Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 7/9/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,15% so với cuối năm 2023, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm. Ông có nhận định gì về diễn biến này?
Tôi cho rằng, đây là con số tăng trưởng tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2023 và có thể nói là khá ấn tượng trong việc thực hiện mục tiêu định hướng cả năm là 14 - 15%. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm hơn là chất lượng của tăng trưởng tín dụng ra sao. Từ góc nhìn của một đơn vị chuyên về phân tích dữ liệu và chấm điểm tín dụng doanh nghiệp, tôi có một số quan sát như sau:
Thứ nhất, việc tăng trưởng tín dụng là không đồng đều và có sự phân hóa cao giữa các ngân hàng. Một số ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm 2024 vượt mốc 10% như TCB, ACB, HDB, MBB, VPB, LPB. Ở chiều ngược lại, một số khác đang gặp khó khăn trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ví dụ như suy giảm tín dụng ở ABB hay một số ngân hàng tập trung bán lẻ như TPB, VIB đều ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng dưới 5%.
Thứ hai, tín dụng bán lẻ vẫn đang là khó khăn chung của các ngân hàng thương mại, nối tiếp đà suy giảm từ năm 2023. Điều này phản ánh khó khăn chung của thị trường đối với cầu tiêu dùng của người dân, nhất là các hoạt động cho vay mua nhà, vay tiêu dùng, vay sản xuất - kinh doanh, khi mà sức khỏe tài chính của cá nhân và hộ gia đình chưa được cải thiện.
Thứ ba, tín dụng tăng trưởng khá tốt nhưng không đồng đều giữa các nhóm ngành. Nhất là tín dụng cho chủ đầu tư bất động sản, mặc dù chỉ tăng 4,6% từ đầu năm đến cuối tháng 5/2024 và 14% so với giai đoạn 5 tháng cùng kỳ năm 2023, nhưng trong đó, riêng tín dụng cho chủ đầu tư bất động sản tăng ở tốc độ cao hơn nhiều so với tín dụng mua nhà. Một điểm đáng lưu ý là các ngân hàng có tăng trưởng tín dụng ấn tượng kể trên như LPB, MSB, VPB, HDB, TCB đều có mức tăng vào bất động sản và xây dựng cao từ 13 - 18%.
Thứ tư, khi xét tình hình của các doanh nghiệp đại chúng, vốn đều là các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn thì tốc độ tăng trưởng tín dụng khá cao. Có thể thấy rằng, để đạt được con số tăng trưởng nêu trên, các ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp có quy mô lớn. Số liệu tài chính tại cuối quý II/2024 của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy tăng trưởng nợ vay đáng kể ở các ngành bất động sản, nuôi trồng và một số ngành sản xuất.
Trên cơ sở những dữ liệu hiện có, ông dự báo về tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm và cả năm 2024 sẽ như thế nào?
Ngày 28/8/2024, NHNN đã chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của các tổ chức tín dụng, đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN thông báo đầu năm mà không cần tổ chức tín dụng phải xin điều chỉnh tăng thêm. Đây được xem là một động thái “gỡ khó” trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang chậm chạp.
Việc đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra trong các tháng còn lại của năm 2024 hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự biến động và đà phục hồi của các ngành trọng điểm như bất động sản, năng lượng, bán lẻ và tiêu dùng, các ngành hướng tới xuất khẩu như dệt may, nông sản, thủy sản.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng không chỉ cần đẩy mạnh ở con số, mà còn cần chú trọng vào chất lượng tăng trưởng. Việc mở rộng tín dụng quá nhanh có thể dẫn đến tình trạng nợ xấu gia tăng. Các ngân hàng có thể thay đổi định hướng tín dụng một cách không phù hợp, nới lỏng điều kiện về thẩm định và quy trình đánh giá tín dụng để tiếp cận với tập khách hàng mới, trong khi năng lực về quản trị rủi ro chưa thể đáp ứng.
Ngoài ra, dưới sức ép tăng trưởng tín dụng, ngân hàng còn có thể thực hiện các biện pháp “kỹ thuật” để tăng và duy trì dư nợ trong thời gian ngắn, nhằm đạt được con số mục tiêu trên bề mặt báo cáo. Chúng tôi đã quan sát một số doanh nghiệp đẩy mạnh vay ngắn hạn nhưng đầu tư vào chứng khoán kinh doanh, trong đó có chứng chỉ tiền gửi. Điều này khó để ước tính nhưng cho thấy một phần trong tăng trưởng tín dụng là có yếu tố tăng trưởng mang tính kỹ thuật.
Do vậy, chúng tôi cho rằng, trong các tháng cuối năm 2024, song song với nỗ lực tăng trưởng tín dụng các ngân hàng vẫn phải lưu ý tới vấn đề chất lượng tín dụng, nhằm đảm bảo an toàn tín dụng toàn hệ thống. Về lâu dài, các ngân hàng cần có các chuyển đổi mang tính nền tảng về hoạt động kinh doanh, con người, năng lực dữ liệu và công nghệ để hướng tới tăng trưởng bền vững.
Để dư nợ tín dụng tăng trưởng ổn định và bền vững, theo ông, cần những giải pháp gì từ các bên?
Trước tiên, cần nhìn vào thực tế về hạn chế của hoạt động tín dụng trong giai đoạn vừa qua. Các ngân hàng thương mại đã tập trung rất lớn cho mảng tín dụng bán lẻ, đồng thời mở rộng hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp quy mô lớn, siêu lớn; việc mở rộng cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) còn nhiều hạn chế như chúng ta đã biết.
Chúng tôi có phân tích dữ liệu về tình hình vay nợ của các DNVVN của Việt Nam thì về cơ cấu dư nợ, phân khúc cho vay DNVVN ghi nhận sự gia tăng đáng kể vào năm 2023, đánh dấu tốc độ tăng trưởng 19,13% so với năm trước đó. Tuy nhiên, tỷ trọng dư nợ cho vay DNVVN mới chiếm khoảng 20,71% trong tổng dư nợ tín dụng. Khoảng trống tài chính của DNVVN ở Việt Nam ước tính gấp 2,11 lần mức cho vay DNVVN hiện tại. Trong khi đó, dự toán khoảng trống tài chính của DNVVN tại các nước đang phát triển chỉ cao hơn 1,23 lần các khoản vay hiện thời dành cho DNVVN.
Do đó, một trong những ưu tiên đối với ngân hàng thương mại trong thời gian tới là việc chuyển đổi sản phẩm dịch vụ hướng tới DNVVN nhằm tiếp cận sâu hơn các đối tượng khách hàng mới, có thời gian hoạt động còn ngắn nhưng nhiều tiềm năng phát triển.
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp cũng cần chủ động đẩy mạnh quá trình số hóa các quy trình hoạt động của mình dựa trên các dịch vụ và nền tảng về công nghệ đang được cung cấp trên thị trường như ERP, e-Invoice, e-POS, e-Shop… Thông qua việc sử dụng các nền tảng dịch vụ này, doanh nghiệp một mặt có thể minh bạch về các hoạt động kinh doanh của mình khi trao đổi các bên tài trợ vốn; mặt khác tăng cường khả năng tiếp cận các hệ sinh thái lớn hay chuỗi giá trị lớn, vốn đang là đối tượng được ưu tiên tiếp cận của các tổ chức tín dụng lớn trên thị trường.
Bên cạnh đó, hiện nay, trên thị trường đã và đang phát triển các loại hình công ty tài chính thế hệ mới (FinTech) có chức năng tài trợ vốn hoặc kết nối với các tổ chức tín dụng theo các phương thức tinh gọn hơn. Các doanh nghiệp nên tận dụng nguồn vốn và khả năng tiếp cận vốn từ các đối tượng này để đáp ứng các nhu cầu vốn bao gồm cả ngắn hạn và trung dài hạn.
Đối với các DNVVN, chúng tôi khuyến cáo nên chủ động xây dựng hồ sơ tín dụng được ghi nhận bởi hệ thống các tổ chức tín dụng và Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC). Lịch sử tín dụng dù là các khoản vay nhỏ, ngắn hạn cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn lớn hơn trong quá trình phát triển của mình.
Đồng thời, các doanh nghiệp, đặc biệt là DNVVN nên tham gia vào các nền tảng kết nối và phân tích thông tin để nhận lại các đánh giá chuyên sâu từ các đơn vị có chuyên môn về dữ liệu và đánh giá rủi ro tín dụng như FiinGroup. Mô hình kết nối thông tin và chia sẻ cơ hội kinh doanh như của FiinGroup sẽ là lời giải cho vấn đề thông tin bất đối xứng giữa tổ chức tín dụng và DNVVN.