều năm qua trong việc thúc đẩy tín dụng xanh, ông Lakhdeep Babra, chuyên gia IFC về môi trường, xã hội và quản trị khu vực châu Á cho biết, từ những kinh nghiệm của IFC ở các thị trường khác, các ngân hàng luôn gặp những thách thức trong việc thực hiện tín dụng xanh. Do đó, sẽ còn nhiều việc phải làm để quy định mới này thực hiện có hiệu quả.
Cụ thể, ông Lakhdeep Babra dẫn chứng, với việc Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ ra đời vào cuối năm nay, các ngân hàng của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các ngân hàng trong khu vực, mà trong đó rất nhiều ngân hàng đã đi theo các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội quốc tế từ trước.
Thêm vào đó, khách hàng và những đối tác tài trợ như IFC luôn yêu cầu các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội từ các đối tác của họ. Vì vậy, để giành chiến thắng trong những cơ hội kinh doanh mới và mở rộng thị phần, các ngân hàng của Việt Nam cần đáp ứng được xu hướng chung đó.
Nhận định về những khó khăn trong quá trình thực hiện tín dụng xanh, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho biết, ở nước ngoài đã triển khai tín dụng xanh từ rất lâu nhưng mới có rất ít ngân hàng Việt Nam nghĩ đến và triển khai điều này trong hệ thống. Đây cũng là một thách thức trong việc triển khai rộng rãi chủ trương này.
Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ phải đầu tư cho hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội, xây dựng chuyên môn, năng lực cho nhân viên… trong lĩnh vực tín dụng xanh. Việc này sẽ phát sinh chi phí không nhỏ, mà trong giai đoạn kinh tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, nếu không khéo xử lý, “cột mốc” này tuy là cần thiết nhưng lại xa tầm tay với.
“Tín dụng xanh, chặng đường dài để đi đến thành công cần sự phối hợp của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thương mại, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng… phối hợp với NHNN để đưa ra chính sách cụ thể hơn nhằm bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.